Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Công nghiệp hóa của Việt Nam kém Trung Quốc 100 lần

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao năm 2018 có nhiều doanh nghiệp trong nước vươn lên rất mạnh mẽ, nhiều cơ sở đầu tư mới đi vào hoạt động. Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh mức độ công nghiệp hóa của Việt Nam chỉ chiếm 0,2% của thế giới, kém Trung Quốc 100 lần, kém Thái Lan 5 lần. Do đó cần phải cải thiện.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Công nghiệp hóa của Việt Nam kém Trung Quốc 100 lần - 1

Sáng 17.1.2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 ngành Công Thương. (Ảnh: TTXVN)

Sáng 17.1.2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 ngành Công Thương. Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự phát triển của ngành Công Thương sau 30 năm đổi mới, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, một động lực quan trọng, đóng góp đáng kể vào sự phục hồi của đất nước trong những năm gần đây. 

Theo tính toán, hai lĩnh vực công nghiệp và thương mại đóng góp tới 80% GDP, 7% thu NSNN trong năm 2018.

Ngành Công Thương đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ví dụ, ngành công nghiệp, tăng trưởng gần 8,8%, đóng góp 2,85% vào tốc độ tăng trưởng GDP năm 2018, cao nhất trong hơn 10 năm qua.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao năm 2018 có nhiều doanh nghiệp trong nước vươn lên rất mạnh mẽ, nhiều cơ sở đầu tư mới đi vào hoạt động. Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh mức độ công nghiệp hóa của Việt Nam chỉ chiếm 0,2% của thế giới, kém Trung Quốc 100 lần, kém Thái Lan 5 lần. Do đó cần phải cải thiện.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Bộ Công Thương là một Bộ đa ngành, đa lĩnh vực, có nhiều điểm phức tạp trong công tác điều hành, quản lý. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ nhận định ngành công thương cũng còn rất nhiều hạn chế, tồn tại, yếu kém. “Chúng ta phải thẳng thắn nhìn vào những tồn tại khuyết điểm, thậm chí còn nhiều hơn ưu điểm”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Bài toán thị trường dành cho Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Nguyễn Xuân Cường

Song hành cùng những thành công của ngành Công Thương trong năm 2018 chính là tốc độ tăng trưởng ngoạn mục của xuất khẩu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam có nhiều mặt hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt trên 40 tỷ USD. Ở tất cả thị trường Việt Nam có ký kết hiệp định thương mại tự do đều ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc tăng 23-24%, Nhật Bản tăng 12,9%, ASEAN tăng 13,5%...

“Điều quan trọng là xuất siêu của chúng ta phần lớn sang các thị trường phát triển như Nhật Bản, Mỹ, EU... Thị trường Trung Quốc cũng là một thị trường lớn, theo tính toán của họ, giá trị xuất khẩu lên tới hơn 131 tỷ USD. Tôi đã nói với ông Lý Khắc Cường, ông Tập Cận Bình rằng chúng tôi chấp nhận nhập siêu để chúng ta cùng thắng, có lợi cho người dân”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Công nghiệp hóa của Việt Nam kém Trung Quốc 100 lần - 2

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Anh nào cắt điện, cách chức anh đó luôn!". (Ảnh: TTXVN)

Song Thủ tướng cũng cho biết, thị trường quốc tế rất rộng lớn, còn nhiều thị trường lớn chưa có sự xuất hiện của hàng hóa Việt Nam. Từ đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường phải cố gắng giải đáp bài toán thị trường.

Một điểm ấn tượng được Thủ tướng chia sẻ với các cán bộ, công chức ngành Công Thương là Bộ trưởng các Bộ Công Thương, NN&PTNT và Chủ tịch UBND một số địa phương đã cùng Thủ tướng trực tiếp bán hàng xuất khẩu, tìm nhiều thị trường cho đất nước, đưa hàng hóa tới với những nhà bán lẻ lớn nhất thế giới.

Bày tỏ sự vui mừng khi nhiều ngành hàng Việt Nam xếp ở những vị trí dẫn đầu thế giới về sản xuất, xuất khẩu như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ... Thủ tướng tiếp lời: “Chúng tôi đã thảo luận với anh Cường (Bộ trưởng Bộ Nông nghệp - PV) rất nhiều lần, Việt Nam phải là một trung tâm sản xuất đồ gỗ và nội thất của thế giới”.

Song Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhìn nhận, các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, hoạt động kết nối doanh nghiệp còn hạn chế. Trong đó, hoạt động phổ cập nội dung của các Hiệp định thương mại tự do tới với người dân, doanh nghiệp chưa nhiều.

Nhớ lại khoảng thời gian ông Trương Đình Tuyển giữ vị trí Bộ trưởng Bộ Thương Mại và Việt Nam mới gia nhập WTO, Thủ tướng kể chuyện: “Bộ trưởng tới nói chuyện với từng tỉnh một, từng trung tâm một về nội dung đàm phán WTO. Còn giờ nếu hỏi người dân và doanh nghiệp, phần lớn còn thờ ơ”.

Về phía các tham tán tương mại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dặn dò: “Tham tán thương mại phải lo việc nước trước, việc nhà sau. Anh đừng kết hợp, chủ yếu tranh thủ cho con đi học là không được. Phải ngày đêm suy nghĩ, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, đầu tư, du lịch cho Việt Nam”.

Để người dân xếp hàng chờ gặp người này, người kia là sai lầm

“Năm qua, các đồng chí đã cắt giảm 677/1216 điều kiện kinh doanh thuộc 7 ngành, nghề, đạt tỷ lệ cắt giảm 72%. Anh phải giải phóng sức sản xuất, để người dân, doanh nghiệp cùng làm, cùng phát triển. Như vậy dân mới giàu, nước mới mạnh được”, Thủ tướng nói và biểu dương Bộ Công Thương vì kết quả dẫn dầu trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong thời gian sắp tới, phải hướng tới giải quyết dịch vụ công qua hệ thống điện tử, hạn chế tiếp xúc giữa người với người.

“Đến Bộ, thấy người dân xếp hàng chờ gặp người này, người kia là sai lầm. Phải giao dịch qua điện tử, đổi mới”, Thủ tướng nhấn mạnh.

“Anh nào cắt điện, cách chức anh đó luôn!”

Đối với ngành điện và EVN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Tôi rất ấn tượng chỉ số tiếp cận điện năng tăng 37 bậc, là điểm tăng bất ngờ và được WorldBank đánh giá cao”.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ tồn tại như tính chủ động trong lập quy hoạch điện năng chưa cao, còn lúng túng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải đảm bảo cân đối năng lượng, trước hết là năng lượng điện năm 2019 tăng trên 10% so với 2018 trên cơ sở có sự tham gia của các dự án năng lượng mới, năng lượng tái tạo như điện rác, thậm chí mua thêm điện từ Lào.

“Không thể Bộ Công thương hay EVN thông báo là cắt điện. Anh nào cắt điện, cách chức anh đó luôn. Thời đại nào rồi mà các đồng chí còn để cắt điện”, Thủ tướng nói

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ Công thương, ngành điện phải tính toán nhu cầu điện quốc gia mạnh mẽ hơn, không nên để “nước đến chân mới nhảy” trong cung cấp năng lượng điện. Phải đặt chuyên đề để thực hiện tốt nhất, không để "mất bò mới lo làm chuồng" trong cung cấp năng lượng điện.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Nhật ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN