"Tỉ giá đang có lợi cho người giữ tiền Việt Nam"

“Từ nay đến cuối năm, tỉ giá tại thị trường Việt Nam không có lý do gì để biến động mạnh” - TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc liên tục tuột dốc và đã chạm đáy của hai năm, chỉ tính từ giữa tháng 6 đến nay đồng tiền này mất giá hơn 6%. Trong khi đó đồng đôla Mỹ tiếp tục xu hướng tăng trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến tiếp tục nâng lãi suất. Trước tình trạng này, nhiều người lo ngại tỉ giá sẽ còn biến động mạnh, gây áp lực lên lạm phát khiến VND ngày càng mất giá, gửi tiết kiệm không có lãi.Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với TS Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, xung quanh vấn đề này.

Không có lý do để biến động mạnh

Phóng viên: Thưa ông, câu chuyện tỉ giá đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng kinh doanh và người dân, ông đánh giá thế nào về diễn biến tỉ giá hiện nay?

"Tỉ giá đang có lợi cho người giữ tiền Việt Nam" - 1

TS. Trần Hoàng Ngân.

+ TS Trần Hoàng Ngân: Tôi hình dung thế này: Tỉ giá là giá cả của ngoại tệ, mà giá cả phụ thuộc vào cung cầu. Hiện nay cán cân vãng lai, cán cân thanh toán quốc tế… của Việt Nam về tổng thể đều thặng dư. Nói cách khác, nguồn cung ngoại tệ Việt Nam đang khá phong phú. Dự trữ ngoại hối liên tục tăng trong những năm vừa qua và hiện lên đến trên 60 tỉ USD.Với nguồn cung phong phú, dự trữ ngoại tệ đủ mạnh, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hoàn toàn có thể chủ động trong điều hành chính sách tỉ giá theo mục tiêu chính sách kinh tế vĩ mô đã đề ra.

- Nhưng thưa ông, thời gian qua trên thị trường tự do giá bán USD có lúc tăng lên mức 23.530-23.540 đồng/USD và hiện nay Việt Nam cũng đang chịu nhiều áp lực về tỉ giá?

+ Đúng là chúng ta cũng có những áp lực lên tỉ giá. Áp lực thứ nhất đến từ việc FED liên tục tăng lãi suất. Áp lực thứ hai là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung căng thẳng dẫn đến việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ và từ đó dẫn đến áp lực tỉ giá đồng Việt Nam.

- Tỉ giá chịu nhiều sức ép, vậy, theo ông có thể điều chỉnh biên độ bao nhiêu là hợp lý trong năm nay?

+ Từ đầu năm đến giờ, giá USD đã tăng khoảng 2,6% so với thời điểm cuối năm ngoái. Trong thời gian đến, tỉ giá vẫn có thể điều chỉnh tăng nhưng tôi dự báo chỉ dao động trong mức 3% trở lại.

Nhìn chung tỉ giá tương đối ổn định và nó đảm bảo cho người giữ tiền đồng của Việt Nam luôn có lời nhờ đảm bảo độ chênh lãi suất giữa USD và tiền đồng. Nghĩa là chênh lệch lãi suất này đủ bù cho sự tăng của tỉ giá USD so với đồng Việt Nam. Đó là phương án mà NHNN đang điều hành.

Từ đây đến cuối năm, tùy theo diễn biến của thị trường tiền tệ quốc tế, tình hình cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung và trong cuộc chiến tranh thương mại này, Việt Nam có cơ hội nhiều hơn là thách thức nên hỗ trợ cán cân thương mại tốt hơn. Do đó, có thể khẳng định chúng ta giữ tỉ giá ổn định một cách tương đối, tỉ giá không có lý do gì để biến động mạnh! Việt Nam phải đảm bảo được ổn định tỉ giá, đừng để tâm lý tác động đến thị trường.

"Tỉ giá đang có lợi cho người giữ tiền Việt Nam" - 2

Một số chuyên gia cho rằng giữ tiền đồng vẫn có lợi hơn so với USD. Ảnh: PM.

Sẵn sàng can thiệp khi có biến động bất thường

- Vậy dưới góc nhìn của ông, nên có những kịch bản nào để đảm bảo ổn định tỉ giá trong thời gian tới?

+ Tôi nghĩ việc điều hành tỉ giá của NHNN trong một thời gian dài, liên tục 3-4 năm gần đây là hợp lý. Cho nên tỉ giá giữ một cách ổn định tương đối. Nó cũng tạo điều kiện hỗ trợ cho xuất khẩu, có nghĩa góp phần cải thiện cán cân thương mại.

Theo tôi, NHNN nên tiếp tục giữ cách điều hành đó và không để vỡ trận kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô. Phải kiên định mục tiêu đảm bảo tăng trưởng GDP trên 6,7%, đảm bảo cán cân thương mại và thặng dư, đảm bảo kiểm soát lạm phát khoảng 4%... Những áp lực về việc thiếu hụt USD không đáng ngại và NHNN đủ khả năng điều hành tỉ giá để đạt mục tiêu đề ra.

- Vừa qua có thời điểm giá USD tăng mạnh, NHNN buộc phải bơm tiền dự trữ ra thị trường (bán ra khoảng 2 tỉ USD). Ông bình luận gì về động thái này?

+ Đó là chuyện bình thường của NHNN để bảo vệ giá trị đồng nội tệ nước mình. NHNN có công cụ là quỹ dự trữ ngoại hối, quỹ bình ổn hối đoái. Khi có các cú sốc làm tỉ giá tăng đột biến thì cơ quan điều hành phải bán USD ra để kéo giá USD. Ngoài ra, với tỉ giá trung tâm có thể điều chỉnh lên xuống hằng ngày, chính sách hối đoái linh hoạt để có thể ứng biến được với những tác động tiêu cực từ bên ngoài.

Tóm lại, tỉ giá thì có lúc lên lúc xuống là chuyện bình thường nhưng anh phải kiểm soát được nó. Phải sẵn sàng can thiệp khi có biến động bất thường.

Xin cám ơn ông.

Không chỉ dựa vào USD

- Việt Nam neo chặt đồng tiền vào USD trong khi thả nổi đồng tiền của mình với ngoại tệ khác. Có thể hiểu điều này như thế nào, thưa ông?

+ Việt Nam vẫn neo tiền đồng vào USD vì đây là đồng tiền quan trọng trên thế giới, đóng vai trò giữ trọng số quan trọng trong thanh toán quốc tế. Cho nên phải căn cứ vào USD để làm cơ sở.

Nhưng khi xác định tỉ giá hiện nay không chỉ dựa vào mỗi USD mà còn dựa vào rổ tiền tệ để điều hành tỉ giá trung tâm. Rổ tiền tệ này là những đồng tiền mà Việt Nam có quan hệ thương mại (mua bán hàng hóa) để phân tích. Trên cơ sở đó dịch chuyển đường tỉ giá trung tâm chứ không chỉ dựa hẳn vào USD.

___________________________________

USD tăng mạnh, nhân dân tệ tụt giảm

Ngày 19-10, giá USD tự do và ngân hàng cũng tăng theo tỉ giá đồng USD trên thị trường quốc tế. Cụ thể, giá USD bán ra tại một số ngân hàng thương mại dao động ở mức 23.390-23.295 đồng/USD. Trên thị trường tự do, giá USD mua vào phổ biến ở mức 23.460 đồng và bán ra 23.480 đồng, tăng 15-20 đồng so với trước đó một ngày. Đồng USD vẫn đang được hỗ trợ bởi khả năng FED tiếp tục nâng lãi suất.

Đại diện NHNN cho biết sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ, tỉ giá trong biên độ cho phép.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Minh ([Tên nguồn])
Bản tin tài chính kinh doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN