Thống đốc than cán bộ từ chối tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng ngày 26-10 cho biết được giao nhiệm vụ tái cơ cấu ở ngân hàng yếu kém, cán bộ đã tìm cách từ chối, nếu bị điều sang thì xin thôi nhiệm vụ, chuyển đi nơi khác.

Giải trình trước Quốc hội (QH) sáng 26-10 về những băn khoăn của các đại biểu (ĐB) Quốc hội đối với nội dung tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết việc QH xem xét Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ là cơ sở pháp lý cơ bản, cấp thiết để xử lý những tồn tại, hạn chế hệ thống ngân hàng hiện nay. 

Thống đốc than cán bộ từ chối tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém - 1

Thống đốc Lê Minh Hưng than khó tìm người tài, đức để tái cơ cấu ngân hàng

Bởi theo ông Hưng, trong thực tế triển khai tái cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém, việc thiếu quy định cụ thể đã ảnh hưởng tới tâm lý cán bộ thực hiện. Cán bộ được phân công tham gia tái cơ cấu không phải là công chức Nhà nước nên họ từ chối khi được phân công. Còn nếu bị điều sang rồi thì xin thôi nhiệm vụ, chuyển đi nơi khác. 

"Vì thế rất khó trưng tập được cán bộ có đủ đạo đức, đủ năng lực để thực hiện tái cơ cấu ngân hàng yếu kém. Đây là bất cập rất lớn, nếu chờ sửa đổi luật hình sự, luật cán bộ công chức thì không kịp thời. Vì thế mong QH xem xét, cân nhắc bổ sung điều này tại dự thảo luật"- Thống đốc Lê Minh Hưng nói.

ĐB Nguyễn Văn Thắng, chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) chia sẻ VietinBank hiện có rất đông cán bộ tham gia tái cơ cấu 2 ngân hàng 0 đồng là OceanBank và GPBank. 

Tình cảnh của họ là hết sức vất vả, khó khăn, lương thấp, chế độ đãi ngộ không có trong khi phải thực hiện công việc rất nặng nề, nhiều công việc luật chưa quy định rõ ràng, ranh giới giữa trách nhiệm và chịu trách nhiệm rất mong manh. "Họ rất cần QH, Chính phủ hỗ trợ giải quyết quyền lợi trong trường hợp đã cống hiến hết mình, công tâm, trung thực trong công việc"- ĐB Nguyễn Văn Thắng nói và cho biết về vấn đề miễn trách đối với cán bộ tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, các nước trên thế giới đã có quy định ở pháp luật chuyên ngành. Còn ở Việt Nam nếu quy định quyền miễn trừ ở trong luật này là phù hợp, không chồng chéo luật hình sự và các luật khác.

Cùng quan điểm, ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho rằng xử lý hậu quả của các ngân hàng yếu kém rất phức tạp nên phải có cơ chế đặc biệt trong phân công con người đảm nhận nhiệm vụ này. Đang ăn nên làm ra, ăn ngon ngủ yên thì không ai xung phong xử lý ngân hàng yếu kém. Một số nước có quy định miễn trách nhiệm với cán bộ tham gia vào quá trình này, nhưng phải có điều kiện.

Cho rằng cần thiết phải bảo vệ về mặt pháp lý cho người nhận xử lý công việc khó khăn phức tạp, chưa có quy định cụ thể là cơ cấu TCTD yếu kém, ĐB Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) đánh giá dự thảo luật đã quy định khá chặt chẽ về trách nhiệm của người tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém và chỉ được miễn trách nhiệm nếu thực hiện đúng trách nhiệm của mình. Do đó không cần bổ sung nội dung này vào Bộ luật Hình sự. "Ngân hàng là ngành đặc biệt, nên việc kiểm soát hoạt động càng khó khăn hơn ngành khác, nếu không có cơ chế khuyến khích người tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn nhân lực tốt tham gia tái cơ cấu"- ĐB Bùi Thanh Tùng nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo T.Hà (Người lao động)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN