Tiền đang ở đâu?

Thị trường tiền tệ đang có nhiều tín hiệu lạ cần giải mã. Thanh khoản ngân hàng dồi dào, trái phiếu Chính phủ “đấu” đâu thắng đấy, lãi suất ổn định, tỷ giá êm… Tuy nhiên, 7 tháng qua nền kinh tế vẫn tăng trưởng chậm lại. Tiền đang ở đâu lúc này, đổ vào các kênh đầu tư hay sản xuất?

Bài 1: Những kênh đầu tư hot đang hút tiền trong dân

Gửi tiết kiệm tiền đồng (VND) an toàn, người gửi được hưởng mức sinh lời đều đặn 6-7%/năm, còn nếu chọn “kênh” đầu tư vàng có thể gặp rủi ro nhiều hơn. Tiền sẽ chảy vào đâu trong những tháng còn lại của năm: USD, bất động sản hay kênh nào khác đang là băn khoăn của khá nhiều người trong giới đầu tư và quản lý.

7 tháng: Tiền vào vàng, ngân hàng, bất động sản

Đầu tháng 3/2016, sau một thời gian đầu tư căn hộ chung cư khu vực Hà Đông, anh Nguyễn  Thanh Hà (khu Nam Đồng, Hà Nội) quyết định bán đi thu lại khoản tiền đã đầu tư. Với hơn 2 tỷ đồng cả vốn và tiền lời trong tay, anh Hà tham vấn một người quen đang làm lãnh đạo tại một ngân hàng cổ phần xem nên mua bán đầu tư gì. Sau khi nghe lời khuyên, anh Hà quyết định “chia trứng” làm hai giỏ: 1 tỷ đồng gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng lãi suất 6,3%/năm; số còn lại anh mua ngoại tệ USD và gửi với lãi suất 0%/năm.

Lý do chọn mua USD theo anh là để giữ tài sản và sợ biến động tỷ giá có thể tăng ít nhất 2-3% sau tháng 7/2016. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, so sánh giá USD mua vào là 22.320 đồng/USD hôm đó đến giờ không thay đổi là mấy. Còn với số tiết kiệm 1 tỷ đồng, mỗi tháng ít nhất anh thu đều đặn hơn 5 triệu đồng tiền lãi. Dẫu vậy, anh Hà vẫn tỏ ý hài lòng và bày tỏ niềm tin, “sớm muộn tỷ giá vẫn sẽ điều chỉnh và chắc chắn tôi không lỗ nếu so với gửi VND”.  

Tiền đang ở đâu? - 1

Đầu tư vào vàng khi giá cao sẽ lỗ ít nhất 2 triệu đồng/lượng. Ảnh: Như Ý.

Đầu năm 2016, giá vàng ở mức 32,5 triệu đồng/lượng còn hiện giờ giá vàng lên sát 36,6 triệu đồng/lượng. Nếu “mua đáy - bán đỉnh”, tức là ôm vàng từ đầu năm và bán khi giá vàng lên cao nhất 39 triệu đồng/lượng thì mức lời thu về đạt khoảng 13-15%/năm - cao gấp đôi gửi tiết kiệm VND. Tuy nhiên, thống kê cho thấy, thị trường vàng chỉ thu hút sự quan tâm của đám đông trong cơn sốt đầu tháng 7/2016 (sau sự kiện Brexit). Khi đó, với 2 ngày giá vàng nhảy vọt lên sát ngưỡng 39 triệu đồng/lượng, nhiều nhà  đầu tư đã nhảy vào và kết quả là hứng nguyên “trái đắng” lỗ tới hơn 2 triệu đồng/lượng. Tính toán của ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng khi đó, có khoảng 2.000 tỷ đồng đã đổ vào vàng. Còn hiện giờ, cả thị trường đều đang èo uột.

Nhìn sang bất động sản (BĐS), thị trường này đã có sự sôi động đáng kể tập trung tại một số phân khúc như căn hộ diện tích nhỏ, các dự án có vị trí tốt dễ cho thuê, dự án của các chủ đầu tư uy tín, triển khai đúng tiến độ. Thống kê mức giá BĐS đến giữa tháng 6 đã tăng  khoảng 2-3% so với đầu năm, đặc biệt là dự án đã hoàn thành. Theo Hiệp hội BĐS Việt Nam, tính đến tháng 6, Hà Nội đã có khoảng 7.500 giao dịch thành công. Còn tại TPHCM con số này khoảng 1.700.

Bàn cân USD và BĐS

Thông tin từ NHNN, dòng vốn gửi tiết kiệm tiền VND tính đến hết 20/7/2016 tăng khoảng gần 10% so với cùng thời điểm này năm trước; số tiền ngân hàng rót vào  đầu tư kinh doanh BĐS theo đó cũng tăng 9% (chiếm tỷ trọng 8,5% tổng tín dụng).  Dù con số không được NHNN công bố nhưng theo ước tính của một số tổ chức tài chính, tổng giá trị cho vay lĩnh vực này tính đến ngày 20/7 vào khoảng 428.000 tỷ đồng.

“Giá USD không tăng, lãi suất USD 0% nên gửi tiết kiệm VND chắc chắn vẫn có lợi nhất. Về vàng rõ là sau những biến động vừa rồi, thị trường này đã ổn định trở lại và khả năng sẽ không thể điều chỉnh mạnh. Thị trường BĐS cũng có sự phục hồi nhưng đang chậm, có thể sẽ giảm giá tại một số phân khúc do thừa hàng”. 

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu 

Dòng tiền sẽ chảy vào đâu từ nay đến cuối năm? Bà Dương Thùy Dung, Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn CBRE Việt Nam cho rằng, tổng quan thị trường BĐS tại TPHCM, phân khúc bình dân và trung cấp có mức giá vừa phải vẫn tiếp tục phát triển, không bị ảnh hưởng nhiều, và không có những thay đổi đột biến. Tại Hà Nội, giám đốc một công ty địa ốc lại lưu ý người mua nên tính toán cẩn thận, cân nhắc về khả năng tài chính, về độ nhạy cảm với thị trường hiểu thì mới nên quyết định mua.

Với vàng, USD hay gửi tiết kiệm VND thì sao? Nhận định tình hình cuối năm mới đây, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, dự trữ ngoại hối đang ở mức cao kỷ lục; về cơ bản tỷ giá khá ổn định. (Tỷ giá trung tâm của VND so với USD theo công bố của NHNN ngày 15/7/2016 đạt  21.864 VND/USD, giảm 0,12% so với thời điểm 1/1/2016. Như vậy, VND không những không mất giá như diễn biến của nhiều năm trở lại đây mà lại còn tăng giá so với USD).

Với vàng, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới, ông Huỳnh Trung Khánh cho rằng, các thông tin về lộ trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục được cập nhật đã tác động lên giá vàng. Ông Trần Thanh Hải, chuyên gia trong lĩnh vực này cũng nhận định, khó có thể kỳ vọng “sóng” lớn nổi trên thị trường vàng trong ngắn và trung hạn. Vì thế, các nhà đầu tư khó có kỳ vọng thu lợi nhuận cao nhờ giá vàng tăng mạnh trở lại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Huyền (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN