Thủ tục nhà đất còn hành dân

Tại quận 12 có trường hợp khi xin cấp phép xây dựng, chủ đất phải trình giấy đăng ký kết hôn của cha mẹ và giấy khai sinh của các con!

“Bị làm khó khi xin cấp giấy chứng nhận, cấp phép xây dựng; cán bộ hướng dẫn mỗi người một kiểu; nhiều dự án treo quá lâu gây khổ cho dân…”. Đó là những vấn đề được người dân bốn phường Thới An, Tân Chánh Hiệp, Tân Thới Hiệp và Hiệp Thành, quận 12 phản ánh khi tiếp xúc với đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, ngày 29-10.

Nhiều đòi hỏi phi lý

Anh Lê Thành Đạt, tổ 4, khu phố 6, phường Thới An, cho biết hai vợ chồng mua một miếng đất tại khu phố 6. Khi tới quận để làm thủ tục xin phép xây dựng, cán bộ yêu cầu anh phải cung cấp giấy đăng ký kết hôn của… cha mẹ. “Cha mẹ tôi đã hơn 90 tuổi, giấy đăng ký kết hôn của các cụ viết bằng chữ Nho, không biết cán bộ có đọc được không nhưng tôi vẫn trình ra. Xem xong thì anh ta lại yêu cầu phải có giấy khai sinh của các con tôi!” - anh Đạt nói. Theo anh Đạt, “Đây là những đòi hỏi hết sức phi lý, làm khó dân, quận 12 cần xử lý thích đáng”.

Thủ tục nhà đất còn hành dân - 1

Làm thủ tục nhà đất tại UBND quận 12, TP.HCM. Ảnh: HN

Bà Quách Thu Hồng, tổ trưởng tổ 49, khu phố 7, phường Hiệp Thành, dẫn chứng thêm: Khi người dân trong khu phố lên UBND quận xin kê khai đăng ký nguồn gốc đất, mỗi cán bộ giải thích một kiểu khác nhau khiến họ phải đi lại nhiều lần. “Quận cần thông báo công khai cho dân biết khi đến làm thủ tục nhà đất phải mang theo các loại hồ sơ nào để người dân không phải chạy lên chạy xuống” - bà Hồng đề nghị.

“Quận phải xin lỗi dân”

Tại buổi tiếp xúc, nhiều người dân cũng cho hay: Quận 12 còn nhiều quy hoạch, dự án chậm triển khai khiến người dân mắc kẹt vì không được phép xây dựng hoặc cấp giấy chứng nhận.

Đáng chú ý, đại diện khu phố 24, phường Hiệp Thành phản ánh: “Việc làm quy hoạch hẻm trên địa bàn khu phố này có dấu hiệu lợi ích nhóm, ảnh hưởng đến người dân”. Vị này dẫn chứng, hai hộ gia đình ngụ một con hẻm có tổng cộng 15 hộ dân đã giả mạo chữ ký của các hộ còn lại để đồng thuận xin mở rộng hẻm từ 1,5 m lên 4,5 m. Việc mở rộng hẻm đã làm cho 13 hộ còn lại bị xẻ ngang, xẻ dọc, có nhà mất toàn bộ đất. Riêng hai hộ kia không bị ảnh hưởng gì.

“Chỉ vì cách làm quy hoạch quá quan liêu mà 13/15 hộ mất nhà, mất đất. Những điều phi lý này cứ để mãi thì không thể nào chịu nổi. Năm 2012, tôi đã trình bày với UBND quận và được hứa xử lý nhưng đến nay sự việc vẫn chưa sáng tỏ. Nếu thấy không giải quyết được thì quận phải dũng cảm nhận sai và xin lỗi người dân, không nên tránh né” - vị này gay gắt.

Chủ tịch quận 12 nhận khuyết điểm

Về phản ánh trên, ông Trần Ngọc Hổ, Chủ tịch UBND quận 12, nhấn mạnh: “Chỉ có hai hộ dân được lợi mà 13 hộ khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi mở rộng một con hẻm là không thể chấp nhận được”. Ông Hổ yêu cầu trong vòng một tuần chủ tịch UBND phường Hiệp Thành phải báo cáo về quá trình lấy ý kiến các hộ dân khi mở con hẻm nêu trên để quận rà soát và giải quyết dứt điểm.

Ông Hổ cũng cho biết những hẻm có lộ giới lớn quá ảnh hưởng đến quyền lợi của dân sẽ được quận xem xét giảm xuống cho phù hợp. Những hẻm nào có lộ giới quá nhỏ thì sẽ nâng lên để đảm bảo hạ tầng, giao thông và mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, quá trình thực hiện phải có sự đồng thuận của người dân liên quan.

Về việc cán bộ còn làm khó người dân, ông Trần Ngọc Hổ nhận khuyết điểm và hứa sẽ chấn chỉnh ngay. “Ngoài việc bố trí cán bộ có năng lực tiếp dân, tới đây quận sẽ phối hợp với bưu điện để gửi hồ sơ nhà đất về tận nhà để người dân không phải đi lại nhiều lần” - ông Hổ thông tin.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Việt Hoa (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN