Thiên đường khởi nghiệp Việt Nam, tại sao không?
Với quyết tâm của Chính phủ, Việt Nam đang trở thành thị trường khởi nghiệp hấp dẫn nhà đầu tư.
Tinh thần khởi nghiệp đang lan rộng với kỷ lục hơn 100 nghìn doanh nghiệp (DN) được thành lập mới trong “Năm khởi nghiệp 2016”. Với quyết tâm của Chính phủ, Việt Nam đang trở thành thị trường khởi nghiệp hấp dẫn nhà đầu tư.
Làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM - Ảnh: Khả Hòa
Kỷ lục của “Năm khởi nghiệp 2016”
Cuối tháng 12, trên trang blog cá nhân, Đào Chi Anh - người sáng lập KAfe Group chia sẻ đã hoàn thành việc chuyển cửa hàng bán dụng cụ nấu ăn cho những người đam mê nấu nướng sang một vị trí mới tại nội thành Hà Nội. Địa điểm này được cho là ở vị trí đắc địa hơn và có không gian rộng rãi hơn. Đây là hoạt động đầu tiên của Chi Anh sau hơn 2 tháng rời vị trí điều hành của hệ thống The KAfe và cũng được coi như một sự khởi đầu mới của Chi Anh để khởi nghiệp một lần nữa. Nhiều người theo dõi quá trình khởi nghiệp của cô gái 8X đã đi từ tán thành sang thán phục khi chỉ sau 2 năm ra đời, chuỗi thương hiệu The KAfe của cô đã thu hút được nguồn vốn đầu tư 5,5 triệu USD (gần 130 tỷ VND) từ nhà đầu tư danh giá Cassia Investments. Rời The KAfe, hiện tượng của phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam cho biết, Chi Anh quyết tâm đỡ đầu cho một Startup mới.
"Nhiều lãnh đạo DN trẻ mà tôi gặp gỡ muốn đóng góp cho cộng đồng chứ không chỉ kiếm tiền. Khởi nghiệp cũng là nhiên liệu cho sự thịnh vượng nhưng nó cũng gian nan, đặc biệt đối với phụ nữ và những trung tâm khởi nghiệp như Dreamplex sẽ giúp cho nhiều ý tưởng sáng tạo và DN ra đời hơn nữa." Tổng thống Mỹ Barack Obama chia sẻ trong chuyến thăm Việt Nam tháng 5/2016 |
Cục Phát triển thị trường và DN KH&CN (Bộ KH&CN) cho biết, đến nay cả nước có khoảng 21 vườn ươm tạo và 7 tổ chức thúc đẩy kinh doanh cho Startup. “Năm khởi nghiệp 2016” với nhiều nỗ lực, Việt Nam đã có khoảng 1.800 DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với hơn 20 quỹ đầu tư mạo hiểm có hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ 11 tháng đầu năm, cả nước đã có 101.683 DN đăng ký thành lập mới (tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2015) với tổng vốn đăng ký là 797,7 nghìn tỷ đồng (tăng 48,1%). Đại diện cộng đồng DN Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vui mừng cho hay, 2016 là năm đầu tiên số lượng DN thành lập mới đạt mốc kỷ lục. Quy mô DN mới cũng tăng lên khi số vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới đạt 7,8 tỷ đồng, tăng 26,5%.
Eddie Thai, một chuyên gia đầu tư rất trẻ với dự án 500 Startup Việt Nam chỉ ra rằng, chi phí cho một DN khởi nghiệp hiện thấp hơn nhiều những năm trước và ở Việt Nam thấp hơn các nước khác. “Tôi thấy nhà đầu tư đặt chân tới Việt Nam nhiều hơn và có nhiều cá nhân, công ty đang tìm kiếm cơ hội tại đây, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ”.
Thị trường khởi nghiệp thú vị nhất Đông Nam Á
Chuyên gia Douglas Abrams, nhà sáng lập và CEO của quỹ đầu tư Expara và Expara IDM Ventures là người luôn chú trọng tới yếu tố thị trường trong quyết định đầu tư. Vị này cho hay: “Tôi lúc nào cũng xem xét yếu tố thị trường, coi thị trường phát triển như đường cong nên có tăng trưởng chậm sau đó mới đạt được điểm thay đổi lớn để tăng trưởng nhanh. Thị trường khởi nghiệp Việt Nam đang đi đến điểm thay đổi ấy nên rất phù hợp với các công ty đầu tư mạo hiểm như chúng tôi. Chúng tôi gọi đây là thời điểm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp”. Theo dõi sát sự tiến triển của thị trường khởi nghiệp Việt Nam những năm qua, ông Douglas nhận định, trong vòng 12-14 tháng nữa Việt Nam sẽ đạt đến điểm bước ngoặt (điểm thay đổi lớn), DN khởi nghiệp, vườn ươm, quỹ đầu tư mạo hiểm… sẽ tăng trưởng nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. “Đây là lý do Việt Nam là thị trường khởi nghiệp thú vị nhất Đông Nam Á”, ông Douglas nói.
Eddie Thai lý giải sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam là việc nâng hạng về mức độ minh bạch, môi trường kinh doanh ổn định, khuôn khổ pháp luật đang hoàn thiện… “Trước đây, nhà đầu tư nước ngoài mất nhiều thời gian để có được phản hồi của cơ quan Nhà nước nhưng nay đã được cải thiện”, Eddie Thai nói. Ông Everett Myers, Giám đốc Myers & Associates LLC cũng ghi nhận nỗ lực của các cơ quan công quyền khi cho rằng có nhiều cơ quan Nhà nước đang cố gắng tạo thuận lợi cho DN. “Đây là những gì tôi thấy rõ và Việt Nam hãy cố gắng duy trì điều này”, ông Myers nói.
Mong mỏi 1 triệu DN và quyết tâm của Chính phủ
Trong một cuộc họp chuyên đề của Tổng cục Hải quan cuối tháng 10 vừa qua, Phó cục trưởng Cục Quản lý rủi ro Bùi Thái Quang cho hay, cả nước đã có hơn 560 nghìn DN. Hiện có hai mục tiêu là giữ vững được 560 nghìn DN này để không bị phá sản, tiếp tục tồn tại đến năm 2020, đồng thời phát triển thêm hơn 400 DN mới. “Mong mỏi chung là đến năm 2020 phải đạt được 1 triệu DN. Để đạt được con số đó, chúng ta có 4 năm 2 tháng, phải làm sao phát triển thêm 440 nghìn DN nữa ngoài con số hơn 560 nghìn DN trên. Làm cách nào?”, ông Quang đặt câu hỏi.
“Một điểm quan trọng là môi trường kinh doanh phải ổn định, khuôn khổ pháp lý hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, nhất là quy trình, khả năng tiếp cận, thủ tục thuế…”, Eddie Thai đưa ra ý kiến. Dưới góc độ quy trình, thủ tục và môi trường kinh doanh, ông Bùi Thái Quang cho hay, hiện DN nhập hàng hóa phải xin phép bộ chuyên ngành như nhập một chai nước cũng phải xin phép Bộ Y tế vì liên quan tới sức khỏe. Danh mục điều kiện chuyên ngành rất nhiều và theo ông Quang là rất “nhiêu khê”. Chính vì thế, vị lãnh đạo Cục Giám sát quản lý Hải quan này cho hay, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn mấy tháng nay đã “đích thân đi gặp từng Bộ trưởng để xử lý vấn đề này”.
Ông Saul Singer, đồng tác giả cuốn sách “Quốc gia khởi nghiệp” - Câu chuyện về nền kinh tế thần kỳ của Israel khuyên các bạn trẻ rằng, chìa khóa quan trọng của khởi nghiệp chính là đội ngũ. Trong đó, tập hợp những người khác nhau với những điểm mạnh khác nhau để hỗ trợ phát triển DN. DN không thể thành công nếu chỉ dựa vào một người. Do vậy, muốn khởi nghiệp nên đầu tư vào đội ngũ; Cùng đó phải có suy nghĩ lớn, có ý tưởng mang tính toàn cầu, tiềm năng phát triển trên toàn thế giới và phát triển nhanh. “Khởi nghiệp là vấn đề khó và tiềm ẩn nhiều rủi ro, do vậy chúng ta phải biết chấp nhận những rủi ro, học hỏi từ thất bại để thành công. Cách tốt nhất để có kinh nghiệm khởi nghiệp là làm việc tại các DN khởi nghiệp khác”, ông Saul Singer cho hay. |
Ở tầm Chính phủ, tại Hội thảo quốc tế “Tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam - Bài học thực tiễn từ Israel”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ đã đưa ra những nhóm giải pháp rất cụ thể về tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với mục tiêu có ít nhất 1 triệu DN hoạt động hiệu quả vào năm 2020. Trong đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tập trung vào các nhóm chính sách cụ thể của Chính phủ, thể chế vận hành của cộng đồng Startup ở một số ngành nghề chủ đạo; Đề xuất chương trình hành động để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, tiếp tục khẳng định sự cam kết hỗ trợ của Chính phủ nhằm tạo dựng một quốc gia khởi nghiệp… Chủ trì buổi làm việc giữa đoàn công tác Chính phủ với ĐH Quốc gia (ĐHQG) TP.HCM cuối tháng 11 vừa qua, đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, cách mạng công nghiệp đồng nghĩa với tư duy khởi nghiệp và sản sinh ra những thế hệ khởi nghiệp mới. Khởi nghiệp là mệnh lệnh của cách mạng công nghiệp.