'Thổi giá' tài sản, NH tự hại mình

Giá trị tài sản thế chấp được “thổi” lên gấp vài lần thực tế khiến cả người vay và ngân hàng đều bị “sập bẫy” của mình. Khi phát mại tài sản, ngân hàng cũng không thể thu hồi đủ vốn cho vay ban đầu.

Khai khống, bơm vốn nhanh

Gần đây, khi điều tra mở rộng vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn xảy ra ở Cty cho thuê tài chính II (ALC II, thuộc Agribank), cơ quan điều tra phát hiện hành vi thổi giá tàu cũ từ 100 triệu đồng lên 130 tỷ đồng.

Trước đó, tháng 7-2007, Cty CP Cát Long Hải, do Vũ Quốc Hảo, nguyên Tổng giám đốc ALC II lập ra, được Cục Hải quan Hải Phòng bán thanh lý tàu lặn Tinro 2 với giá 100 triệu đồng.

Nhưng ông Hảo chỉ đạo lập khống hồ sơ và thông đồng với lãnh đạo Cty CP Giám định, thẩm định Việt Nam để chứng nhận thẩm định tàu Tinro 2 trị giá 130 tỷ đồng. Nhờ đó, ông Hảo rút khống hàng trăm tỷ đồng của ALC II để chi tiêu cá nhân, đầu tư đất.

Ngày 17-8-2012, sau hai lần chào bán rộng rãi, Trung tâm Bán đấu giá tài sản (Sở Tư pháp Hải Dương) mới bán được tàu Đông Phong (tàu biển chở hàng khô, trọng tải 1.917 tấn) đóng dở dang với giá 6,33 tỷ đồng.

Đây là tài sản thế chấp của Cty CP Đông Phong (trụ sở tại Kinh Môn, Hải Dương, do ông Tống Văn Cường làm giám đốc), bị ngân hàng phát mại để thu hồi khoản nợ xấu 25,9 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, đầu năm 2008, Cty Đông Phong được chi nhánh ngân hàng Navibank Hải Phòng tài trợ vốn để đóng mới tàu Đông Phong, thế chấp bằng chính con tàu.

Trước đó, do chi nhánh Vietinbank Hải Dương đã cho Cty Đông Phong vay tiền để đóng tàu (thế chấp bằng chính con tàu), nên Navibank Hải Phòng cho vay 15 tỷ đồng (tương đương 40% giá trị tàu) trong thời hạn 8 năm.

Trên giấy tờ, hai ngân hàng đã giải ngân tổng cộng 25,9 tỷ đồng. Trong đó, Vietinbank Hải Dương chi 11,2 tỷ đồng và Navibank Hải Phòng chi 14,7 tỷ đồng.

Thế nhưng, chi phí hoàn thành phần vỏ và máy tàu Đông Phong tại Cty Lilama 69-3 (Hải Dương) mới chỉ hết… 12 tỷ đồng. Theo một cán bộ của Lilama 69-3, con tàu này cần thêm khoảng 4-5 tỷ đồng nữa là hoàn thành, vận hành được.

Nhưng dù ngân hàng đã rót tiền vượt nhu cầu sử dụng tới 215%, cho đến giờ, tàu vẫn chưa hoạt động được vì thiếu van bơm, hệ thống điện, nội thất…

Hơn nữa, theo nguyên tắc chỉ cho vay tối đa 70% giá trị tài sản đảm bảo, hai ngân hàng này đã định giá tàu trên 37 tỷ đồng.

Với việc thổi giá và bơm vốn nhanh, hai ngân hàng đã không thể thu hồi đủ vốn khi bán tàu với giá sắt vụn. Ngân hàng còn mất trắng hơn 19,57 tỷ đồng phần hụt vốn.

Xử lý

Năm 2007, Phòng giao dịch số 4 của Navibank Hải Phòng là đơn vị trực tiếp nhận hồ sơ của Cty Đông Phong và không trình hồ sơ qua cấp chi nhánh phê duyệt.

Trưởng phòng giao dịch số 4 khi đó là ông Nguyễn Đức Mạnh, giờ là Phó giám đốc chi nhánh ngân hàng Kiên Long Hải Phòng.

Ông Mạnh nói: “Tất cả việc thẩm định cho vay tuân theo đúng quy trình của ngân hàng. Khoản vay 14,7 tỷ đồng của Cty Đông Phong là vượt thẩm quyền phê duyệt của chi nhánh, phải trình Hội sở Navibank”.

Theo ông, vì lúc đó chưa xác định được là Vietinbank Hải Dương đã cho vay tàu Đông Phong trước, nên rủi ro của ngân hàng là do lừa đảo, nếu Navibank xử lý sớm thì đỡ thiệt hại hơn.

Theo bà Phạm Thị Lan Hương, Giám đốc Navibank Hải Phòng, khoản nợ 14,7 tỷ đồng của Cty Đông Phong coi như là mất vốn, vì tài sản đảm bảo chỉ có con tàu Đông Phong.

Giám đốc công ty đã bỏ trốn nên công an Hải Dương bàn giao tàu cho hai ngân hàng để thanh lý trước. Cán bộ cho vay đã chuyển công tác, nên Hội sở Navibank sẽ xử lý phần hụt vốn bằng dự phòng rủi ro.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói: Ở Mỹ, ngân hàng có thể thổi giá tài sản nhưng không bị cho là hành động lừa đảo.

Tuy nhiên, nếu hành động đó làm thiệt hại tài sản quốc gia và tài sản của người cho vay thì bị khép vào vi phạm hình sự.

“Định giá tài sản cao hơn vừa giúp khách hàng vay được nhiều vốn, mà ngân hàng lại có thêm lợi nhuận. Nhưng nếu không tính đến khả năng trả nợ của người vay thì ngân hàng sẽ rơi vào chính cái bẫy của mình”, ông Hiếu nói.

TS Quang A, chuyên gia ngân hàng, nói: “Quy trình tín dụng của ngân hàng là tách bạch giữa các bộ phận: quan hệ khách hàng, đánh giá tài sản, thẩm định, xét duyệt cho vay… Nếu làm đúng quy trình thì cán bộ không thể làm bậy bạ. Trừ trường hợp lãnh đạo ngân hàng lạm dụng quyền lực, làm sai”.

“Việt Nam chưa có luật lệ về thẩm định giá tài sản. Ngân hàng Nhà nước có quy định về thẩm định giá nhưng chưa quy định quy tội hình sự cho hành vi thổi giá. Mà chỉ xử phạt hành chính thì người vay và ngân hàng dễ chấp nhận trả phí để vi phạm”. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Hằng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN