Thứ trưởng Bộ Tài chính: "Thuế tài nguyên không đưa vào cân đối ngân sách"
“Tất cả khoản thu thuế và phí từ tài nguyên khoáng sản không được đưa vào cân đối ngân sách, mà phải hình thành quỹ đầu tư quốc gia. Ngân sách chỉ được hưởng lợi nhuận sinh ra từ quỹ này. Biến tài nguyên quốc gia từ lòng đất trở thành quỹ tiền tệ cho các đời sau”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nói.
Đại diện các đơn vị tham gia tổ chức chụp ảnh lưu niệm tại Diễn đàn
Sáng 20.9, Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2018 với chủ đề “Tái cấu trúc nền tài chính quốc gia hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững của Việt Nam” đã được Bộ Tài chính tổ chức dưới sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ - USAID.
Cái giá phải trả cho “phép lạ” tăng trưởng kinh tế
Chia sẻ câu chuyện tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 5 năm qua, TS. Vũ Đình Ánh, cho biết trong giai đoạn này, Việt Nam đã chú trọng hơn vào việc phát triển nhanh nhưng vẫn bảo đảm sự bền vững.
TS. Vũ Đình Ánh (Ảnh: I.T)
Đồng thời, việc lựa chọn cách thức và mục tiêu phát triển của Việt Nam đang đi đúng hướng, phù hợp với xu thế chung trên thế giới hiện nay.
"Tăng trưởng bao nhiêu là nhanh? Rõ ràng trong bối cảnh, điều kiện của Việt Nam hiện nay, đứng giữa những biến động quốc tế thì việc lựa chọn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế xoay quanh 7% sẽ bảo đảm nhiều yếu tố cho kinh tế Việt Nam.
Thứ nhất, vẫn duy trì vị trí của Việt Nam trong nhóm dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, kinh nghiệm thực tế của Việt Nam trong giai đoạn chúng ta đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế lên từ 8 - 9%, thậm chí đỉnh cao là năm 1995 đẩy tốc độ tăng trưởng lên tới 9,5% thì cái giá phải trả cho tăng trưởng cao dường như chúng tôi đã nhận ra. Tăng trưởng nhanh là hoàn toàn cần thiết, nhưng nhanh ở tốc độ nào thì trong vòng 5 - 10 năm tới chưa thể biết được.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang đến cho Việt Nam cơ hội, tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giúp Việt Nam xác định tốc độ tăng trưởng nhanh là bao nhiêu? Con số này hoàn toàn có thể là trên 7% nhưng cần bước đi cụ thể hơn” TS. Vũ Đình Ánh nói.
Tiếp tục đề cập tới phát triển kinh tế bền vững, TS. Vũ Đình Ánh cho biết: “Sự tăng trưởng trồi sụt năm cao năm thấp, có năm chúng tôi phải hy sinh nhiều nguồn lực chỉ để đẩy tăng trưởng lên từ 5 - 6,5% thì giá phải trả quá lớn. Tất nhiên, Việt Nam chưa gặp phải như Trung Quốc là tăng trưởng quá nóng phải kìm hãm tăng trưởng.
Đặc biệt, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cho thấy sự tăng trưởng bền vững của kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào nội lực, sự chủ động của Việt Nam trong vấn đề tăng trưởng kinh tế dù độ mở của nền kinh tế Việt Nam rất lớn”
Theo TS. Vũ Đình Ánh, rút kinh nghiệm từ thực tiễn, khi lựa chọn phát triển bền vững, một yếu tố quan trọng là không hy sinh môi trường cho tăng trưởng kinh tế.
Công nghệ càng phát triển, phân hóa giàu nghèo càng lớn
Tiếp tục câu chuyện của mình với vấn đề về tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tới Việt Nam, TS. Vũ Đình Ánh đặt vấn đề: “Công nghệ càng phát triển, càng được áp dụng nhiều trong nền kinh tế, sự phân hóa giàu nghèo càng lớn”.
Ông Ánh cho rằng, khi đưa các công nghệ hiện đại, thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 áp dụng vào nền kinh tế, Việt Nam sẽ phải đánh giá công nghệ sẽ tác động như thế nào tới xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội?
Ngoài ra, TS. Vũ Đình Ánh cũng bày tỏ lo ngại khi hoạt động tái cấu trúc tài chính quốc gia chưa song hành cùng tài cấu trúc nền kinh tế.
“Tôi cảm giác hoạt động tái cấu trúc tài chính quốc gia chủ yếu xuất phát từ nhu cầu tự thân của nó. Ngành tài chính, nền tài chính gặp vấn đề gì sẽ tổ chức cơ cấu, tái cấu trúc lại để hoạt động tốt hơn. Chưa thể hiện sự gắn kết giữa tài chính và kinh tế.
Đơn cử như mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững trùng với mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động tái cấu trúc tài chính Nhà nước, doanh nghiệp, dân cư sẽ như thế nào để phục vụ mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững dường như chưa rõ ràng. Chúng ta vẫn loay hoay, tập trung vào tài chính Nhà nước, ngân sách Nhà nước nhiều hơn là vấn đề tài chính quốc gia sẽ tác động thế nào tới tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam”, ông Ánh nói.
Lập quỹ thu từ tài nguyên, khoáng sản cho phát triển kinh tế
Đưa ra tiêu chuẩn ngân sách của các nước OECD tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết: “Tất cả khoản thu thuế và phí từ tài nguyên khoáng sản không được đưa vào cân đối ngân sách, mà phải hình thành quỹ đầu tư quốc gia. Ngân sách chỉ được hưởng lợi nhuận sinh ra từ quỹ này. Biến tài nguyên quốc gia từ lòng đất trở thành quỹ tiền tệ cho các đời sau”.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn
Qua lời kể của Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, trong dự thảo Luật Ngân sách năm 2005 (sửa đổi) từng đưa ra nguyên tắc, các khoản thu từ tài sản, khoáng sản không được chi. Tuy nhiên, nội dung nêu trên chỉ được tiếp thu một phần, đó là tiền thu từ đất chỉ được đầu tư cho hạ tầng.
Nội dung về quản lý ngân sách với hai phương án, phương án 1: nguồn thu từ khoáng sản được đưa vào quỹ quốc gia về đầu tư, rồi tái đầu tư cho nền kinh tế; phương án 2: không cân đối chi thường xuyên, chỉ cân đối đầu tư. Song hai phương án nêu trên không được chấp nhận do tỷ trọng đóng góp từ tài nguyên, khoáng sản chiếm tỷ trọng 23 - 25% ngân sách.
Theo ông Tuấn, những phương án kể trên cần đưa vào khuôn khổ pháp luật nhằm giảm chi thường xuyên. Đây là một bài học với chúng ta.
“Tư duy về phát triển bền vững của thế giới coi con người là trung tâm, phát triển vì tất cả mọi ngươi. Từ đây, sinh ra khái niệm tăng trưởng bao trùm, phát triển toàn diện. Nhưng các quốc gia đi sau như Việt Nam luôn có nhu cầu tăng trưởng kinh tế nhanh nhằm chống nguy cơ tụt hậu, đuổi kịp các nước đi trước. Nhưng vấn đề khoa học đặt ra: Tốc độ tăng trưởng bao nhiêu là nhanh? So với các nước xung quanh, Việt Nam tăng trưởng trên 6%/năm nhanh chưa? Các nước trên thế giới hàng năm đều tăng trưởng từ 0% tới trên 10%, tôi xếp các nước tăng trưởng trên 7% là mức nhanh. Ở dưới là trung bình và thấp. Song giữa mức tăng trưởng 1% của các nước phát triển như Mỹ và 10% của các nước như Việt Nam thì Việt Nam thua vì nền tảng và quy mô nền kinh tế đều thấp hơn các nước phát triển nhiều", Ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). |
Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đã được duyệt cổ phần hóa nhưng đang nợ thuế, đồng thời lỗ lũy kế giống như con gái...