Thủ tướng yêu cầu có chính sách huy động USD trong dân

Nguồn lực ngoại tệ bằng ngoại tệ trong dân, đặc biệt USD, là rất lớn, gửi ngân hàng lãi suất 0% trong khi khi Chính phủ vẫn phải mua lượng trái phiếu quốc tế cao, khoảng 4,8%.

Tại buổi kiểm tra, làm việc với Ngân Hàng Nhà nước (NHNN) ngày 18-7, Bộ trưởng chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã yêu cầu NHNN sớm triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc huy động nguồn lực ngoại tệ trong dân, đặc biệt là USD.

Theo Bộ trưởng, huy động vốn phục vụ đầu tư phát triển là nhiệm vụ rất quan trọng. NHNN sớm báo cáo đề xuất Chính phủ Đề án huy động ngoại tệ trong dân, tạo cơ chế hút tiền vào đầu tư không để nguồn lực chảy ra bên ngoài. NHNN có chủ trương chống đôla hoá, chống vàng hoá nhưng trong điều kiện kiểm soát được thì nên có phương án huy động, trong khi vẫn phải mua lượng trái phiếu quốc tế cao, khoảng 4,8%. 

Thủ tướng yêu cầu có chính sách huy động USD trong dân - 1

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng tại cuộc làm việc với Ngân hàng Nhà nước sáng nay. Ảnh Hoàng Bắc

"Nguồn USD trong dân rất lớn, thay vì gửi lãi suất 0% ở ngân hàng như hiện nay thì cần có chính sách huy động để hoà vào huy động khác phục vụ đầu tư. Đó là một trong số tiêu chí để phấn đấu hạ lãi suất" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Giải trình về nội dung này, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết NHNN đã có dự thảo Đề án chống vàng hoá, đô la hoá gửi lấy ý kiến các bộ ngành liên quan. Nhiều năm qua, NHNN vẫn tiến hành các giải pháp tổng thể để điều hành tiền tệ nhằm đảm bảo ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. 

"Chúng ta đã không mất lượng lớn ngoại tệ để nhập vàng về như trước, người dân cũng không còn đổ xô đi mua vàng, tiết kiệm nguồn lực ngoại tệ, đồng thời chuyển hoá tiền mua vàng, đôla vào nền kinh tế, tiết kiệm rất nhiều nguồn lực. Đây là cách chuyển hoá nguồn ngoại tệ tốt nhất, phù hợp nhất trong điều kiện cần kiểm soát ổn định vĩ mô, không để những biến động ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ, NHNN" - Thống đốc Lê Minh Hưng nói.

Người đứng đầu NHNN nêu dẫn chứng năm 2016, NHNN mua vào gần 10 tỉ USD để tăng dự trữ ngoại hối, trong đó thặng dư thanh toán chỉ chiếm một phần nhỏ, còn chủ yếu là nguồn ngoại tệ nắm giữ trong dân đã được chuyển hoá sang VNĐ thông qua việc gửi tiền vào hệ thống ngân hàng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo T.Hà (Người lao động)
Tiền tệ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN