Thoái vốn tại DNNN: “Rất sốt ruột đấy nhưng không thể nóng vội!”

“Trong khi thị trường tài chính trong nước chưa phát triển thì bán vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) phải có trật tự, bán không cẩn thận gây mất vốn. Về cái này, chúng tôi rất sốt ruột đấy nhưng không thể nóng vội, phải đảm bảo nguyên tắc để đạt yêu cầu tái cơ cấu-cổ phần hóa DNNN”.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trả lời như vậy trước các đại biểu quốc hội về trách nhiệm của ngành tài chính đối với tình trạng chậm cổ phần hóa (CPH), tái cơ cấu DNNN trong phiên trả lời chất vấn sáng nay (17.11).

Bộ trưởng Tài chính cho biết, liên quan đến CPH, thoái vốn tái cơ cấu DNNN, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trong việc trình Chính phủ các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cải cách, CPH DNNN. Bộ cũng là cơ quan thúc đẩy lộ trình tái cơ cấu, CPH DNNN và báo cáo Chính phủ kết quả thực hiện theo định kỳ.

Thoái vốn tại DNNN: “Rất sốt ruột đấy nhưng không thể nóng vội!” - 1

Quy mô thoái vốn tại DNNN đạt thấp. Ảnh minh họa

Đối chiếu lại các nhiệm vụ nêu trên, ông Dũng cho biết, đến thời điểm nay, về mặt cơ chế chính sách Bộ đã cơ bản tháo gỡ những khó khăn vướng mắc liên quan đến tiến trình tái cơ cấu, thoái vốn, CPH DNNN.

Theo số liệu từ người đứng đầu ngành tài chính, kế hoạch CPH DNNN giai đoạn 2011-2013 là 538 DN thì đã thực hiện CPH được 106 DN. Giai đoạn 2014-2016 kế hoạch CPH 432 DN thì năm 2014 đã thực hiện CPH 143 DN. Năm 2015 này, tính đến 10.11.2015, CPH được 159 DN. Nếu tính cả giai đoạn 2011 đến 10.11.2015 thì đã CPH được 408 DN, đạt 76% kế hoạch cho cả giai đoạn. Ông Dũng dự báo, hết năm 2015 này số DNNN CPH sẽ đạt 210 DN, và cả giai đoạn 2011-2015 sẽ CPH được 459 DN, đạt 90% kế hoạch.

Về giá trị phần vốn CPH, người đứng đầu ngành tài chính cho biết, chúng ta đã bán phần vốn Nhà nước ở giai đoạn 2011-2015 là 27.000 tỷ đồng (tính chẵn số) và với 27.000 tỷ đồng này, tính ra chúng ta mới bán 2,1% vốn Nhà nước tại DNNN. Còn tính từ năm 2000 đến nay, chúng ta mới bán được khoảng 5% vốn Nhà nước tại DNNN. “Điều này có nghĩa chúng ta có nhiều DNNN nhưng quy mô bán vốn đạt thấp, chúng ta vẫn còn rất nhiều vốn Nhà nước tại DNNN” - ông Dũng nhìn nhận.

Và trong bối cảnh thị trường tài chính trong nước chưa phát triển, ông Dũng lưu ý, muốn bán vốn Nhà nước tại DNNN cũng phải bán có trật tự, vì bán không cẩn thận gây mất vốn Nhà nước. “Về cái này, chúng tôi rất sốt ruột đấy nhưng không thể nóng vội, phải đảm bảo nguyên tắc để đạt yêu cầu tái cơ cấu - CPH DNNN” - ông Dũng nói.

Giải pháp của Bộ Tài chính về vấn đề này tới đây là tiếp tục thực hiện chính sách để thúc đẩy CPH thoái vốn tại DNNN. Theo đó, Bộ này sẽ thực hiện phân loại DNNN. “Chúng ta sẽ xem xét những DNNN nào Nhà nước cần nắm giữ vốn và DNNN nào Nhà nước không cần nắm giữ vốn để tùy thị trường mà thoái dần vốn. Điều này rất cần thiết. Tiếp nữa là phân cấp, phân quyền trong việc sở hữu, đại diện quyền chủ sở hữu vốn Nhà nước tại DNNN CPH. Cần kiểm tra, giám sát chặt tất cả các hoạt động này mới có thể thúc đẩy được tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và CPH, tái cơ cấu DNNN nói riêng” - Bộ trưởng Tài chính khẳng định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN