Thông tư 16: Đưa sự việc lên Thủ tướng Chính phủ

Bộ Xây dựng khăng khăng cho rằng việc ban hành Thông tư 16 là đúng luật thì vụ việc sẽ được báo cáo đến Thủ tướng Chính phủ giải quyết.

Ngồi trong căn hộ 1609A mua năm 2010 với giá 9,2 tỉ đồng, ông Trần Xuân Trạch,  cư dân tòa nhà Keangnam (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm,

TP Hà Nội), cho biết trên hợp đồng mua bán, căn hộ của ông có diện tích 160 m2 nhưng qua đo đạc thì diện tích sử dụng chỉ còn 138,2 m2. Vì đây là căn hộ đầu hồi của tòa nhà nên dính tới 6 cái cột chịu lực, hộp kỹ thuật, thiệt hại ước chừng 1,4 tỉ đồng.

Đóng phí dịch vụ trọn đời cho cột!

Theo ông Trạch, 2 tòa tháp 48 tầng của chung cư Keangnam có khoảng 922 căn hộ, được thiết kế giống nhau. Các căn hộ từ tầng 5 tới tầng 47 có diện tích mua bán bằng nhau nhưng hộ ở tầng dưới luôn có diện tích sử dụng nhỏ hơn do cột của tòa nhà to hơn.

“Trong hợp đồng, họ có ghi tính diện tích theo tim tường nhưng khi ấy làm gì có người dân nào biết tính như thế là trái luật. Chúng tôi đăng ký mua căn hộ, rồi đóng tiền làm 4 đợt nhưng 3 đợt đóng đầu tiên không hề biết gì về bản vẽ của căn hộ, chỉ được xem nhà mẫu ở khu trưng bày. Đến khi đóng tiền đợt 4 và ký hợp đồng thì mới biết hình hài của căn hộ mình mua. Trong đó, họ ghi chú rõ chỗ nào là phòng ăn, phòng ngủ, phòng khách… chứ không ghi đâu là hộp kỹ thuật, cột kèo gì. Sau đó, chúng tôi mới biết mình bị lừa” - ông Trạch bức xúc.

Thông tư 16: Đưa sự việc lên Thủ tướng Chính phủ - 1

Căn hộ của ông Trần Xuân Trạch thiếu hơn 21 m2 do dính tới 6 cái cột, hộp kỹ thuật. Ảnh: Đỗ Du

Thiệt hại nặng nhất là trường hợp của bà Đ.N.T. Bà T. mua 3 căn hộ liền kề và sau đó thiết kế thông nhau. Khi dọn về sinh sống và thuê công ty đo đạc, gia đình bà T. mới phát hiện đã thiếu tới 70 m2, tương đương số tiền 4,2 tỉ đồng. Nếu tính cả phí vệ sinh, bảo vệ tòa nhà là 18.000 đồng/m2 thì số tiền hằng tháng người dân phải nộp cho các phần diện tích cột, hộp kỹ thuật cho chủ đầu tư cũng rất lớn.

Trong khi đó, rất đông người dân đang sinh sống tại 6 tòa nhà ở khu chung cư Đại Thanh (khoảng 4.000 căn hộ, thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã liên tục khiếu nại chủ đầu tư là Xí nghiệp Xây dựng số 1 Lai Châu do cách tính diện tích căn hộ theo tim tường và phủ bì tường (rộng hơn cả cách tính của Thông tư 16 và chưa có trong các quy định của pháp luật về xây dựng - PV). “Tôi mua căn hộ 48 m2 nhưng khi thuê công ty đo đạc xác định lại, nếu theo phương pháp thông thủy thì thiếu 9 m2, còn tính theo tim tường thiếu 4 m2 vì trong nhà vướng 3 cái cột” - một người dân cho biết.

Thông tư 16 là bùa hộ mệnh

Bà Trịnh Thúy Mai, thành viên Ban Quản trị tòa nhà Keangnam, cho biết sau khi phát hiện những bất hợp lý trong cách tính diện tích căn hộ của chủ đầu tư, người dân đã khiếu nại nhiều lần yêu cầu hoàn trả lại tiền nhưng bị từ chối. “Bộ Xây dựng phải có trách nhiệm với quyết định của mình nếu không chúng tôi sẽ kiện đến cùng” - bà Mai quả quyết.

Theo bà Mai, khi người dân kiện chủ đầu tư tòa nhà Keangnam ra tòa và đại diện Keangnam đã đồng ý thuê công ty độc lập đo lại diện tích nhà. Theo đó, kết quả đo đạc ở 10 căn hộ đã cho kết quả thiếu diện tích so với hợp đồng lên tới 182,72 m2. “Khi ra tòa thì chủ đầu tư luôn lấy Thông tư 16 và Công văn số 124/QLN làm “bùa hộ mệnh”. Vì thế đến giờ việc kiện tụng vẫn đang nhùng nhằng” - bà Mai nói.

TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), cho biết sau phiên giải trình, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội sẽ giao Bộ Xây dựng rà soát lại Thông tư 16 và đưa ra cách xử lý theo hướng bảo đảm quyền lợi cho người dân. Nếu bộ này tiếp tục cho rằng đã ban hành Thông tư 16 đúng luật, “phủi” trách nhiệm thì vụ việc sẽ được đưa ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó đề xuất hướng xử lý cụ thể.

Trả lời Báo Người Lao Động ngày 27-2, ông Đỗ Đức Duy, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Xây dựng, khẳng định quan điểm trước sau như một của bộ này vẫn như văn bản đã được báo cáo giải trình tại Ủy ban Pháp luật của Quốc hội do Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam trình bày. Theo đó, Bộ Xây dựng không thừa nhận việc ban hành Thông tư 16 là trái luật.

Quy định nước đôi

PGS-TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho rằng ở cương vị quản lý nhà nước, Bộ Xây dựng không thể ban hành quy định kiểu nước đôi, đưa ra 2 cách tính diện tích căn hộ để doanh nghiệp lựa chọn. Trước những phản ánh về thiệt hại rất lớn của người dân khi mua phải căn hộ chung cư thiếu nhiều diện tích, Bộ Xây dựng phải đứng ra giải quyết và chịu một phần trách nhiệm. “Phải làm sao để chủ đầu tư và người dân ngồi lại với nhau thỏa thuận về chuyện này. Nếu chủ đầu tư đã thu hết tiền rồi thì buộc họ trả lại một nửa cho người dân” - ông Liêm nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thế Kha (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN