Thu thêm tiền đóng BHXH, người lao động lợi hay thiệt?
Tiền thưởng, phụ cấp xăng xe, tiền ăn trưa, trợ cấp tai nạn... sẽ không được tính vào tiền đóng bảo hiểm xã hội (BHXH).
Bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ, TB&XH).
Luật BHXH sửa đổi sẽ có hiệu lực từ 1/1/2016. Điểm thay đổi được dư luận quan tâm chính là mức đóng BHXH sẽ được căn cứ theo mức lương cơ bản cộng thêmphụ cấp và các khoản bổ sung khác. Xung quanh vấn đề này, PV Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ, TB&XH).
Nhiều khoản phụ cấp không đưa vào nền đóng BHXH
Xin bà cho biết, Luật BHXH sửa đổi có những điểm gì mới mà người lao động (NLĐ) và doanh nghiệp (DN) cần quan tâm?
Với các mục tiêu: mở rộng đối tượng tham gia, thực hiện bình đẳng lao động giữa các thành phần kinh tế; nâng cao đời sống của đối tượng hưởng; đảm bảo cân đối thu chi trong dài hạn của quỹ hưu trí và tử tuất; tăng cường tính minh bạch, thuận tiện và hiệu quả trong tổ chức thực hiện..., Luật BHXH sửa đổi bổ sung thêm nhiều điểm mới ưu việt hơn. Cụ thể, NLĐ được quyền hưởng BHYT trong thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản, khi sinh con hoặc nhận con nuôi và nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau; được bảo lưu thời gian đóng BHXH; mức hưởng trợ cấp thai sản, hưu trí, tử tuất cũng tăng lên... Đáng chú ý, Luật lần này đã tính đến quan hệ đóng - hưởng để cải thiện một bước tình hình tài chính quỹ hưu trí, tử tuất. Việc sửa đổi điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên theo hướng: Tăng dần mỗi năm từ tháng 1/2016 đến khi nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi trở lên (hiện nay là 50 và 45); đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì tuổi nghỉ hưu là nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi… đã tạo được công bằng giữa trách nhiệm đóng và quyền lợi thụ hưởng.
Dư luận quan tâm nhất, việc tăng mức đóng BHXH, quyền lợi của NLĐ có bị ảnh hưởng?
Hiện tại, mức tiền lương đóng BHXH thấp so với lương thực lĩnh, khiến cuộc sống của đối tượng hưởng gặp khó khăn không chỉ lúc về hưu mà ngay cả những lúc thai sản, ốm đau... Luật mới quy định tỷ lệ đóng BHXH vẫn được giữ nguyên, nhưng nền tiền lương đóng BHXH có thay đổi. Theo đó, từ ngày 1/1/2016 tiền lương tháng đóng BHXH bao gồm mức lương cộng thêm phụ cấp lương. Từ 1/1/2018 trở đi, nền đóng BHXH sẽ là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Cụ thể, các mức phụ cấp lương dùng tính đóng BHXH năm 2016-2017 gồm: Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt; mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ. Từ năm 2018, ngoài những khoản trên, tiền lương tính BHXH sẽ được cộng thêm những khoản bổ sung gồm: Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
Tuy nhiên, cần lưu ý, Luật không đưa toàn bộ thu nhập của NLĐ để tính tiền đóng BHXH. Những khoản phụ cấp lương gắn với quá trình và kết quả, năng suất làm việc của NLĐ sẽ không đưa vào nền đóng BHXH do chúng biến đổi và khó xác định. Ngoài ra, đối với các chế độ và phúc lợi khác như tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi NLĐ có thân nhân bị chết, có người thân kết hôn, sinh nhật, trợ cấp khi gặp hoàn cảnh khó khăn như tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp... cũng không được tính vào tiền đóng BHXH.
Sẽ điều chỉnh chính sách đóng BHXH nếu thấy không phù hợp
Có ý kiến lo ngại, với quy định tăng mức đóng BHXH, không chỉ ảnh hưởng tới NLĐ thu nhập thấp mà còn khiến DN khó khăn, giảm sức cạnh tranh. Điều này cũng có nghĩa cả NLĐ và DN đều không được hưởng lợi? Lo ngại này có cơ sở không, thưa bà?
Lo lắng trên cũng có cơ sở khi thời gian qua các quy định hướng dẫn cũng chưa rõ ràng, hy vọng sắp tới thông tư hướng dẫn về cách tính đóng BHXH từ năm 2016 sẽ xóa đi nỗi lo này. Tôi cũng xin khẳng định, mục đích cuối cùng của việc nâng mức nền đóng BHXH chính là giúp nâng cao đời sống của người hưởng BHXH. Đằng sau chính sách này cũng thể hiện thông điệp của Nhà nước đảm bảo quyền lợi của NLĐ khi đang tham gia BHXH cũng như khi đã về già. NLĐ cần phải lo cho tương lai chứ không chỉ cuộc sống hiện tại.
Về phần chủ sử dụng lao động, trước khi xây dựng chính sách mới, Nhà nước cũng đã cân nhắc tình hình “sức khỏe” của DN, đưa ra những lộ trình phù hợp để họ không “quá sức”.
Sau khi Luật được đưa vào thực tiễn, chúng tôi sẽ đánh giá, nếu cần sẽ điều chỉnh chính sách phù hợp đảm bảo khả năng đóng của NLĐ lẫn chủ sử dụng lao động.
Trước tình trạng quản lý mập mờ quỹ BHXH, mang tiền đóng BHXH cho vay không thu lại được... dư luận cũng đặt câu hỏi, phải chăng việc nâng mức đóng BHXH để bổ sung vào quỹ BHXH đang bị thiếu hụt, có nguy cơ vỡ?
Nhiều thông tin nói quỹ BHXH sẽ bị vỡ là không đúng. Quỹ BHXH được Nhà nước đứng ra bảo đảm nên sẽ không bao giờ để tình trạng đó xảy ra.
Ngoài ra, Bộ luật Hình sự mới cũng quy định tội danh trốn đóng BHXH, chiếm dụng tiền đóng BHXH sẽ phải truy cứu trách nhiệm. Điều này sẽ hạn chế tình trạng lạm dụng quỹ BHXH.
Bà đánh giá như thế nào về việc thực thi khi Luật BHXH sửa đổi chính thức có hiệu lực?
Dù mang lại nhiều nội dung mới có lợi cho người tham gia đóng BHXH, song tôi tin rằng trong thời gian đầu, khi chuyển sang cơ chế đóng phức tạp hơn, dư luận sẽ cảm thấy nhiều điều chưa thật sự như mong đợi. Với mức đóng 32,5% (trong đó DN đóng 22%, NLĐ đóng 10,5% - gồm cả BHYT, BHTN) nên sẽ chịu sự tác động không quá nhiều. Song đối với DN, thời gian đầu sẽ gặp khó khăn, đòi hỏi nhiều sự nỗ lực hơn so với hiện hành.
Thực tiễn đang chứng minh, xã hội càng văn minh sẽ càng chú trọng vào BHXH, đảm bảo mức an sinh xã hội cho người dân ngày càng tốt hơn.
Cảm ơn bà!
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP May Hưng Yên:Người lao động chịu thiệt Tổng công ty may Hưng Yên có 14.000 lao động, mức nền tiền lương đóng BHXH hiện khoảng 3,8 triệu đồng/người, tương đương số tiền đóng bảo hiểm khoảng 180 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, nếu quy định mức đóng theo lương và phụ cấp (hơn 7 triệu đồng/người) thì mỗi năm, số tiền đóng BHXH sẽ tăng lên khoảng 230 tỷ đồng. Với lượng tăng đầu vào như vậy, những đơn vị đang làm ăn có lãi sẽ lãi ít đi, đơn vị nào lỗ lại càng lỗ hơn. Tuy nhiên để đảm bảo lợi ích của mình, DN không thể chấp nhận lỗ nên họ bắt buộc giảm thu nhập của NLĐ. Cuối cùng chỉ có NLĐ chịu thiệt! Hoàng Ngân |