Thụy Sĩ tránh bão khủng hoảng thế nào?
Thụy Sĩ đang kiểm soát cuộc khủng hoảng kinh tế tốt hơn bất kỳ nước châu Âu nào khác. Tỷ lệ lao động thất nghiệp ở Thụy Sĩ chỉ ở mức 2,7%, thấp nhất châu Âu, nơi đang có tỷ lệ thất nghiệp trung bình 10%.
Nền kinh tế Thụy Sĩ tăng trưởng 12 quí liên tục, trong khi các chỉ số then chốt về hoạt động kinh tế vẫn vững mạnh. Xuất khẩu đồng hồ của Thụy Sĩ tăng 15% trong tháng 7-2012. Doanh thu xe hơi trong sáu tháng đầu năm ở Thụy Sĩ tăng 12%, trong khi giảm 11% ở Liên minh châu Âu (EU).
Giáo sư kinh tế Aymo Brunetti ở Đại học Bern (Thụy Sĩ) nhận định: “Nền kinh tế Thụy Sĩ đang tiến triển khá tốt. Thụy Sĩ đã tránh được cuộc khủng hoảng và phục hồi kinh tế nhanh hơn đáng kể so với các nước khác. Thụy Sĩ không bị bong bóng bất động sản hoặc khủng hoảng thu hẹp tín dụng và đang gặt hái những lợi ích từ các chính sách bình ổn nền kinh tế được giới thiệu cách đây một thập kỷ”.
Các chính sách thông minh
Làm thế nào để một nước bị khóa kín trong lục địa, không có nguồn tài nguyên thiên nhiên có thể trở nên cạnh tranh, sáng tạo, thịnh vượng, trở thành một trong những trung tâm tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới và có tầm ảnh hưởng về giao dịch hàng hóa và vận chuyển hàng hải? Câu trả lời của các chuyên gia là: nền hòa bình duy trì liên tục, tăng trưởng kinh tế của các đối tác xuất khẩu chính và các ngành công nghiệp chủ lực của Thụy Sĩ được các chính sách thân thiện doanh nghiệp hỗ trợ đã giúp Thụy Sĩ thịnh vượng.
Trong bài viết nhan đề “Tại sao Thụy Sĩ giàu?”, nhà sử học kinh tế Tobias Straumann ở Đại học Zurich (Thụy Sĩ) giải thích: đó là nhờ người dân Thụy Sĩ chăm chỉ lao động, làm việc có chất lượng và có khả năng quản trị doanh nghiệp tốt. Ngoài ra, theo Straumann, thành công của Thụy Sĩ cũng nhờ vào các chính sách thông minh.
Vào thập niên 1990, chính phủ Thụy Sĩ đã ban hành các chính sách bình ổn nền kinh tế, bao gồm sáng kiến hãm nợ (không để tăng trưởng chi hàng năm vượt quá tăng trưởng thu), các biện pháp cân bằng bảo hiểm thất nghiệp, các cải cách thị trường nội địa và hạn chế nhập cư. Các chính sách kinh tế hỗ trợ sự ổn định và nguồn vốn con người chất lượng cao là hai trong nhiều điểm mạnh riêng mà Thụy Sĩ tự tạo ra.
Ngày nay, Thụy Sĩ là một trong những nước giàu nhất thế giới với thu nhập bình quân đầu người 80.000 đô la Mỹ/năm. Vào thế kỷ 19, Thụy Sĩ là nước nghèo, nhiều người dân phải đi làm lính đánh thuê để kiếm tiền và nhập cư vào Nga và các nước giàu hơn ở Tây bán cầu. Thụy Sĩ chỉ sở hữu vài tuyến đường bộ quá cảnh và đường thủy quan trọng, chưa bao giờ sản xuất được hàng hóa đáng kể.
Tuy nhiên, điều này có thể là vận may cho Thụy Sĩ. Các nước giàu nguồn cung hàng hóa lại bị “lời nguyền tài nguyên” (ám chỉ đến nghịch lý nước giàu tàu nguyên, đặc biệt là khoáng sản và nhiên liệu nhưng lại kém phát triển và tăng trưởng kinh tế yếu hơn các nước ít nguồn tài nguyên). Các nước giàu tài nguyên thường phải vật lộn để tạo ra việc làm và phát triển ngành công nghiệp mới vì các chính sách phát triển của họ chỉ nhắm đến sự thịnh vượng ngắn hạn. Ngoài ra, khai thác tài nguyên quá mạnh làm suy giảm ngành sản xuất – một hiện tượng mà các nhà kinh tế học gọi là “căn bệnh Hà Lan” (đẩy mạnh xuất khẩu tài nguyên dẫn tới suy giảm ngành công nghiệp sản xuất, chế tạo)
Sức mạnh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ
Giáo sư Stéphane Garell, Giám đốc Trung tâm cạnh tranh thế giới của Viện phát triển quản lý quốc tế (Thụy Sĩ), cho rằng sức mạnh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ chính là chìa khóa mang đến sự thành công của nền kinh tế Thụy Sĩ. Thụy Sĩ có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ có hiệu quả cao. Ở hầu hết các nước, thậm chí như Mông Cổ, đều có các tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh. Tuy nhiên, một nền kinh tế chỉ thực sự nổi trội nhờ vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ (100-1.000 lao động) sở hữu các công nghệ riêng và có tầm nhìn toàn cầu để tạo ra sức mạnh xuất khẩu.
Nền kinh tế có trọng tâm xuất khẩu của Thụy Sĩ khởi nguồn từ thời trung cổ khi Thụy Sĩ chuyên về sản xuất bơ sữa, mở đường cho sự ra đời các công ty sản xuất chocolate và sữa bột nổi tiếng sau này. Người Pháp theo đạo Tin lành bị trục xuất khỏi Pháp vào thế kỷ 16 và 17 đã đến Thụy Sĩ và giúp xây dựng ngành công nghiệp đồng hồ và dệt may. Ngày nay, Thụy Sĩ đa dạng hóa, mở rộng ngành sản xuất ra hầu hết mọi lĩnh vực và tạo ra nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng có giá trị kinh tế cao.
Thụy Sĩ trụ vững trước cơn bão khủng hoảng kinh tế ở châu Âu một phần cũng nhờ các ngành công nghiệp xuất khẩu mũi nhọn như dược phẩm và đồng hồ kháng cự khá tốt trước khủng hoảng. Thách thức lớn nhất hiện này là nền kinh tế Thụy Sĩ phụ thuộc vào xuất khẩu khá lớn. Hơn 50% kim ngạch xuất khẩu của Thụy Sĩ đến từ châu Âu, trong đó Đức là đối tác lớn nhất. Do vậy, xuất khẩu của Thụy Sĩ sẽ gặp khó khăn nếu nền kinh tế Đức yếu thêm nữa.