Thoái vốn DN nhà nước: Những câu hỏi trước giờ G

Vốn Nhà nước sẽ được bán thế nào, đắt hay rẻ, có hay không lợi ích nhóm và làm sao để không làm mất đi những thương hiệu vốn là niềm tự hào của người Việt.

Thoái vốn DN nhà nước: Những câu hỏi trước giờ G - 1

Habeco được định giá khoảng 9.000 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân những năm gần đây 1.200-1.300 tỷ đồng. Ảnh: Như Ý.

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính lên kế hoạch thoái vốn (một phần hoặc toàn bộ) tại 10 doanh nghiệp nhà nước lớn (DNNN) có thương hiệu mạnh. Cùng lúc, các bộ ngành, địa phương đang ồ ạt lên kế hoạch thoái vốn trong doanh nghiệp. Vậy vốn Nhà nước sẽ được bán thế nào, đắt hay rẻ, có hay không lợi ích nhóm và làm sao để không làm mất đi những thương hiệu vốn là niềm tự hào của người Việt.

Kỳ 1: “Chính phủ không đi bán bia, bán sữa”

Trong các chỉ đạo mới đây, Thủ tướng yêu cầu phải thoái vốn nhà nước tại hàng loạt ông lớn, như Cty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Tổng Cty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng Cty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà nội (Habeco). “Chính phủ không đi bán bia, bán sữa, cái gì tư nhân làm tốt thì để cho họ làm”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tới tấp thông tin bán vốn

UBND thành phố Hà Nội vừa công bố kế hoạch thoái vốn Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 tại 96 doanh nghiệp (DN). Trong đó, số doanh nghiệp có vốn Nhà nước thuộc các tổng công ty, công ty mẹ - công ty con và các doanh nghiệp độc lập 100% vốn Nhà nước là 66. Số doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc UBND thành phố Hà Nội là 30 doanh nghiệp.

96 DN thuộc danh sách thoái vốn có vốn điều lệ khoảng 10.345 tỷ đồng, trong đó số vốn Nhà nước đang nắm giữ khoảng hơn 4.000 tỷ đồng. Điểm danh, có nhiều DN gắn với các thương hiệu “vang bóng một thời” như: Dệt Minh Khai, Công ty Thống Nhất Hà Nội, Dệt 19/5, Giầy Thượng Đình, Giày Thụy Khuê, Xích líp Đông Anh, Kim khí Thăng Long, Hanel... UBND thành phố Hà Nội dự định sẽ thoái toàn bộ vốn tại đây và đang yêu cầu các DN phải gấp rút triển khai nội dung chuẩn bị, trong đó điểm nhấn là tập trung liên quan đến đất đai, tài chính, công nợ, lao động, hồ sơ tài liệu…, đảm bảo để công tác thoái vốn Nhà nước được thuận lợi, hoàn thành sớm kế hoạch đề ra.

Với Habeco, Thủ tướng đã chỉ đạo thoái vốn nhà nước trong năm nay. Nhưng xem chừng, với 3 tháng cuối năm, Bộ Công Thương (chủ quản) và DN còn rất nhiều việc phải làm mới đạt mục tiêu này. Hiện Habeco được định giá khoảng 9.000 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân những năm gần đây 1.200-1.300 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 3.000-4.000 tỷ đồng. Ngoài ra, các nhà máy bia của Habeco ở các tỉnh như Thanh Hóa, Hải Dương… cũng đóng góp cho ngân sách địa phương vài trăm tỷ đồng mỗi năm. Hiện nhà nước nắm giữ gần 82% cổ phần tại Habeco (cổ đông chiến lược Carlsberg chiếm hơn 17%, cổ đông khác chưa tới 1%).

Thông tin được giới đầu tư và sàn chứng khoán trông đợi nhất phiên mở sàn thị trường ngày 26/9 chính là thương vụ bán vốn tại Vinamilk (mã CK: VNM). Trong một động thái bất ngờ cuối tuần qua, Tổng Công ty kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa phát đi thông tin công bố kế hoạch bán vốn tại Vinamilk.  Cụ thể, từ nay đến hết năm 2016, SCIC sẽ bán đi 9% cổ phần tại DN này, đưa tỷ lệ nắm giữ vốn nhà nước tại VNM từ 45% xuống còn 36%. Chia sẻ với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC cho biết, đang cố gắng đẩy nhanh các thủ tục. “Tôi nghĩ, nhà đầu tư cá nhân nếu có hàng tỉ USD cũng có thể tham gia đợt chào bán. Chúng tôi kỳ vọng sẽ bán được giá cao nhất có thể dựa trên hình thức thỏa thuận ngoài sàn. Giá sàn khởi điểm được xác định chắc chắn không thấp hơn giá thị trường tại thời điểm giao dịch, còn giá đạt được càng cao càng tốt. Ban điều hành Vinamilk sẽ phối hợp tham gia bán vốn này”, ông Chi nói. Theo ông Chi, với 9 DNNN còn lại, SCIC cũng chuẩn bị lên kế hoạch sớm và tiến hành trong năm 2017.

Lo đầu cơ rồi bán lại

Trước sự chỉ đạo phải “lên sàn” của Chính phủ, hiện Habeco đang nghiên cứu để đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán (sàn Upcom). Theo đánh giá của các chuyên gia, việc bán cổ phần nhà nước tại Habeco sẽ khó hơn Sabeco, do cổ đông nước ngoài tại Habeco nắm tỷ lệ cổ phiếu lớn hơn tại Sabeco (chỉ 5%). Về nhà đầu tư tiềm năng, hiện đối tác Carlsberg cũng muốn nâng tỷ lệ nắm giữ tại Habeco, ngoài ra một số đối tác tới từ Nhật Bản và các công ty thực phẩm, đồ uống mạnh trong nước cũng đang ngỏ ý quan tâm.

Quan ngại lớn nhất từ ban lãnh đạo Habeco là làm sao để tìm được cổ đông chiến lược, vừa đủ mạnh về tài chính, kinh nghiệm vừa vì mục tiêu phát triển Habeco. Cụ thể là lo nhà đầu tư mua Habeco chỉ để đầu cơ rồi bán lại, hoặc là thông qua Habeco để chen chân vào thị trường đồ uống đầy tiềm năng của Việt Nam. Bên cạnh đó là nỗi lo dòng tiền từ thị trường bia có thể chảy khỏi Việt Nam. “Nếu điều này xảy ra, rất có thể những thương hiệu Việt sẽ mất dần trên thị trường”. một thành viên Habeco nói. 

Có hay không quan ngại về lợi ích nhóm trong quá trình thoái vốn? Trả lời PV Tiền Phong, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, việc thoái vốn tại 10 doanh nghiệp do SCIC nắm giữ như:  Vinamilk, Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh… nằm trong chủ trương của Chính phủ về việc thoái vốn nhà nước tại các DN hoạt động trong ngành, lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ. Theo đó, điểm nhấn của lần bán vốn này như Thủ tướng đã chỉ đạo, phải thực hiện theo quy định của pháp luật, thông lệ thị trường, bảo đảm minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lợi ích nhóm, bảo đảm lợi ích cao nhất của đất nước.

Nhận xét về câu chuyện thoái vốn tới đây, ông Trần Lê Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty quản lý quỹ Việt Nam (VFM) lưu ý: Việc nắm giữ cổ phần ở các công ty này có thể mang lại hiệu quả đầu tư tài chính, nhưng nếu lấy số tiền thanh lý tài sản ở các công ty này sử dụng đúng đắn cho các mục đích khác có thể mang lại lợi ích cao hơn.     

(còn nữa)

Bộ Công Thương chấp thuận cho Sabeco niêm yết trên HOSE

Bộ Công Thương vừa có văn bản đồng ý với đề xuất của bộ phận quản lý vốn Nhà nước tại Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) về việc thực hiện niêm yết cổ phiếu Sabeco trên Sàn giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE). Văn bản của Bộ Công Thương nêu rõ: “Yêu cầu Bộ phận quản lý vốn Nhà nước tại Sabeco có ý kiến với HĐQT xem xét, lựa chọn đơn vị tư vấn có uy tín, kinh nghiệm để thương thảo và ký hợp đồng tư vấn thực hiện các thủ tục, quy trình niêm yết chứng khoán theo đúng quy định và mang lại hiệu quả”.         

P.Tuyên

Theo Bộ Tài chính, số tiền bán vốn từ 9% cổ phần của Vinamilk thu về sẽ thực hiện theo đúng quy định về quản lý tài chính nhà nước. Nghị quyết của Quốc hội năm nay trong dự toán ngân sách đã có cân đối 30.000 tỷ đồng từ tiền bán vốn nhà nước và tiền này sẽ dành cho đầu tư phát triển với các dự án lớn của nhà nước như Bệnh viện Bạch Mai 2, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Việt Đức… Vào  thời điểm bán Vinamilk, nếu các điều kiện kinh tế đều “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”, giới  đầu tư ước đoán số tiền Nhà nước thu về từ “cổ phiếu vàng” này sẽ lên tới 15.000- 18.000 tỷ đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Huyền - Lê Hữu Việt - Sỹ Lực (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN