Tiền đang vào chứng khoán hay bị… rút?

Chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn khó khăn. Không chỉ thành quả VN- Index từ đầu năm tới nay bị “thổi bay” gần hết mà thị trường có dấu hiệu đi xuống tiếp và bị rút vốn. Trong lúc các nhà đầu tư nhỏ loay hoay “rút ra- cho vào” tài khoản, thì dòng tiền từ ngân hàng và các quỹ lớn vào chứng trường đang âm thầm giảm.

Quỹ lớn, khối ngoại bán ròng 

Sức ép từ thị trường chứng khoán thế giới tụt dốc, giảm sâu và khó lường khiến chứng khoán trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng và có tuần thứ 4 liên tiếp mất điểm. Tuần giao dịch từ 22 đến 26/10 diễn ra không thực sự tích cực do tâm lý giới đầu tư trong nước tỏ ra lo lắng sắc đỏ bao trùm thị trường trong tất cả các phiên giao dịch. Xu hướng giảm điểm rõ rệt. Đóng cửa cả tuần, Vn-Index dừng tại 900,82 điểm, giảm 6% so với tuần trước đó và là tuần điều chỉnh thứ 4 liên tiếp.

Trong phiên thứ sáu (26/10), thanh khoản thị trường vẫn tiếp tục thấp khi phiên chiều chỉ ở mức 1.596 tỷ đồng khớp lệnh hai sàn. Chỉ có một tin vui nhỏ là nhà đầu tư nước ngoài đã có phiên cuối tuần mua ròng nhẹ dù tổng tiền chỉ khiêm tốn khoảng 45,8 tỷ đồng hai sàn, nhưng là phiên mua ròng đầu tiên sau 5 phiên liền bán ròng. 

Về đà giảm tuần thứ 4 liên tiếp trên, theo phân tích của các công ty chứng khoán (CTCK), bên cạnh yếu tố ảnh hưởng tâm lý từ các thị trường quốc tế, khối ngoại bán nhiều còn có cả lý do các quỹ ETFs tiếp tục bị rút vốn. Đơn cử: trong tuần này, quỹ VFMVN30 ETF do VFM quản lý đã bị rút ròng 1 triệu chứng chỉ quỹ, tương ứng trị giá 15 tỷ đồng. Đây là quỹ nội lớn nhất hoạt động trên TTCK Việt Nam với quy mô 4.000 tỷ đồng và do đó, hoạt động cơ cấu danh mục hay việc hút/rút vốn đều có ảnh hưởng lớn tới tâm lý giới đầu tư trong nước.  

Nhận xét của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), thị trường có tuần giao dịch kém tích cực với 5 phiên sụt giảm liên tiếp đã khiến tâm lý nhà đầu tư lo ngại. “Trong các phiên tới, Vn-Index có thể sẽ phá vỡ vùng đáy cũ quanh 885 và lùi về vùng hỗ trợ tiếp theo nằm tại 860-870 điểm”, BVSC dự báo. 

Còn CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam  (BSC) cho rằng, tâm lý nhà đầu tư vẫn đang lo ngại, thận trọng với những tin từ thị trường thế giới: chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, chính sách lãi suất của FED...

Tiền đang vào chứng khoán hay bị… rút? - 1

Tiền từ ngân hàng không còn chảy vào TTCK nhiều như trước đây. Ảnh: Nhật MInh

Dòng tiền bị rút? 

Ngay trong giai đoạn đầu năm 2018, việc TTCK Việt Nam bứt phá mạnh và Vn-Index tăng vượt ngưỡng 1.200 điểm phải nhắc đến sự đóng góp lớn từ dòng tiền các quỹ ETFs kể trên. Tuy nhiên, khi các quỹ này bắt đầu rút vốn từ đầu tháng 4, TTCK Việt Nam đã có nhịp điều chỉnh khá mạnh. Theo giới đầu tư, việc các quỹ ETFs tiếp tục rút vốn vẫn là tín hiệu xấu, bởi thống kê cho thấy, những biến động của TTCK Việt Nam thường có sự đồng pha với hoạt động hút/rút vốn của các quỹ này.

Cùng lúc này, xu hướng dòng tiền vào chứng khoán từ tín dụng đã thực sự chững lại (tính đến hết tháng 9/2018, tín dụng cả nước chỉ tăng 8,18% thấp nhất trong 4 năm qua, trong đó dòng tiền vào TTCK và bất động sản đang bị kiểm soát rất chặt). Trong phần lớn báo cáo tài chính của các ngân hàng 6 tháng đầu năm 2018  đều thể hiện tốc độ vòng quay vốn tín dụng cao, điều này chứng tỏ nguồn vốn vay ngân hàng đã tham gia vào nhiều chu kỳ sản xuất và lưu thông hàng hóa. 

"Tín dụng vào lĩnh vực cho vay chứng khoán hiện rất thấp và được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiểm soát chặt. Chúng tôi luôn yêu cầu cập nhật báo cáo và sẵn sàng thanh tra nếu nghi ngờ tổ chức tín dụng nào “ẩn” cho vay chứng khoán qua vay tiêu dùng”, một lãnh đạo cấp vụ NHNN bật mí. 

Dù vậy, theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, xét trên bình diện chung, TTCK Việt Nam vẫn đang là một trong những thị trường trong khu vực có sức hút đối với nhà đầu tư nước ngoài. TS Nguyễn Sơn, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) cho biết: Tính đến hết tháng 8/2018, đã có 2,1 triệu tài khoản của nhà đầu tư được mở tại VSD, trong đó có 27.146 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài. 

“Tính chung 8 tháng đầu năm, tổng giá trị mua ròng của khối ngoại vẫn đạt 20.058 tỷ đồng. Dù không cao bằng mức 34.068 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước nhưng cũng là con số đáng ghi nhận trong bối cảnh dòng vốn nước ngoài có xu hướng rút khỏi các thị trường mới nổi do tác động tiêu cực như việc FED tăng lãi suất và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung”, ông Sơn khẳng định. 

Thực tế, từ cuối năm 2017, cũng đã có khoảng 60 doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên TTCK. Đây được xem là kênh tìm vốn hợp lý, bởi nguồn vốn cho bất động sản thường lớn và dài hạn, trong khi các ngân hàng đang có xu hướng siết chặt tín dụng vào lĩnh vực này. 

Dự báo về TTCK thời gian tới, CTCK PT  (FPTS) cho rằng, tâm lý e ngại của nhà đầu tư về các yếu tố gây bất lợi tới thị trường chưa được cải thiện thì VN-Index nguy cơ vẫn tái diễn những biến động sụt giảm mạnh. 

CTCK Rồng Việt  (VDSC) thì cảnh báo những nhà đầu tư đang sử dụng đòn bẩy tài chính rất dễ xảy ra rủi ro.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Huyền ([Tên nguồn])
Tin chứng khoán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN