Thu thuế tài sản để phục vụ phòng chống tham nhũng
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, việc thu thuế tài sản nhằm đảm bảo tính công khai minh bạch tài sản, phục vụ cho công tác phòng chống tham nhũng, còn mục tiêu tăng ngân sách chỉ là thứ yếu.
Sáng 26/5, phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội tại diễn đàn Quốc hội, một trong những vấn đề được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu là việc thu thuế cũng như chủ trương đánh thuế tài sản, được dư luận quan tâm trong thời gian qua.
Theo ông Đinh Tiến Dũng, việc thu thuế tài sản nhằm đảm bảo tính công khai minh bạch tài sản, phục vụ cho công tác phòng chống tham nhũng, còn mục tiêu về tăng ngân sách chỉ là thứ yếu.
Qua phương án nghiên cứu ban đầu trình và trước nhiều ý kiến phản ánh trong thời gian qua, Bộ trưởng cho biết, sẽ nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới.
Đề cập đến lĩnh vực thuế, ông Dũng đưa ra giải pháp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật với người nộp thuế, tăng cường vận động cơ quan thanh tra, kiểm toán, xử lý nghiêm sai phạm.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng
Bộ trưởng Dũng thông tin, năm 2016, cơ quan kiểm toán đã kiểm toán, kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước 19 nghìn tỷ đồng, trong đó tăng thu các khoản thuế phí, lệ phí khoảng 3,6 nghìn tỷ đồng. Năm 2017, ngành tài chính đã thanh tra, kiểm tra kiến nghị xử lý tài chính trên 55 nghìn tỷ đồng.
Trong đó thanh tra kiểm tra ngành thuế 18 nghìn tỷ đồng. Trước những kết quả đạt được trong thời gian qua, Bộ trưởng Dũng khẳng định, tình trạng nợ đọng thuế đã giảm, từ 81 nghìn tỷ đồng năm 2016 xuống còn 73 nghìn tỷ đồng năm 2017.
Theo ông Dũng, số nợ thuế không có khả năng thu hồi đến hết 2017 khoảng 31 nghìn tỷ đồng, tăng so với 2016. Đây là khoản nợ thuế với những người chết, mất tích, doanh nghiệp giải thể, phá sản không còn khả năng để thu hồi.
Bộ trưởng Tài chính cho biết, đang tích cực rà soát, hoàn thiện để trình Quốc hội xóa nợ thuế không có khả năng thu hồi, đảm bảo đúng tính chất số nợ thuế.
Tranh luận với Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng về việc này, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đề nghị xem xét đến việc xóa nợ thuế cho người chết, vì theo ông Nhưỡng, không phải người chết là hết nghĩa vụ nộp thuế.
Đình chỉ những cán bộ hành dân
Trước đó, phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội ngày 26/5, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) tán thành việc Chính phủ đề ra phương châm 10 chữ “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, trong đó theo ông Nhưỡng, “kỷ cương” phải được đặt lên hàng đầu. Theo ông, điều này hoàn toàn phù hợp vì hành pháp là nhánh quyền lực rất mạnh, đa hệ, đa năng. Nếu không có kỷ cương kỷ luật chặt chẽ trong điều hành thì sẽ rơi vào tình trạng “sai một ly, đi một dặm”.
ĐB Nhưỡng cũng cho rằng, việc một thời gian dài đi sâu, đi sát cơ sở, Thủ tướng đã đem đến sự động viên rất lớn đối với nông dân, công nhân, các nhà khoa học và mọi tầng lớp trên cả nước. Ông đề nghị Thủ tướng tiếp tục quan tâm hơn đến công tác chỉ đạo, rà soát, thực hiện các kết luận, ý kiến chỉ đạo đối với bộ, ngành, địa phương.
Ông Nhưỡng cho rằng, những chính sách, chỉ đạo của Thủ tướng phải được thực hiện đến từng người đứng đầu bộ, ngành, địa phương thì mới có thể truy được trách nhiệm nếu cán bộ, lãnh đạo không hoàn thành nhiệm vụ, mới hạn chế được tình trạng “trên nóng, dưới nóng, giữa lạnh” như hiện nay.
Ủng hộ cao việc Thủ tướng sử dụng thẩm quyền được nhân dân và Quốc hội trao để kiên quyết xử lý các cán bộ có thẩm quyền, ĐB đoàn Bến Tre nhấn mạnh: “Có thể đình chỉ những cán bộ hành dân, hành doanh nghiệp, thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, tham nhũng lãng phí nhất là trong thu chi ngân sách nhà nước, bằng giả, thăng tiến thần tốc, nâng đỡ không trong sáng, các dự án nghìn tỷ đắp chiếu… Nhân dân rất mong chờ sớm có sự chuyển biến trong vấn đề này”.