Tỉ giá lại “nổi sóng”

Khoảng cách chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vượt 5 triệu đồng/lượng được xem là nguyên nhân chính đẩy giá USD trên thị trường tự do tăng cao

Giá USD trên thị trường tự do liên tục tăng mạnh và neo ở mức cao những ngày qua kéo giá USD trong các ngân hàng (NH) thương mại tăng theo. Dù vậy, giới phân tích và chuyên gia dự báo NH Nhà nước sẽ khó điều chỉnh tăng tỉ giá trong ngắn hạn.

Gom USD nhập vàng lậu?

Chiều 13-3, một số điểm thu đổi ngoại tệ, tiệm vàng tại TP HCM báo giá USD mua vào 21.670 đồng/USD, bán ra 21.720 đồng/USD, tiếp tục neo ở mức cao so với nhiều ngày trước. Tại các NH thương mại, giá USD cũng tăng mạnh. NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chiều 13-3 niêm yết giá USD mua vào 21.345 đồng/USD, bán ra 21.400 đồng/USD, tăng 10 đồng/USD so với phiên trước và tăng khoảng 20 đồng/USD so với phiên đầu tuần. NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) nâng giá USD mua vào 21.350 đồng/USD, bán ra 21.410 đồng/USD, cao hơn Vietcombank 10 đồng/USD. Một số NH thương mại đã phải điều chỉnh giá USD đến 17-18 lần trong ngày.

Tỉ giá lại “nổi sóng” - 1

Một điểm thu đổi ngoại tệ trên đường Đồng Khởi, quận 1, TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ghi nhận của phóng viên, giá USD trên thị trường tự do bắt đầu “nổi sóng” từ đầu tuần nhưng giá USD trong NH chỉ tăng mạnh khoảng 2 ngày qua. Lý giải điều này, nhiều chuyên gia cho rằng chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới giãn rộng đến 5,4 triệu đồng/lượng, góp phần đẩy giá USD tự do lên cao. Giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết hiện chỉ 29,9 triệu đồng/lượng có thể là nguyên nhân kích thích nhu cầu gom USD nhập vàng theo đường tiểu ngạch. “Các NH thương mại không bị ảnh hưởng bởi xu hướng này nhưng khi người dân thấy giá ngoài thị trường tự do lên cao sẽ “thờ ơ” bán USD cho NH, buộc NH phải đẩy giá lên để kéo khách” - lãnh đạo một NH nhận xét.

Trong năm 2014 và từ đầu năm đến nay, NH Nhà nước chưa tổ chức phiên đấu thầu vàng nào để tăng cung cho thị trường. Các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng chủ yếu tự cân đối nguồn vàng theo cung cầu. Mấy ngày qua, giá vàng thế giới giảm mạnh chỉ còn 1.159 USD/ounce (tương đương 29,9 triệu đồng/lượng), lực mua vàng miếng rất chậm nhưng giá vàng trong nước lại giảm nhỏ giọt. “Không có nguồn cung, nếu giá vàng giảm sâu sẽ kích thích lực mua tăng mạnh lúc đó DN lấy đâu vàng để bán?” - đại diện một DN vàng phân trần.

Tỉ giá khó tăng thêm

Ông Đinh Đức Quang, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Phương Đông (OCB), cho rằng dù giá USD trong NH và thị trường tự do có tăng nhưng chưa tác động mạnh lên thị trường. Nhu cầu ngoại tệ của DN thời điểm này không quá cao và mức giá USD hiện tại cũng chỉ xấp xỉ thời điểm sau Tết Nguyên đán nên không đáng ngại. Tỉ giá USD bình quân liên NH hiện là 21.458 đồng/USD và mức giá trần các NH thương mại được phép giao dịch là 21.673 đồng/USD. “Giá USD dù biến động mạnh vẫn chưa chạm mức trên. Theo tôi, NH Nhà nước sẽ khó điều chỉnh tỉ giá ít nhất trong 6 tháng tới” - ông Quang nhận định.

Theo thông lệ, thời điểm tháng 3 (cuối quý I), nhu cầu mua USD của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng, nhằm mục đích chuyển lợi nhuận về nước. Tỉ giá tăng một chút trong thời gian này nhưng thị trường có khả năng tự cân bằng khi nguồn cung vẫn mạnh, đặc biệt là từ vốn giải ngân FDI, vốn đầu tư gián tiếp (FII), vốn ODA và kiều hối. Do đó, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải cho rằng thị trường ngoại tệ sẽ tiếp tục đi theo định hướng của NH Nhà nước. “Khả năng sẽ có đợt hạ giá tiền đồng 1% trong những tháng cuối năm 2015 và thị trường ngoại hối dao động nhiều hơn trong năm nay khi đồng USD mạnh lên. Nhưng NH Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi thị trường một cách chặt chẽ và có định hướng. Dự kiến tỉ giá cuối năm vào khoảng 21.750 đồng” - ông Hải nói.

Nhiều công ty chứng khoán cũng cho rằng tỉ giá sẽ khó tăng thêm trong vài tháng tới. Báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 2-2015 của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) vừa công bố cho thấy tỉ giá sẽ khó điều chỉnh thêm trong 6 tháng đầu năm. Lạm phát được duy trì ở mức thấp và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhiều khả năng chưa vội nâng lãi suất sẽ giúp giảm bớt áp lực mất giá của VNĐ. Về cán cân thương mại, Việt Nam chuyển sang xuất siêu trong tháng 2 giúp giảm thâm hụt. Động lực chính cho tăng trưởng vẫn chủ yếu đến từ các DN xuất khẩu, nhất là khối FDI nên dù bị thâm hụt thương mại những tháng tới cũng không tác động mạnh lên tỉ giá.

Hàng xuất khẩu chịu thiệt

Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt cho rằng tỉ giá vừa tăng 1% hồi đầu năm nên khó tăng thêm và NH Nhà nước sẽ quan sát cán cân xuất nhập khẩu của Việt Nam ít nhất 4-5 tháng trước khi cân nhắc điều chỉnh. Nhưng việc NH Nhà nước cam kết ổn định tỉ giá USD/VNĐ ở mức 1%-2% sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, xét ở góc độ cạnh tranh.

Đồng euro liên tục giảm giá so với USD thời gian qua khiến hàng hóa từ các nước châu Âu xuất sang Mỹ có nhiều thuận lợi. Nhưng so sánh với Việt Nam, tiền đồng sẽ đắt một cách tương đối so với euro khi USD tăng giá khiến hàng Việt xuất sang châu Âu giảm lợi thế cạnh tranh so với một số nước khác. Cụ thể, đồng tiền của một số quốc gia có thị phần lớn tại châu Âu như Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc lần lượt đã giảm 1%, 107% và 6% so với đô-la Mỹ từ đầu năm 2013 đến nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Phương (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN