Tiền đang đổ vào bất động sản?

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định nguồn tiền đang chảy vào bất động sản và vẫn có rủi ro liên quan đến tín dụng nhưng không còn cao như trước, đồng thời cho rằng không phải phân khúc nào của bất động sản cũng tăng trưởng.

Tại buổi Tọa đàm “VN-Index cao nhất 9 năm, chứng khoán Việt Nam trước những kỳ vọng mới” diễn ra chiều 22/7, nhiều chuyên gia kinh tế có cái nhìn lạc quan về thị trường chứng khoán và bất động sản.

Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng chia sẻ: “Tôi thấy có sự liên quan chặt chẽ giữa thị trường chứng khoán và bất động sản. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng trên 9%, trong khi tăng trưởng huy động là 5,9%, cho thấy tăng trưởng tín dụng cao hơn huy động. Vậy tiền đó đã đi đâu? Tôi cho rằng tiền đã chảy vào chứng khoán và bất động sản. Nếu từ nay đến cuối năm tình trạng này còn tiếp diễn, ngân hàng có thể gặp khó khăn về thanh khoản”.

Còn ông Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung phân tích, thị trường chứng khoán tiếp tục tăng trưởng khi số DNNN sắp niêm yết, cùng với quá trình hội nhập tiếp tục sâu rộng hơn. Đối với bất động sản, mỗi phân khúc có mức độ tăng trưởng khác nhau như phân khúc nhà giá rẻ, nhà ở thu nhập thấp tăng cao. Bất động sản văn phòng bắt đầu có những dấu hiệu dư thừa. Điều đó cho thấy không phải mảng thị trường nào cũng tăng trưởng.

Tiền đang đổ vào bất động sản? - 1

Chuyên gia nhận định rủi ro liên quan đến tín dụng bất động sản không phải không có nhưng không còn cao như trước. Ảnh minh họa

Trong khi đó, ông Lâm Minh Chánh - Chủ tịch CTCP Đầu tư và Thương mại LMC cho hay: “Tôi không đồng ý với ông Hiếu. Chứng khoán và bất động sản ở Việt Nam có mối liên kết thế này: Khi thị trường đang khó khăn, nếu tiền vào bất động sản thì sẽ không vào chứng khoán”.

Ông Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế thì cho rằng, cuối năm thị trường bất động sản sẽ tích cực theo hai hướng. Thứ nhất nhu cầu bất động sản còn lớn, nhất là phân khúc nhà ở giá rẻ và bất động sản nghỉ dưỡng. Thứ hai, là quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nợ xấu, M&A tạo ra làn sóng vào bất động sản lớn, đây cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư.

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân của Công ty chứng khoán SSI cho rằng, nếu như nói tín dụng vào bất động sản thì chúng ta cần có con số. Con số cụ thể thì rất khó tìm, nhưng nghiên cứu các số liệu thô, tôi có thể kết luận là tiền vào xây dựng và bất động sản rất nhiều. Cụ thể tăng trưởng tín dụng cho xây dựng là 17,15%. Cho vay ngành xây dựng tăng trưởng cao có nghĩa mức độ xây dựng cao. Tăng trưởng xây dựng cho nhà để ở tăng mạnh hơn nhiều xây dựng cho nhà không để ở.

“Chúng ta có thể lập luận tín dụng tăng cao từ đầu năm đến nay là do đổ vào bất động sản. Hiện nay mọi dự án bất động sản như chung cư đều được các ngân hàng hỗ trợ, có thể có thời hạn miễn lãi và người dùng chỉ cần đóng một khoản ban đầu. Dù gì, các chủ đầu tư bất động sản đều cần ngân hàng hỗ trợ, không chỉ là tiền xây dựng mà còn tiền cho khách hàng của họ vay”, ông Linh nói.

Theo ông Linh, trước kia người vay chủ yếu là chủ đầu tư, tiền dồn về một chỗ, nguy cơ đổ vỡ cao, bây giờ chủ đầu tư đã chuyển sang người vay thì khả năng đổ vỡ giảm đi nhiều. Khi các cá nhân vay tiền mua nhà, trong trường hợp xấu phải xử lý, một ngôi nhà trị giá 3 tỷ, vay 70% là 2,1 tỷ thì tôi nghĩ việc bán một ngôi nhà giá 3 tỷ với mức 2,1 tỷ khá đơn giản, xử lý dễ hơn nhiều so với việc chủ đầu tư vay hàng nghìn tỷ và không thể trả nợ.

'Trước kia các chủ đầu tư xây để bán lướt sóng nhanh. Tuy nhiên sau khi đổ vỡ thì giờ các chủ đầu tư đã cẩn thận hơn, chiến lược kinh doanh cũng đã thay đổi. Họ tính toán phân khúc như thế nào để bán cho dễ. Do vậy tôi nghĩ rủi ro liên quan đến tín dụng bất động sản không phải không có nhưng không còn cao như trước', ông Linh nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Mai (Tiền phong)
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN