Thống đốc NHNN hé lộ DN gọi điện xin giữ tỷ giá

“Trong khi một số doanh nghiệp xin Ngân hàng Nhà nước phá giá ngoại tệ để có lợi cho họ, thì cũng có rất nhiều doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam như Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn, Vietnam Airlines, xăng dầu… gọi điện đến xin đừng điều chỉnh tỷ giá đến 31/12/2013, vì nếu không sẽ chuyển từ lãi thành lỗ hết”.

Định hướng điều hành tỷ giá trong năm 2014 sẽ linh hoạt nhưng không tạo áp lực lên lạm phát, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết khi báo cáo trước Chính phủ sáng 24/12.

Theo Thống đốc, trong năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động điều chỉnh với biên độ 1% và cho phép thị trường tự điều chỉnh 1% nữa. Tuy nhiên, trên thực tế, kể cả khi thị trường khó khăn nhất hay những lúc có tin đồn thất thiệt thì biên độ điều chỉnh vẫn dưới 1%.

Theo ông Bình, đến thời điểm này, tỷ giá đang về dưới mức Ngân hàng Nhà nước mua vào. 

“Chúng tôi mua vào 21.100 đồng/1 USD, thì tỷ giá liên ngân hàng hiện tại chỉ ở mức 21.095 đồng/1 USD. Điều này tạo điều kiện cho Ngân hàng mua thêm ngoại tệ, tăng thêm được dự trữ ngoại hối”.

“Trong khi một số doanh nghiệp xin Ngân hàng Nhà nước phá giá ngoại tệ để có lợi cho họ, thì cũng có rất nhiều doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam như Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn, Vietnam Airlines, xăng dầu… gọi điện đến xin đừng điều chỉnh tỷ giá đến 31/12/2013, vì nếu không sẽ chuyển từ lãi thành lỗ hết”, ông Bình nói.

Thống đốc NHNN hé lộ DN gọi điện xin giữ tỷ giá - 1

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình: NHNN đã chủ động điều chỉnh tỷ giá với biên độ 1%

Về định hướng điều hành tỷ giá trong năm 2014, Thống đốc Bình cho biết sẽ xem xét, tính toán để làm sao việc điều chỉnh tỷ giá hết sức linh hoạt, vừa đảm bảo cho xuất khẩu vừa đảm bảo ổn định, hoạt động chung cũng như không gây hiệu ứng là tăng lạm phát, nhưng chắc chắn không quá 2%.

Liên quan đến vấn đề tăng trưởng tín dụng và cấp vốn cho sản xuất kinh doanh, Thống đốc cho biết, đến thời điểm này tăng trưởng tín dụng đã là 9,5%, do đó từ nay đến cuối năm nhất định sẽ đạt trên 10%. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng tín dụng rất sát với tăng trưởng kinh tế.

Theo Thống đốc, tỷ trọng giữa tăng trưởng tín dụng với tăng trưởng kinh tế hiện ở tỷ lệ 1 – 2, tức là tăng trưởng kinh tế 1 thì tăng trưởng tín dụng 2. Đây là một tỷ lệ phù hợp vì nhiều năm trước đây, tăng trưởng kinh tế chỉ có 1 nhưng tăng trưởng tín dụng lên tới 4 – 6 lần, đã gây ra lạm phát cho nền kinh tế và không hiệu quả.

Cùng với kiểm soát tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước trong năm qua cũng đã ban hành nhiều quyết định cho phép các tổ chức tín dụng linh hoạt trong việc cơ cấu lại, giãn hoãn các khoản nợ, cắt giảm lãi suất… với con số cơ cấu lại nợ lên tới khoảng 330 nghìn tỷ đồng, chiếm trên 10% tổng dư nợ. Điều này đã góp phần giúp các doanh nghiệp có điều kiện để tiếp cận được vốn.

Cũng theo Thống đốc Bình, đến thời điểm này Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã mua được 32.000 tỷ đồng nợ, từ nay đến cuối 2013 sẽ đảm bảo con số cố 35.000 tỷ. Tuy nhiên, trên thực tế, cả doanh nghiệp và các ngân hàng vẫn đang rất khó khăn, nên trong năm 2014, Ngân hàng Nhà nước sẽ quyết liệt hơn với các giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Song Hà (Người đưa tin)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN