Thủ tướng: Chi phí logistics "nhấn" con tàu kinh doanh xuống thấp!
Chi phí logistics của Việt Nam tương đương 20,9 % so với GDP, cao gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội thảo Logistics.
Dẫn lời Benjamin Franklin “Hãy coi chừng các khoản chi phí nhỏ. Một rò rỉ nhỏ cũng sẽ nhấn chìm một con tàu lớn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ lo ngại trước thực trang chi phí logistics đang ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.
Người đứng đầu Chính phủ lo ngại liệu chi phí logistics chiếm tỷ trọng lớn có nhấn con tàu kinh doanh, tính cạnh tranh xuống thấp?
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), chi phí logistics của Việt Nam tương đương 20,9 % so với GDP, (trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 60%). Chi phí này cao đôi so với các nền kinh tế phát triển. Trung Quốc chiếm 19% GDP, Thái Lan khoảng 18%...
“Chính vì vậy chúng ta phải nhận thức rõ gánh nặng chi phí là rào cản lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo nhận định của Người đứng đầu Chính phủ, chính kết nối kém đã góp phần làm tăng các chi phí vận tải. Hiện nay, Việt Nam chủ yếu phát triển đường bộ, chiếm tới 90% hạ tầng giao thông, các loại hình vận tải còn lại chỉ chiếm 10%. Chính sự rời rạc trong phát triển giao thông làm tăng chi phí.
Cùng với đó, tình trạng tổ chức dịch vụ đơn tuyến rời rạc trong quá trình vận tải cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn tới thực trạng tăng chi phí. "Có hiện tượng xe vận tải hàng hóa thì có đến 40 – 50% xe quay về mà không chở hàng. Như vậy, làm sao chi phí lại không cao được”, Thủ tướng đặt câu hỏi.
Ngành logistics không chỉ là giao nhận vận tải mà còn các hoạt động kho bãi, lưu trữ hàng hóa, bao bì đóng gói,…Thủ tướng đề nghị các địa phương lưu ý phát triển toàn diện, đặc biệt chú ý tạo điều kiện phát triển kho bãi.
Đặc biệt, theo Thủ tướng phải có doanh nghiệp mạnh làm logistics với sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách, quy hoạch của Nhà nước.
Vì vậy, Thủ tướng cho rằng cùng với những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, hội nhập quốc tế của Chính phủ thì việc cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là giảm chi phí logistics phải được quan tâm đúng mức và thực hiện có hiệu quả. Điều này cần sự phối hợp của cả hệ thống chính trị và người dân.
Thủ tướng nêu 4 vấn đề với tinh thần làm rõ tồn tại, hạn chế và đặc biệt, tập trung vào các giải pháp thực thi hiệu quả.
Đầu tiên, về mặt thể chế chính sách, Người đứng đầu Chính phủ đề nghị cần thảo luận làm rõ các quy định pháp luật hiện nay về logistics đã đủ chưa, cần sửa đổi, bổ sung quy định nào? Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh chú trọng đến vấn đề kho bãi. Hiện nay, vẫn còn thực trạng có địa phương có cảng nội địa tốt nhưng không dành vị trí tốt làm kho bãi mà đưa kho bãi xa cảng, từ đó đẩy chi phí vận tải lên cao.
Về hạ tầng và kết nối hạ tầng của các lĩnh vực giao thông thúc đẩy phát triển logistics, Thủ tướng đề nghị tìm giải pháp khắc phục tình trạng chưa đồng bộ giữa các tuyến giao thông với cảng, nhà ga, sân bay, cảng cạn... Bên cạnh đó, hình thành các trung tâm logistics, cảng trung chuyển kết nối hàng hóa... phát huy hiệu quả đầu tư.
Thứ ba, Thủ tướng yêu cầu tìm giải pháp để tăng tính kết nối giữa các loại hình vận tải, nâng cao hiệu quả của các loại hình vận tải khác, không chỉ riêng vận tải đường bộ như hiện nay.
Thủ tướng đặc biệt nêu yêu cầu về phát triển doanh nghiệp và nguồn lực phục vụ logistics. Thủ tướng nêu vấn đề về tính kết nối, chia sẻ cộng đồng của một số nhóm doanh nghiệp cùng hoạt động trong một tuyến, ngành hàng chưa hợp lý như tình trạng vận tải một chiều… Theo đó, chú trọng nhân lực, nguồn lực để phát triển ngành này.
Hiện nay logistics là một trong 12 nhóm ngành được cộng đồng ASEAN ưu tiên hỗ trợ phát triển. Đây là một dịch vụ kinh doanh hấp dẫn được nhiều công ty trong và ngoài nước triển khai. "Chúng ta không làm thì các nước bạn sẽ làm", Thủ tướng lưu ý.
Như vậy, "dù sản xuất trái cây, gạo, sản xuất thiết bị máy móc mà những dịch vụ chiếm tỷ lệ cao như thế này không giảm xuống thì nền kinh tế không thể cạnh tranh được", người đứng đầu Chính phủ bày tỏ.