Thu nhập của người Việt Nam đi sau Hàn Quốc gần 35 năm

GDP bình quân đầu người Việt Nam đi sau Hàn Quốc khoảng 30-35 năm, sau Malaysia khoảng 25 năm, Thái Lan 20 năm, sau Indonesia và Philippines từ 5-7 năm.

Đó là thông tin được ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đưa ra tại Hội thảo khoa học “Cải cách thể chế kinh tế Việt Nam để hội nhập và phát triển giai đoạn 2015- 2035” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.

Thu nhập của người Việt Nam đi sau Hàn Quốc gần 35 năm - 1

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì hội thảo. 

Nói về thực trạng phát triển kinh tế- xã hội và nguy cơ tụt hậu của Việt Nam so với các nước trong khu vực,  ông Lâm cho biết, mặc dù nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Tốc độ tăng GDP bình quân thời kỳ 1990- 2014 đạt 6,9%/năm nhưng đang tăng chậm lại.

Quy mô kinh tế Việt Nam không ngừng được mở rộng nhưng vẫn còn nhỏ so với các nước trong khu vực. Ví dụ, Việt Nam năm 2014 là 186,2 tỷ USD, ở Indonesia  là 888,5 tỷ USD, Singapore là 307,9 tỷ USD…

Đáng nói, từ năm 2008, Việt nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình nhưng khoảng cách về GDP bình quân đầu người so với các nước trong khu vực còn lớn và có nguy cơ bị nới rộng.

Cụ thể, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2014 đạt 2052 USD, gấp 21 lần năm 1990 nhưng chỉ tương đương mức GDP bình quân của Malaysia năm 1998, của Thái Lan năm 1993, Indonesia năm 2008, Philippines năm 2010 và Hàn Quốc năm 1982.

Như vậy, GDP bình quân đầu người năm 2014 của Việt Nam bằng 3/5 của Indonesia, bằng 2/5 của Thái Lan, 1/5 của Malaysia; 1/14 của Hàn Quốc và bằng 1/27 mức GDP của Singapore.

GDP bình quân đầu người Việt Nam đi sau Hàn Quốc khoảng 30-35 năm, sau Malaysia khoảng 25 năm, Thái Lan 20 năm, sau Indonesia và Philippines sau 5-7 năm.

Tỷ lệ tiết kiệm so với GDP luôn thấp hơn tỷ lệ đầu tư so với  GDP và đang có xu hướng giảm dần. Tình trạng bội chi ngân sách và nợ công đang có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây: tỷ lệ nợ Chính phủ so với GDP xếp thứ 9 trong khu vực ASEAN (năm 2001) tăng lên thứ 5 vào năm 2013.

Thị trường tài chính Việt Nam phát triển tương đối thấp và còn nhiều bất ổn so với một số nước trong khu vực: giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu của Việt Nam năm 2012 là 32,9 tỷ USD (Malaysia là 476,3 tỷ USD, Singapore là 414,1 tỷ USD, Indonesia 396,8 tỷ USD, Thái Lan 383 tỷ USD, Philippines là 264,1 tỷ USD).

Năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua đã cải thiện đáng kể, khoảng cách tương đối về năng suất lao động với các nước ASEAN được thu hẹp dần nhưng khoảng cách tuyệt đối (chênh lệch giữa năng suất lao động của Việt Nam với Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia) lại tăng.

Xếp hạng về môi trường kinh doanh năm 2015: Việt Nam hiện ở vị trí thứ 78/189 quốc gia và vùng lãnh thổ về môi trường kinh doanh. So với các nước ASEAN, Việt Nam đứng sau Singapore (vị trí số 1), Malaysia (số 18) và Thái Lan (số 26).

Tỷ lệ ứng dụng Khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống còn hạn chế. Trong giai đoạn 2000- 2012, Hệ số đổi mới của Việt Nam không có thay đổi về thứ hạng trong 18 nước Châu Á. Việt Nam vẫn đứng thứ 15/18 nước.

Chỉ số kinh tế tri thức năm 2012 của Việt Nam đạt 3,40 điểm, xếp thức 103, cao hơn Indonesia (107), Lào (130), Campuchia (131) nhưng thấp xa so với Singapore (23), Malaysia (48), Thái Lan (66), Philippines (92) và Hàn Quốc (29).

Về lao động việc làm: Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào nhưng tập trung chủ yếu ở khu vực sản xuất nông nghiệp, chiếm 46,3%, tương đương với tỷ lệ của Thái Lan (năm 1995), Philipin và Indonesia (đầu thập kỷ 90); gấp 2,4 lần Malaysia và 4 lần Hàn Quốc (năm 1995). 

Lao động Việt Nam chủ yếu làm các công tác gia đình hoặc tự làm. Chất lượng nguồn nhân lực thấp, cơ cấu đào tạo thiếu hợp lý, hiệu quả sử dụng lao động qua đào tạo chưa cao. Năm 2014 chỉ 18,2%.

Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương đánh giá: “Chúng ta tự hào về tăng trưởng bình quân Việt Nam đạt 7% nhưng từ 2008 trở lại nay chỉ còn hơn 5%. Nguy cơ tụt hậu của Việt Nam rất lớn nếu không thay đổi. Nếu tốc độ tăng trưởng chỉ tăng 5% thì đến năm 2035 mới bằng 75% của Thái Lan hiện nay”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thùy ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN