Tiền vẫn quẩn quanh trong hệ thống ngân hàng

Tính đến đầu tháng 6/2013, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng đã tăng thêm xấp xỉ 200.000 tỉ đồng, trong khi lượng tiền cho vay ra chỉ tăng thêm xấp xỉ 70.000 tỉ đồng.

Chênh lệch vốn huy động – cho vay 130.000 tỉ đồng, một phần được các ngân hàng đổ vào trái phiếu như một biện pháp “chống móm”, phần còn lại nằm quanh quẩn cho hệ thống, bất kể nỗ lực bơm vốn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng như các ngân hàng thương mại.

Huy động nhiều hơn cho vay 130.000 tỉ đồng


Lượng tiền chênh lệch giữa huy động – cho vay của hệ thống ngân hàng đi đâu về đâu? Phần lớn vẫn quanh quẩn trong hệ thống.

So với cuối năm 2012, báo cáo mới nhất của thống đốc ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối tháng 5.2013, tổng vốn huy động VND tăng 7,55%, tổng phương tiện thanh toán tăng 5,46%; dư nợ tín dụng tăng 2,98% (trong đó tín dụng VND tăng 5,48%, tín dụng ngoại tệ giảm 8,41%). Những con số thống kê đã phần nào thể hiện tình trạng tắc nghẽn tín dụng đầu ra của hệ thống ngân hàng.

Cụ thể, theo tính toán của một chuyên gia đang làm việc trong hệ thống ngân hàng, lượng vốn huy động tăng thêm của toàn hệ thống ngân hàng đạt xấp xỉ 200.000 tỉ đồng; lượng vốn tín dụng tăng thêm của toàn hệ thống là 70.000 tỉ đồng. Như vậy, chênh lệch giữa lượng vốn huy động được và cho vay ra của cả hệ thống xấp xỉ 130.000 tỉ đồng.

Đó là chưa kể, một lượng tiền gửi bằng vàng đã được rút ra khỏi hệ thống ngân hàng thời gian vừa qua, theo yêu cầu về tất toán vàng trước thời hạn 30.6 của NHNN. Cụ thể, tính đến đầu tháng 6.2013, các ngân hàng đã tất toán được trên 80% số dư huy động bằng vàng, tương đương hơn 100 tấn vàng – trị giá xấp xỉ 100.000 tỉ đồng – có nghĩa là số dư tiền gửi của hệ thống ngân hàng đã giảm xấp xỉ 100.000 tỉ đồng kể từ khi có quyết định của NHNN về tất toán vàng. Một phần trong số đó có thể cũng đã được quay trở lại hệ thống ngân hàng, dưới hình thức USD, VND hoặc cũng vẫn bằng vàng nhưng qua dịch vụ giữ hộ, song nếu không tất toán vàng, chắc chắn lượng vốn huy động của hệ thống ngân hàng còn cao nữa và chênh lệch giữa huy động – cho vay còn lớn hơn con số 130.000 tỉ đồng.

Tiền vẫn quẩn quanh trong hệ thống ngân hàng - 1

Lượng vốn huy động tăng thêm của toàn hệ thống ngân hàng đạt xấp xỉ 200.000 tỉ đồng

Tăng trưởng huy động cao trong khi tăng trưởng tín dụng thấp, hệ số LDR (hệ số sử dụng vốn của hệ thống ngân hàng) giảm từ 90% xuống còn 85% (cuối năm 2011, hệ số này đạt trên 116% - chưa tính các khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, ủy thác đầu tư). Mặc dù tỉ lệ này là hợp lí nếu xét trên góc độ an toàn vốn, song chắc chắn ảnh hưởng đến nguồn thu của các ngân hàng, trong bối cảnh họ chưa đẩy mạnh được các dịch vụ khác.

Chính sách tiền tệ kém hiệu lực


Vậy lượng tiền chênh lệch giữa huy động – cho vay của hệ thống ngân hàng đi đâu về đâu? Tổng hợp các thông tin được công bố từ đầu năm đến nay, khoản chênh lệch này, một phần được các ngân hàng đổ vào kênh trái phiếu, còn lại vẫn quanh quẩn trong hệ thống.

Cụ thể, từ đầu năm đến nay, vốn trái phiếu Chính phủ được các ngân hàng nắm giữ thêm đạt xấp xỉ 30.000 tỉ đồng (toàn hệ thống hiện đang nắm giữ xấp xỉ 400.000 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ). Như vậy, cả hệ thống đang dự trữ thanh khoản xấp xỉ 100.000 tỉ đồng, trong khi yêu cầu về dự trữ bắt buộc của cả hệ thống chỉ xấp xỉ 60.000 tỉ dồng. “Điều đó có nghĩa là hệ thống ngân hàng đang quá dồi dào thanh khoản, nếu không muốn nói là tắc nghẽn, ứ đọng về vốn”, chuyên gia kể trên nói.

Cũng theo chuyên gia này, ngay cả hoạt động đầu tư trái phiếu của các ngân hàng cũng hàm chứa sự bế tắc của tín dụng. Bởi lẽ, bình quân chi phí huy động của hệ thống ngân hàng hiện nay xấp xỉ 8%/năm, trong khi mặt bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ liên tục giảm trong thời gian vừa qua ở tất cả các kì hạn, hiện xấp xỉ 6,5 – 6,75% kì hạn 2 – 3 năm; 7,8% kì hạn 5 năm và 9% kì hạn 10 năm. Theo báo cáo của bộ Tài chính, tính đến hết quý 1.2013, lượng vốn trái phiếu Chính phủ huy động được đã đạt 43,6% kế hoạch cả năm, xấp xỉ 65.450 tỉ đồng trên tổng lượng dự kiến phát hành cả năm là 150.000 tỉ đồng.

“Tình trạng tiền ứ đọng trong hệ thống ngân hàng cho thấy chính sách tiền tệ kém hiệu lực, giống như một cơ thể đang suy nhược, đứng trước đồ ăn thức uống ê hề nhưng không thể hấp thụ được”, chuyên gia tài chính kể trên nhận xét. Thời gian qua, NHNN liên tục bơm tiền vào hệ thống, song các ngân hàng không “xài đến” nên buộc phải hút về. Chẳng hạn, tính từ đầu tháng 6 (4.6) đến nay, NHNN đã có hai phiên bơm tiền ra thị trường OMO giá trị 252 tỉ đồng song có tới 3 phiên hút về cũng qua thị trường này với lượng hút về tới 1.385 tỉ đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thảo Nguyễn (Sài gòn tiếp thị)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN