Tiền gửi ngân hàng: Bài học lớn từ vụ khách VIP mất tiền tỷ
Liên tiếp những vụ lừa đảo và nhiều chiêu trò khiến khách VIP mất tiền tỷ khi gửi tiền ngân hàng cho thấy đang tồn tại nhiều bất cập trong hoạt động rút - gửi tiền. Thời gian qua, dù cả ngân hàng lẫn giới chuyên gia đều khuyến cáo người dân cẩn trọng khi giao dịch nhưng sự việc vẫn xảy ra.
Quá tin vào... cán bộ ngân hàng
Đầu năm 2017, khách hàng Nguyễn Bạch Mai (Hà Nội) khiếu nại tới một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội về khoản tiền gần 9 tỷ đồng gửi (từ 2015) tại phòng giao dịch số 14 của ngân hàng đã bị rút toàn bộ trong khi chủ tài khoản không thực hiện giao dịch. Vụ việc sau đó được chuyển tới Phòng PA 84, công an thành phố Hà Nội. Qua xác minh ban đầu cho thấy, nguyên trưởng phòng giao dịch số 14 có dấu hiệu làm giả một số giấy tờ rút, gửi tiền không đúng mẫu ngân hàng quy định...
Ồn ào vào giữa năm 2017 là vụ kiện vì mất sổ tiết kiệm 32 tỷ đồng của một khách hàng tại Đà Lạt. Khách hàng này kiện giám đốc phòng giao dịch Giảng Võ tại Hà Nội của một ngân hàng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt sổ tiết kiệm 32 tỷ đồng nói trên. Điều tra cuối cùng của cơ quan công an cho thấy, thực tế đây là vụ chuyển giao sổ tiết kiệm giữa 2 người mua bán nhà đất với nhau mà đó là 1 sổ tiết kiệm giả. Nữ khách hàng do đã tin tưởng mà bị người mua nhà dàn xếp kịch bản…lừa. Tuy nhiên, xuất phát điểm ban đầu cũng có phần do mọi giao dịch đều được tiến hành tại phòng giao dịch ngân hàng này, trước sự chứng kiến của vị giám đốc phòng giao dịch và nhiều giấy tờ ký khống do đó nữ khách hàng đã quá tin tưởng.
Gửi tiền tại ngân hàng cần thực hiện đúng quy trình. Trong ảnh, giao dịch tại Eximbank (ảnh minh hoạ). Ảnh: Như Ý.
Một trường hợp khách VIP khiếu nại ngân hàng nữa là vụ ông Ngô Văn Toán (cư trú tại TP Lào Cai) đến chi nhánh một ngân hàng ở Cam Đường, tỉnh Lào Cai rút tiền gửi tiết kiệm. Theo sổ tiết kiệm, số tiền gửi tiết kiệm là 77,8 tỷ đồng, nhưng thực tế theo số liệu tại ngân hàng này, tiền của ông Toán chỉ có 11 triệu đồng. Xác minh của Công an TP Lào Cai cho thấy, việc gửi tiền của ông Toán và 8 người khác đều thông qua một người trung gian là bà Lê Thị Huệ (43 tuổi, ngụ ở tổ 12, phường Nam Cường, TP Lào Cai). Bà Huệ gửi mỗi sổ tiết kiệm 1 triệu đồng, nhưng số tiền ghi trên sổ có dấu hiệu bị tẩy xóa, sửa chữa. Theo đó, tổng số tiền bà Huệ lừa đảo lên tới hơn 200 tỷ đồng. Nguyên nhân khiến các khách hàng này dễ dàng đưa tiền cho bà Huệ là thấy bà này như khách VIP, đi lại thân thiết với cán bộ chi nhánh ngân hàng này.
Còn với vụ việc đang ồn ào nhất là khách hàng VIP của Eximbank bà Chu Thị Bình bị mất 245 tỷ đồng trong tài khoản tiết kiệm. Đáng nói, trong mọi giao dịch, bà Bình đều tin tưởng và liên hệ trực tiếp với ông Lê Nguyễn Hưng - nguyên phó giám đốc chi nhánh ngân hàng này. Theo thông báo kết quả điều tra của Cơ quan CSĐT (Bộ Công an), ông Hưng đã làm giả chứng từ ủy quyền để rút tiền từ năm 2014 ở nhiều thời điểm khác nhau và ở nhiều sổ tiết kiệm khác nhau của bà Bình kéo dài đến năm 2016. Cuối năm 2016 sự việc mới vỡ lở. Đầu tháng 2/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Eximbank nói trên.
Còn rất nhiều những vụ việc khách hàng mất tiền khi tin tưởng gửi ngân hàng thông qua nhân viên ngân hàng đến tại nhà. Đơn cử như vụ tiền gửi của khách hàng tại gia (của phòng giao dịch cấp huyện) tại một ngân hàng chi nhánh Phú Thọ. Khách hàng bị cán bộ phụ trách phòng giao dịch này lừa thông qua việc nhận gửi tiền tại nhà và bỏ ngoài tài khoản nhà băng. Vụ hàng chục sổ tiết kiệm trị giá hàng trăm tỷ đồng “bốc hơi” tại Ngân hàng Oceabank chi nhánh Hải Phòng cũng để lại dư âm xấu...
Có “lỗ hổng”
Theo các chuyên gia ngân hàng, những vụ mất tiền thời gian qua đa phần đều chung đặc điểm: Xảy ra với các khách VIP. Và họ, do có chế độ được các ngân hàng chăm sóc đặc biệt từ các công đoạn gửi tiền, rút tiền cho đến nhận quà tặng, lãi suất nên họ đã chủ quan, thậm chí nhiều người còn tin tưởng tuyệt đối vào những cán bộ ngân hàng họ có quen biết (hay được giới thiệu) mà bỏ qua những quy định, nguyên tắc thông thường. Đây cũng là “kẽ hở” của khách để những cán bộ suy thoái về đạo đức nghề nghiệp, dụng tâm lừa đảo và... trục lợi.
Chuyên gia tài chính TS Đinh Thế Hiển nhìn nhận, vụ bà Bình bị mất 245 tỷ đồng gửi tại Eximbank là “điểm hở” mới nhất trong hàng loạt các thiếu sót, rủi ro của nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) chứ không riêng gì Eximbank. Ông Hiển cho biết, năm 2011, nhận thấy hệ thống NHTM cần tập trung xây dựng hệ thống quản trị rủi ro, nên nhóm của ông đã quyết định tập trung dịch cuốn sách Risk Management in Banking của GS.Joel Bessis, đây là quyển sách viết sau khủng hoảng tài chính 2008, rất được khen ngợi về tính chất ứng dụng thực tiễn. Tuy nhiên, cuốn sách dù được giới thiệu trực tiếp nhưng không nhận được sự chào đón mặn mà của các lãnh đạo ngân hàng.
Còn theo TS Nguyễn Trí Hiếu, các vụ việc khách VIP được phục vụ tại tư gia và bị thiệt hại chứng tỏ trong hệ thống có lỗ hổng. “Lỗ hổng ấy có thể là quy trình ngân hàng, có thể là việc thực hiện các quy định và quy trình nội bộ, cũng có thể là do đạo đức kinh doanh của cán bộ ngân hàng và cuối cùng là quy định của Ngân hàng Nhà nước có thể cần chặt chẽ hơn nữa”, ông Hiếu nói. Theo đó, việc ngân hàng đổ lỗi cho cá nhân cán bộ sai phạm và thờ ơ trước quyền lợi của người gửi tiền là những hành động có thể tạo nên nguy cơ rủi ro lớn trong hoạt động của cả hệ thống ngân hàng.
Lãnh đạo một ngân hàng cho PV Tiền Phong biết, những vụ việc thời gian qua ít nhiều ảnh hưởng tới uy tín giới nhà băng. “Đúng là có cơ chế riêng cho khách VIP nhưng dù thế nào, tôi khuyên khách hàng đừng bỏ qua những nguyên tắc trong giao dịch gửi hay rút tiền, bởi đồng tiền đi liền khúc ruột. Đặc biệt không ký khống bất cứ giấy tờ gì”, vị lãnh đạo này khuyên. Cũng theo ông, đa số các vụ việc (kể cả vụ bà Bình tại Eximbank) đều xảy ra từ những năm 2016, 2015 trở về trước, còn hiện nay các NHTM đã rút kinh nghiệm sâu sắc và đều đang triển khai nâng cấp hệ thống corebanking để tăng cường quản trị và giám sát rủi ro hơn, hy vọng góp phần quản lý cả những giao dịch đặc biệt.
Liên quan đến công tác cán bộ, một phó tổng giám đốc một NHTM cổ phần lớn chia sẻ: Cách đề phòng tốt nhất ngoài tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ chặt chẽ còn phải tăng cường giám sát chéo trong chính hệ thống.
Gửi tiền cũng phải đúng quy trình, quy định Các chuyên gia cùng cả ngân hàng luôn khuyến cáo người gửi tiền thực hiện theo các nguyên tắc: - Người gửi tiền vào ngân hàng phải luôn kiểm tra số dư tài khoản, kiểm tra tất cả dòng tiền ra vào xem có phát hiện các giao dịch đáng ngờ hay bất thường, gian lận, hay sai sót của ngân hàng không. - Tránh để cho nhân viên đến phục vụ tại nhà, đây là điều gây ra nhiều rủi ro từ trước tới giờ. Nếu buộc phải làm việc tại tư gia, thì trong trường hợp nào cũng phải có 2 người, tức là có 1 người làm chứng; Khi đến giao dịch, khách hàng tốt nhất nên đến trong giờ làm việc vì các hoạt động như vậy sẽ được kiểm soát chặt chẽ, có đầy đủ nhân viên ngân hàng, có lãnh đạo chi nhánh ký vào giấy tờ và nhận được biên nhận là đã giao dịch. - Khách hàng phải kiểm soát toàn bộ giấy tờ mà nhân viên ngân hàng đưa cho ký. Bất kỳ giấy tờ gì cũng phải có thông tin đầy đủ và đọc kỹ trước khi ký chứ tuyệt đối không được ký bừa vào tờ giấy không có thông tin, tuyệt đối không ký trước để cho cán bộ ngân hàng điền sau. - Bảo quản sổ tiết kiệm cẩn thận; kiểm tra chi tiết nội dung trên sổ tiết kiệm hay hợp đồng tiền gửi; duy trì một chữ ký cố định; cẩn trọng khi giao dịch trực tuyến… K.H |