Tiền chảy vào chứng khoán hay bất động sản?

Chứng khoán Trung Quốc lao dốc cho đến nay được đánh giá là không mấy tác động tâm lý đến thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Tại thời điểm này, dòng tiền được dự đoán vẫn chảy mạnh vào kênh chứng khoán và bất động sản, dẫu rủi ro vẫn còn tiềm ẩn.

Chứng khoán thừa tin tốt để tăng

Mở hàng phiên đầu tuần này, ngoài việc khối ngoại tích cực mua ròng, nhiều tin tốt đã giữ được đà tăng cho chứng khoán trong nước. Thống kê tính chung trên 2 sàn liên tục trong các phiên vừa qua, khối ngoại đều mua ròng. 

Tiền chảy vào chứng khoán hay bất động sản? - 1

Lễ mở bán căn hộ một dự án thu hút rất nhiều khách hàng. Ảnh: Ngọc Hà.

Tại bản tin Tháng 7 vừa công bố, công ty chứng khoán VietinBankSC cho hay: “trong tháng 6/2015, giá trị giao dịch thị trường thường xuyên duy trì ở mức khoảng 3.000 tỷ đồng/phiên và mặt bằng giá cổ phiếu không giảm mạnh cho thấy TTCK đang tích lũy ở vùng giá hiện tại. Sự xoay vòng của dòng tiền tạo ra sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu nhưng quan trọng là thị truờng không bị sụt giảm và không bị mất thanh khoản”. Cũng theo VietinBankSC, với chính sách nới room cho nhà đầu tư ngoại đã được thông qua và có hiệu lực từ 1/9/2015 (Nghị định 60), chứng khoán Việt sẽ tiếp tục khởi sắc và dự báo sẽ thu hút được dòng tiền cả nội và ngoại.

“Với tư cách đại diện cho Hiệp hội BĐS, tôi cho rằng, các chủ đầu tư nên quan tâm, nhìn nhận lại những bài học đã qua, đừng tăng giá, vì nếu tăng giá sẽ làm chậm đến tiến trình phục hồi thị trường. Điều đó là không mang lại lợi ích cho chính chủ đầu tư và thị trường BĐS nói chung”.  

Ông Trần Ngọc Quang

Cuộc khủng hoảng gây tuột dốc mạnh hơn 30% trong vòng 3 tuần lễ gần đây đã khiến gần 1.300 công ty ngừng giao dịch với hơn 3.500 tỷ USD bốc hơi khỏi TTCK Trung Quốc cùng phiên ngày 15/7, chỉ số trên sàn Thâm Quyến lại mất trên 3% liệu có tác động gì tới TTCK Việt Nam? Ngày 16/7, TTCK trong nước VN-Index giằng co dưới ngưỡng 630 điểm trong phần lớn thời gian giao dịch và về cuối phiên đóng cửa giảm -4 điểm (-0.63%), HNX-Index cũng có diễn biến tương tự như VN-Index và chỉ số này đóng cửa giảm -0.07 điểm (-0.08%). Tại bản tin phân tích cuối ngày 16/7, Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhận định: “Thị trường chứng khoán Mỹ và châu Á đã quay đầu giảm điểm khi chủ tịch FED khẳng định sẽ vẫn giữ nguyên lộ trình tăng lãi suất trong năm 2015. TTCK châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ khó tránh khỏi sẽ có dòng vốn bị rút ra trong thời gian tới”.

Trao đổi với Tiền Phong, một chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán nhìn nhận: Liên quan đến chứng khoán Trung Quốc, ngoài mấy phiên trước đây giảm nhẹ do tác động tâm lý, còn lại về cơ bản thị trường giữ được ổn định. “TTCK Việt Nam quá nhỏ trong khi thị trường kia “to vật” nên xét về việc có ảnh hưởng tác động mạnh không thì nói thẳng là TTCK Việt Nam còn chưa đủ tầm. Điều quan trọng là các doanh nghiệp niêm yết trên sàn đều không có quan hệ gì” - vị này nói.

 Từ góc độ nhà quản lý, một vị lãnh đạo ngành chứng khoán khác nhìn nhận: TTCK Trung Quốc từ khi  thành lập đến nay đã 8 lần lên đỉnh và xuống đáy. TTCK và bất động sản Trung Quốc phát triển  nóng và đây là thị trường ổn định chưa cao nhưng mức sinh lời lớn. Cũng vì lẽ đó, thị trường cần những đợt điều chỉnh mềm.

Tiền chảy mạnh, cẩn trọng BĐS tăng giá

Tiền đang ở đâu trong chiếc bình thông đáy chứng khoán- ngân hàng- bất động sản (BĐS)? Số liệu cập nhật mới nhất do NHNN công bố,  tín dụng  tính đến ngày 18/6 đã tăng trưởng 6,09%. Việc tín dụng khởi sắc cũng lập tức ảnh hưởng tới khả năng dòng tiền tiếp tục chảy vào hệ thống ngân hàng. Thống kê cho thấy, cùng tốc độ tăng trưởng huy động tiền gửi đang không theo kịp tốc độ tăng trưởng  tín dụng (mới tăng 4,74%); Chênh lệch giữa tăng trưởng huy động và tín dụng đã khiến tỷ lệ cho vay/huy động tăng nhẹ lên 84%, cao hơn mức 83% tại thời điểm tháng 12/2014.

Vào cuối tháng 5/2015, tín dụng BĐS đã tăng 10,89%, tăng nhanh gấp đôi so với tăng trưởng dư nợ chung toàn hệ thống là 5%. Dư nợ cho vay lĩnh vực này đạt 330.000 tỷ đồng. Tín dụng đổ mạnh vào BĐS, cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2014, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đã có khoảng 14.000 giao dịch BĐS thành công. Cụ thể, Hà Nội có khoảng 7.500 giao dịch thành công, tăng gấp 2,5 lần  lượng giao dịch cùng kỳ năm 2014. Còn tại TP Hồ Chí Minh có khoảng 7.050 giao dịch thành công, tăng gấp 2,8 lần lượng giao dịch thành công cùng kỳ năm 2014.

Cùng lúc này, không chỉ có vốn ngân hàng đang dồn vào BĐS mà dòng vốn FDI cũng đang chảy mạnh vào lĩnh vực nhà đất. Ngoài ra, theo thống kê, chỉ trong sáu tháng đầu năm 2015, riêng kiều hối đã có 2,16 tỷ USD chuyển về TP Hồ Chí Minh, trong đó khoảng 21,8% là đổ vào BĐS.

Trước xu hướng một số chủ đầu tư cân nhắc số lượng căn hộ sau mỗi lần mở bán, hoặc tăng giá căn hộ từng đợt. Đặc biệt từ 1/7 khi Luật nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực, nhiều dự án  đã tăng giá 10 - 15%. Đại diện một sàn giao dịch BĐS cho biết, hàng vẫn còn, người mua vẫn còn cơ hội. Chưa đến mức người mua phải tranh mua tranh bán đẩy giá tăng chóng mặt.

Ông Trần Ngọc Quang, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam thì cho rằng, không nên quá lo lắng thị trường BĐS hiện nay đang tăng giá, bởi trên thực tế thị trường BĐS có những giai đoạn đã phải giảm giá rất nhiều. Thời điểm này, kinh tế phát triển buộc các chủ đầu tư phải điều chỉnh giá để đạt được lợi nhuận kỳ vọng. Thị trường BĐS sẽ không thể quay lại “sốt” được nữa. Hiện tượng một số chủ đầu tư tăng giá gần đây là không bền vững.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Huyền - Ngọc Mai (Tiền Phong)
Tin chứng khoán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN