Tiền nhàn rỗi đầu tư vào đâu?

Lãi suất tiền gửi liên tục giảm mạnh nhưng các kênh đầu tư khác như vàng, ngoại tệ, chứng khoán, bất động sản không mấy hấp dẫn, người có tiền nhàn rỗi không còn nhiều sự lựa chọn.

Làn sóng hạ lãi suất huy động đang diễn ra tại nhiều ngân hàng (NH) thương mại với mức giảm khá mạnh ở các kỳ hạn. Mức huy động tiền gửi thấp nhất trên thị trường được ghi nhận với kỳ hạn 1 tháng chỉ 4,3%/năm tại NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), các kỳ hạn 12 tháng tại Agribank cũng lùi về 6,6%/năm, kỳ hạn từ 18-36 tháng là 6,9%/năm...

Tiền nhàn rỗi đầu tư vào đâu? - 1

Khách hàng tìm hiểu lãi suất tiền gửi tại ngân hàng. Ảnh: TẤN THẠNH

Lãi suất huy động giảm nhanh

Trước đó, nhiều NH thương mại quốc doanh khác như Vietcombank, BIDV cũng giảm mạnh lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng xuống còn 4,5%/năm. Tại VietinBank, lãi suất kỳ hạn 12 tháng chỉ còn 6%/năm, ở Vietcombank là 6,2%/năm. Làn sóng hạ lãi suất lan sang cả các NH CP như Eximbank, ACB, Sacombank, OCB… Tại Eximbank, tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng lãi suất 5%/năm, 2 tháng là 5,1%/năm, 3 tháng 5,2%/năm, khách hàng phải gửi kỳ hạn dài mới có lãi suất cao.

Thống kê của NH Nhà nước cho thấy tín dụng toàn hệ thống 9 tháng đầu năm 2014 chỉ tăng 7,26% trong khi huy động tăng 11,01%. Ông Trương Đình Long, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Phương Đông (OCB), nhận xét tốc độ tiền gửi vào hệ thống NH từ đầu năm đến nay rất tốt, thanh khoản dồi dào nhưng đầu ra lại khá chậm. Tại OCB, đến nay, huy động tăng trưởng hơn 12% nhưng cho vay chỉ khoảng 6%.

“Tỉ lệ chênh lệch nguồn vốn giữa đầu vào và đầu ra rất lớn, nếu huy động cao mà không cho vay được thì hoạt động kinh doanh sẽ không hiệu quả. Các NH đang tìm cách giảm chi phí đầu vào sao cho hợp lý” - ông Long cho biết.

Bước ra từ một NH TMCP trên đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9, TP HCM sau khi đáo hạn sổ tiết kiệm, chị Nguyễn Thị Minh cho biết khoảng 2 tháng trước, lãi suất kỳ hạn 2 tháng tại NH này là 5,6%/năm nhưng nay chỉ còn 5,1%/năm… “Lãi suất thấp quá nhưng tiền nhàn rỗi không biết đầu tư vào kênh nào nên tôi tiếp tục gửi lại NH và chọn kỳ hạn dài hơn. Hồi đầu năm, khoản tiền hơn 100 triệu đồng gửi ở một NH CP kỳ hạn 13 tháng, lãi suất cộng cả thưởng gần 9%/năm, vậy mà giờ chỉ còn 7,5%/năm” - chị Minh so sánh.

Nhiều khách hàng khi được hỏi cho biết vẫn chọn gửi tiền NH dù lãi suất thấp. “Gửi tiền NH bây giờ lời lãi chẳng là bao nhưng không biết tìm kênh nào để đầu tư tốt hơn” - chị Trần Thị Thu (ngụ quận 7) nói.

Xu hướng chuyển tiền tiết kiệm từ USD sang tiền đồng cũng khá phổ biến. Hiện lãi suất gửi USD của cá nhân chỉ 1%/năm trong khi tiền đồng khoảng 6%-7%/năm. NH Nhà nước tuyên bố không điều chỉnh tỉ giá từ nay đến cuối năm nên nhiều người không giữ ngoại tệ chờ tăng giá mà chuyển sang VNĐ. Chín tháng đầu năm, tiền gửi ngoại tệ chỉ tăng 2,78%, tại TP HCM con số này chỉ 0,42%.

Quá ít sự lựa chọn

Dù lãi suất giảm mạnh nhưng theo nhiều NH, trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như vàng, ngoại tệ, chứng khoán, bất động sản… đều khá bấp bênh và rủi ro nên không lo ngại dòng tiền chuyển sang kênh khác.

Phó tổng giám đốc một NH thương mại có hội sở tại TP HCM phân tích: Ngay việc mua nhà rồi cho thuê lại, tiền lãi hằng tháng cũng không bằng gửi NH nhưng lại bấp bênh. Chứng khoán hiện chỉ còn những nhà đầu tư thật sự, không có nhiều cơ hội cho dân “tay ngang”. Bất động sản có ấm lên nhưng chưa đủ sức hút dòng tiền NH chạy sang; còn vàng, ngoại tệ thì được NH Nhà nước kiểm soát chặt.

Nhìn dưới góc độ cả nền kinh tế, TS Lê Đạt Chí, Trưởng Bộ môn Đầu tư tài chính Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng nếu lãi suất hạ thấp sẽ thúc đẩy doanh nghiệp vay vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế. “Lãi suất cao, ai cũng chăm chăm gửi tiền vào NH rồi ngồi chơi chờ lãnh lãi hằng tháng thì kinh tế không thể phát triển. Khi thấy lãi suất thấp, người gửi tiền có thể rút ra kinh doanh hoặc chi tiêu để kích cầu, muốn lợi nhuận cao phải chấp nhận rủi ro cao” - TS Lê Đạt Chí nhận xét.

Tỉ lệ lạm phát hiện dưới 4% trong khi gửi NH lãi suất kỳ hạn dài 12 tháng bình quân khoảng 6%-8%/năm, tính ra người gửi vẫn có lời. Hiện xu hướng khách hàng dịch chuyển kỳ hạn tiền gửi ngày càng nhiều. “Những người có tiền nhàn rỗi nên chọn kỳ hạn dài lãnh lãi hằng tháng hoặc hằng quý sẽ có lợi hơn” - ông Trương Đình Long tư vấn. 

Chưa thể bỏ trần huy động

Dù lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng giảm mạnh nhưng trần huy động vẫn được NH Nhà nước giữ ở mức 6%/năm. Theo các NH, bỏ trần huy động là xu hướng tất yếu theo quy luật cung cầu nhưng thời điểm này chưa phù hợp.

Lãnh đạo một NH lý giải hiện vẫn còn một số tổ chức tín dụng yếu kém, đang phải tái cơ cấu nên nếu bỏ trần huy động, những NH này có thể đẩy lãi suất lên cao để hút vốn, kéo theo cuộc đua lãi suất như những lần trước. Người gửi tiền có tâm lý NH nào lãi suất cao là gửi nên rất nguy hiểm cho hệ thống nếu cuộc đua lãi suất xảy ra.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Phương (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN