Thiếu gia 8x thử làm sếp thời khó khăn

Thay vì e ngại nhiều đại gia đã mạnh dạn trao lãnh đạo doanh nghiệp cho thế hệ trẻ. Đây có phải là một bước đi mạo hiểm khi việc chuyển giao điều hành diễn ra trong điều kiện khó khăn và liệu những người trẻ có đủ sức vượt quá sóng gió.

Những triệu phú 8x, 9x khởi nghiệp quản lý

Trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán trong hơn một năm qua xuất hiện nhiều gương mặt mới với tuổi đời chưa đến 30. Đa số họ đều xuất thân từ những gia đình kinh doanh giàu có, sở hữu DN niêm yết trên sàn và đang bắt đầu làm ăn, nối nghiệp cha mẹ.

Đầu năm 2013, giới đầu tư xôn xao với sự hiện diện của cô gái Nguyễn Ngọc Nhất Hạnh, con gái ruột bà chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE) khi công bố mua thêm 1 triệu cổ phần DN của mẹ, nâng sở hữu lên 3,1 triệu cổ phần (tương đương 1,3%), trị giá khoảng 60-70 tỷ đồng.

Với khối tài sản khổng lồ nói trên, “công chúa” sinh năm 1991 Nhất Hạnh được xem là một trong số rất ít nhân vật thuộc thế hệ 9x có tài sản khổng lồ và dự báo sẽ tham gia điều hành một trong những tập đoàn có vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Hiện tại, bà Mai Thanh vẫn được xem như linh hồn của REE nhưng ở cái tuổi 62, có lẽ việc nghĩ đến xây dựng lực lượng kế cận không còn là quá sớm. Trên thực tế bà Mai Thanh vẫn đang vận hành bộ máy REE trơn tru nhưng chắc hẳn một điều mà bà trăn trở là người kế nhiệm mình sau này.

Hàng loạt các động thái cho các con nâng tỷ lệ nắm giữ tại REE và việc bổ nhiệm con trai, Nguyễn Ngọc Thái Bình vào vị trí giám đốc tài chính của REE đã cho thấy điều này. Đây là điều dễ hiểu khi bà và chồng là hai cá nhân đang nắm giữ lượng cổ phiếu lớn nhất tại DN này.

Một hiện tượng “truyền ngôi” khác là ở gia đình ông Trầm Bê. Trong khoảng hơn một năm qua, các thành viên gia đình đại gia này bất ngờ nổi rất nhanh với những cái tên như Trầm Trọng Ngân, Trầm Khải Hòa, Trầm Thuyết Kiều.

Ba người con của đại gia Trầm Bê này đều đang nắm giữ những vị trí quan trọng trong các công ty mà ông đã tham gia đầu tư như Ngân hàng Phương Nam, Sacombank, Sơn Sơn, Vàng bạc đá quý Phương Nam…

Gần đây, tỷ lệ sở hữu của ba người con của ông Trầm Bê đang có xu hướng gia tăng tại các doanh nghiệp này và tỷ lệ thuận với sự nổi tiếng của họ cho dù đây là những doanh nhân trẻ tuổi rất kín tiếng.

Hiện tượng chuyển giao quyền lực cho con cái đang diễn ra khá mạnh mẽ tại nhiều doanh nghiệp lớn trong nước như tại: Ngân hàng ACB, Gốm sứ Minh Long, Tân Hiệp Phát, Kinh Đô, Hữu Liên Á Châu, An Phước Pierre Cardin hay như tại tập đoàn IPP của ông Johnathan Hạnh Nguyễn … Hầu hết con cái họ đều là những người có độ tuổi rất trẻ, 8x, 9x, được đào tạo rất bài bản và được nuôi dưỡng trong môi trường kinh doanh từ nhỏ.

Tuổi trẻ và gánh nặng

Chuyển giao quyền lãnh đạo DN cho con là một hiện tượng rất bình thường và đã có một số trường hợp thành công. Tuy nhiên, việc chuyển giao quyền lực có yếu tố gia đình đôi khi cũng không phải lúc nào cũng thuận do vấn đề tuổi tác, kinh nghiệm thực tế và văn hóa khác nhau giữa lãnh đạo mới với các thế hệ công nhân viên đi trước.

Gần đây là hiện tượng một loạt cổ đông lớn thoái vốn khỏi một công ty xây dựng niêm yết trên sàn chứng khoán sau sự việc bổ nhiệm nhân sự cao cấp quá ít tuổi và không có kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động của DN. Giá cổ phiếu đã sụt giảm và doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng. Doanh sau đó đã phải miễn nhiệm chức vụ nói trên để ổn định lại tình hình.

Trong trường hợp ông Đặng Văn Thành, phần lớn các thành viên trong gia đình ông được giới đầu tư đánh giá rất cao trong các hoạt động điều hành kinh doanh, từ vợ ông cho tới các con như Đặng Hồng Anh, Ức My. Tuy nhiên, sự khó khăn của hai DN lớn là Sacomreal và Chứng khoán Sacombank có thể cho thấy một góc khác của bức tranh chuyển giao quyền lực.

Một trường hợp không mấy thuận khác là tại Quốc Cường Gia Lai (QCG). Phó tổng giám đốc Nguyễn Quốc Cường, con trai của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Như Loan cho dù đã sát cánh giúp mẹ kinh doanh khá lâu rồi nhưng vai trò của đại gia này vẫn khá mờ nhạt. Dấu ẩn để lại có lẽ chỉ xoay quanh các vấn đề liên quan tới siêu xe và chân dài.

Có thể thấy, thời kỳ đổi mới đã đem lại cho nước ta một lực lượng doanh nhân giỏi. Mặc dù vậy, việc tìm người thay thế và chuyển giao quyền lực dường như không hề dễ dàng. Cuộc khủng hoảng kinh tế được xác nhận là vẫn còn và môi trường kinh doanh ngày càng có tính cạnh tranh cao. Đây là những thách thức rất lớn khiến rất nhiều doanh nhân muốn chuyển giao quyền lãnh đạo DN cho thế hệ đi sau vẫn phải rất thận trọng.

Các DN lớn giờ đa phần không còn phải là công ty tư nhân, của riêng gia đình, mà thông thường là công ty cổ phần. Một doanh nhân trẻ học cách ra quyết định cho hàng trăm, thậm chí cả vài nghìn người đã khó, chưa nói tới những quyết định mang tính đột phá cũng như khả năng “thổi lửa” cho nhân viên giúp DN đi lên.

Thực tế cho thấy, những trường hợp tiếp tục thành công sau khi nhận “ngôi truyền” từ bố mẹ không phải hiếm nhưng thành công nổi trội, vượt trội hẳn lên trên những gì được thừa hưởng thì không nhiều. Để việc chuyển giao được thành công, có lẽ ngoài sự mạnh dạn, tiền bạc dồn lại mà có lẽ còn phải cần đến sự dày công trong lăn lộn và thử thách trên thương trường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huấn Tú (Vietnamnet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN