Thủ tục hành chính “cắt cổ” nhất Việt Nam giá lên tới 255 triệu
Muốn thực hiện một thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng, doanh nghiệp trung bình phải bỏ ra khoảng gần 104 giờ làm việc với số tiền lên tới cả chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng.
Đây là kết quả trong Báo cáo chỉ số chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI) 2018 do Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ công bố sáng 17/8.
Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, đây là kết quả sau khi khảo sát 3.000 doanh nghiệp đã thực hiện thủ tục hành chính trên cả nước trong 6 tháng cuối năm 2017.
Cách tính của APCI là chi phí thời gian cộng chi phí trực tiếp. Trong số này, chi phí thời gian là thời gian thực tế mà doanh nghiệp, tổ chức phải bỏ kể từ khi bắt đầu tìm hiểu thủ tục hành chính tới khi hoàn tất việc thực hiện thủ tục. Để tính ra số tiền cụ thể, cơ quan chức năng nhân số giờ trên với mức thu nhập trung bình của một người theo giờ (khoảng 25.000 đồng/giờ). Chi phí trực tiếp là các khoản như phí, lệ phí, chi phí tư vấn hay các chi phí không chính thức.
Đứng đầu APCI năm 2018 là nhóm thủ tục hành chính thuế với chi phí tuân thủ là 73.500 đồng trong khi bét bảng là nhóm xây dựng với chi phí hơn 64 triệu đồng.
Kết quả cho thấy, đứng đầu APCI năm 2018 là nhóm thủ tục hành chính thuế với chi phí tuân thủ là 73.500 đồng. Con số này thấp hơn nhiều so với 7 nhóm thủ tục khác. Cụ thể, đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng là thủ tục về khởi sự và đăng ký doanh nghiệp cũng có chi phí tuân thủ hơn 720.000 đồng.
Theo đánh giá, thủ tục thuế ở vị trí quán quân bởi ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình thực hiện.
Cụ thể, doanh nghiệp được yêu cầu sử dụng hệ thống phần mềm cung cấp bởi ngành thuế cho phần lớn các thủ tục hành chính có tần suất cao, thay vì tới nộp trực tiếp.
Các nhóm lần lượt ở vị trí tiếp theo là: Hải quan, Đất đai, Giấy phép chứng chỉ hành nghề, Đầu tư, Môi trường và Xây dựng.
Đặc biệt đứng bét bảng là thủ tục lĩnh vực xây dựng. Theo tính toán, chi phí tuân thủ lên tới 64,1 triệu đồng. Thời gian thực hiện thủ tục của nhóm này cũng lên tới gần 104 giờ. Chi phí của nhóm trên theo rà soát thường tập trung vào giai đoạn chuẩn bị hồ sơ, thuê thiết kế, thuê tư vấn để thực hiện thủ tục xin ý kiến của cơ quan phòng cháy chữa cháy, thuê tư vấn thực hiện thủ tục báo cáo đánh giá tác động môi trường, lệ phí thẩm định hồ sơ. Những chi phí trên tỷ lệ thuận với độ khó và quy mô tổng mức đầu tư của dự án.
Nếu xét theo địa phương thì có nơi chi phí xây dựng trực tiếp lên tới 255 triệu đồng nhưng có địa phương chỉ 440.000 đồng.
Lý do mức chênh lệch trên theo đánh giá có thể do người trả lời khảo sát e ngại công khai đầy đủ các khoản chi phí.
Tuy nhiên, tiêu tốn nhiều thời gian nhất không phải là nhóm xây dựng mà phải kế tới nhóm môi trường. Theo báo cáo, thời gian để thực hiện nhóm thủ tục này lên tới 218 giờ.
Tính chung các thủ tục, theo ông Phan, khâu chiếm nhiều thời gian nhất của doanh nghiệp là chuẩn bị hồ sơ và chỉnh sửa bổ sung hồ sơ. Theo thống kê, các doanh nghiệp dành hơn 55% thời gian cho chuẩn bị hồ sơ. Tiếp đó, doanh nghiệp dành hơn 17% thời gian để chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan chức năng.
Đây là vấn đề được Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhắc đến nhấn mạnh bởi theo ông, rõ ràng, người dân khi tiếp cận các thủ tục hành chính vẫn mất nhiều thời gian đi lại.
Việc cải cách thủ tục hành chính theo Bộ trưởng nếu không làm quyết liệt,theo kiểu áp từ trên xuống dưới thì không ai muốn cải cách vì điều này dính dáng tới quyền lợi.
“Nếu các cơ quan thực sự làm tốt công khai tốt, chắc chắn chi phí sẽ giảm, chi phí này là cả thời gian và tiền bạc và cả tình trạng lót tay, bao thư” Bộ trưởng lên tiếng./.