Thủ tục khó vẫn không “bó” được doanh nghiệp

Với hàng loạt bổ sung mới, Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ giúp doanh nghiệp thoát khỏi hàng loạt vướng mắc trong môi trường kinh doanh.

Nhiều doanh nghiệp (DN) phản ánh khó khăn trong việc triệu tập đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, hội đồng thành viên. Triệu tập không đủ thì không họp được, triệu tập cho đủ thì mất thời gian, có khi phải mời lần hai mới tổ chức được.

Ưu đãi cổ đông... vừa vừa

Ghi nhận vướng mắc này của DN, dự thảo Luật DN sửa đổi cho phép hội nghị trực tuyến. Ngoài ra, DN cũng được lấy phiếu biểu quyết thông qua fax hoặc thư điện tử.

Liên quan đến tỉ lệ biểu quyết, dự thảo cũng giảm tỉ lệ biểu quyết xuống 51% đối với các quyết định thông thường và 65% đối với quyết định “đặc biệt”, thay vì 65% và 75% như hiện nay. Cụ thể, các vấn đề về loại cổ phần; thay đổi ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh; thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý công ty… Đáng chú ý là việc tổ chức lại, giải thể công ty sẽ cần đạt tỉ lệ 65% biểu quyết.

Thủ tục khó vẫn không “bó” được doanh nghiệp - 1

 Một cổ đông đang chất vấn tại đại hội cổ đông thường niên. Ảnh minh họa: Hoàng Quân

Một chuyên viên đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết có khá nhiều trường hợp các cổ đông tranh chấp nhau mãi vì biểu quyết không xong các quyết định liên quan đến “vận mệnh” DN. Một nhóm cổ đông nắm giữ khoảng 36% cổ phần là đủ “thao túng”, còn mạnh hơn nhóm 64% còn lại, vì họ mà không ưng thì coi như 64% còn lại không làm được gì. Đặc biệt, ở công ty nào có các cổ đông chơi bè, chơi nhóm thì ở công ty đó việc biểu quyết cứ lình xình mãi, khiếu nại, tố cáo nhau suốt luôn! Luật DN muốn bảo vệ các cổ đông nhỏ, tuy nhiên quy định tỉ lệ biểu quyết quá cao cũng dẫn đến thiệt hại cho cổ đông lớn.

Cho “trảm” mà “trảm” không được

Điều 165 Luật DN 2005 quy định tám trường hợp DN bị thu hồi giấy phép và bị xóa tên trong sổ đăng ký kinh doanh. Trong đó có trường hợp DN “không báo cáo về hoạt động kinh doanh với cơ quan đăng ký kinh doanh trong 12 tháng liên tục”. Nếu thực thi quy định này trên thực tế thì đại đa số DN đều đã bị “khai tử” cả rồi. Bởi lẽ trong suốt thời gian dài, DN không gửi báo cáo định kỳ cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Thậm chí nhiều DN được hỏi cũng cho biết DN không biết gì về nghĩa vụ báo cáo này, chỉ biết phải nộp báo cáo cho cơ quan thuế!

Một trong tám trường hợp bị thu phép là DN không hoạt động tại trụ sở đăng ký trong sáu tháng liên tục. Nghe thì đơn giản nhưng “không hoạt động” là như thế nào thì ngay cả cơ quan đăng ký kinh doanh cũng lúng túng. Đặc biệt với những DN thuê chung văn phòng ảo. DN có địa chỉ trụ sở đẹp, vị trí trung tâm thành phố nhưng có hàng trăm DN nằm chung một “văn phòng”, mỗi DN đặt một hộc tủ tại đó. Vậy có xem là “hoạt động tại trụ sở” hay không?

Dự thảo sửa đổi Luật DN loại bỏ trường hợp rút phép vì không báo cáo, đồng thời sửa đổi trường hợp “không hoạt động” thành “không liên lạc hoặc giao dịch được với DN tại địa chỉ trụ sở chính đã đăng ký trong thời hạn sáu tháng liên tục”. Dự thảo cũng bổ sung trường hợp rút phép theo quyết định của tòa án.

Nắm “tóc” doanh nghiệp

Cộng đồng DN thì thường xuyên than phiền rằng thủ tục về đăng ký kinh doanh quá phức tạp, mất thời gian và luôn đòi hỏi giảm thủ tục hành chính. Thế nhưng mỗi khi phát hiện DN vi phạm, câu hỏi mà các cơ quan khác đặt ra là “sao cơ quan đăng ký kinh doanh dễ dãi cấp phép?”. Nhiều lần Sở Kế hoạch và Đầu tư giải thích rằng quy định của Luật DN không đòi hỏi giấy tờ chứng minh nên DN cứ đăng ký, còn cơ quan quản lý hậu kiểm xem DN có thực hiện đúng không chứ không thể “neo” hồ sơ lại không cấp phép.

Bà Trần Thị Bình Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP, cho rằng việc cải cách, giảm thiểu thủ tục hành chính là cần thiết. Ta có bắt DN chứng minh vốn cũng chẳng để làm gì, DN có thể đưa vốn ảo vào rồi rút ra, bắt DN chứng minh trụ sở thì họ cũng có thể hợp đồng ảo rồi ngưng.

Việc đòi hỏi thủ tục sẽ làm khó cho phần đông DN mà không chắc đã hạn chế được phần nhỏ DN xấu. Ta nên học hỏi các nước, họ quản lý hai vấn đề chính về DN. Một là quản lý nhân thân. Chủ DN ở đâu, đi đâu họ đều nắm được, có vi phạm thì “tóm” được ngay. Hai là quản lý kinh tế. Tài khoản của DN nằm trong kiểm soát của cơ quan quản lý. Anh DN vi phạm là tôi xử lý bằng biện pháp kinh tế, cưỡng chế tài khoản anh ngay. Vì vậy tuy thủ tục họ thoáng nhưng họ quản được chặt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo QUỲNH NHƯ (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN