'Tiền mất, tật mang' với tài sản thế chấp

Có nhiều chuyện cười ra nước mắt khi các ngân hàng nhận thế chấp liều cả lăng mộ, dây chuyền máy móc quá hạn sử dụng… Hậu quả là nhiều ngân hàng phải cử nhân viên túc trực, tranh cướp tài sản thế chấp với các chủ nợ và phải đối mặt nguy cơ mất vốn, uy tín.

Đau đầu tài sản thế chấp

Hơn chục ngày nay, nhiều ngân hàng phải điều nhân viên, thuê bảo vệ với số lượng hơn 20 người “cắm chốt” tại 4 cửa ra vào nhà máy của Cty CP Xuất nhập khẩu và Sản xuất thương mại Âu Mỹ và Cty Inox châu Âu tại KCN Quất Động (Thường Tín, Hà Nội). Thậm chí, họ còn bố trí cả ôtô con, xe tải đỗ chặn ở cổng nhà máy để ngăn 2 doanh nghiệp này “bán trộm” hàng hóa là các ống inox, thép cuộn đã thế chấp cho các ngân hàng.

“Ngân hàng nhận thế chấp hàng hóa, nhưng thẩm định cẩu thả, sau đó lại không giám sát chặt hàng tồn kho. Việc này đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp gian dối, mang một lô hàng đi thế chấp, vay vốn nhiều nơi”

TS Nguyễn Trí Hiếu

Một nhân viên bảo vệ thuộc Cty CP Bảo vệ CCB Hà Nội túc trực tại đây cho biết, nhóm của ông có 8 người, được Ngân hàng VIB thuê đến giám sát số hàng hóa trong nhà máy của Cty Âu Mỹ cả ngày lẫn đêm.

Các ngân hàng không thể phân định lô hàng nào là tài sản của ai, nên buộc phải canh chừng, ngăn chặn chủ nợ khác “nẫng” tài sản của mình. Nhân viên Cty không cho vào nên đành dựng lều bạt, chầu chực bên ngoài từ 26/4 đến nay.

Tổng cộng có nhân viên của 8 ngân hàng là chủ nợ của hai doanh nghiệp trên đang túc trực bên ngoài nhà máy, như ngân hàng Techcombank, MB, Seabank, An Bình, VIB…

'Tiền mất, tật mang' với tài sản thế chấp - 1

Ngân hàng phải cử nhân viên, thuê công ty bảo vệ canh chừng hàng hóa của Cty Inox Châu Âu (Hà Tây) 24/24 giờ.

Việc một số ngân hàng nhận thế chấp nhiều tài sản lạ, gây tranh cãi không phải trường hợp hiếm gặp thời gian gần đây. Đơn cử, năm 2012, Ngân hàng Agribank đã cho Cty liên doanh Lifepro Việt Nam (Ninh Bình) vay 150 triệu USD, nhận thế chấp toàn bộ tài sản cố định, hữu hình và quyền sử dụng 6 thương hiệu thời trang nước ngoài (trị giá 70 triệu USD).

Như đã thông tin, tháng 9/2012, Chi nhánh Vietinbank Lê Chân (Hải Phòng) đã cho Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Hoàng Đại vay 990 triệu đồng, nhận thế chấp một mảnh đất trên có xây dựng khu lăng mộ.

Mảnh đất này được thế chấp tới 3 lần trong thời gian 2005-2012. Đáng nói, từ 27/2/2007, doanh nghiệp đã có thông báo đến cơ quan thuế xin tạm ngừng hoạt động và hiện đã ngừng hoạt động (chưa đóng mã số thuế). Dù vậy, ngân hàng vẫn kí hợp đồng cho doanh nghiệp vay.

Một cán bộ ngân hàng tại Hà Nội cho biết, với những hàng hóa là sắt thép, quặng, xăng dầu… dễ xảy ra chuyện một lô hàng được thế chấp ở nhiều ngân hàng. Các ngân hàng nếu bỏ qua quy trình, không thẩm định kỹ, chỉ căn cứ trên hợp đồng mua bán, báo cáo lượng hàng tồn kho, sẽ rất dễ dính bẫy của doanh nghiêp.

Hậu quả tăng trưởng tín dụng nóng

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, việc các ngân hàng phải canh giữ, tranh giành tài sản thế chấp thật hài hước, nhưng không còn là chuyện hiếm. Khi nợ xấu tăng, doanh nghiệp có dấu hiệu “bùng nợ”, đây là biện pháp “cực chẳng đã’ phải làm để bảo vệ tài sản.

“Ngân hàng nhận thế chấp hàng hóa, nhưng thẩm định cẩu thả, sau đó lại không giám sát chặt hàng tồn kho. Việc này đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp gian dối, mang một lô hàng đi thế chấp, vay vốn nhiều nơi”- Ông Hiếu nói.

Về trường hợp tranh chấp phát sinh giữa các bên từ tài sản thế chấp là đất có lăng mộ, thương hiệu, sổ đỏ vườn quốc gia, vị cán bộ ngân hàng cho rằng, các ngân hàng được phép nhận thế chấp các loại tài sản này nếu (người thế chấp) có đủ quyền sở hữu hợp pháp, nằm trong danh mục tài sản được thế chấp.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, việc ngân hàng nhận thế chấp các tài sản lạ, một tài sản cầm cố ở nhiều nơi… là hệ quả của quá trình tăng trưởng tín dụng nóng, cho vay dễ dãi nhiều năm qua.

Đây là trách nhiệm của nhiều cá nhân trong các khâu thẩm định, đánh giá, giám sát tài sản đảm bảo, gồm cán bộ tín dụng, người thẩm định, kiểm soát, giám đốc ký cho vay. Chưa kể, có hay không hành vi vi phạm đạo đức kinh doanh của cán bộ ngân hàng trong việc cho vay ẩu. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Hằng (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN