Thị trường tài chính toàn cầu bất an vì FED
Đã xuất hiện nỗi lo quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể khiến thị trường tài chính toàn cầu hỗn loạn.
Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hôm 15-12 (giờ Washington) bắt đầu cuộc họp kéo dài 2 ngày để bàn về quyết định có nâng lãi suất cơ bản lần đầu tiên trong gần 10 năm hay không.
Hiện thực mới
Trước thềm cuộc họp, hầu hết thị trường chứng khoán châu Á giảm nhẹ khi các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng và chờ đợi động thái của FED. Cùng chung số phận, giá trị USD cũng giảm so với các đồng tiền chủ chốt khác. Trang tin Bloomberg nhận định một cảm giác “bất an” đang bao trùm các thị trường tài chính toàn cầu giữa lúc nhiều chuyên gia đặt cược vào khả năng FED sẽ chấm dứt kỷ nguyên vay tiền với lãi suất gần bằng 0.
Trụ sở FED tại thủ đô Washington - Mỹ Ảnh: Reuters
Việc hướng tới siết chặt chính sách tiền tệ của FED được xem là ngược lại chính sách của các ngân hàng trung ương ở châu Âu và Nhật Bản. Tuy nhiên, bà Lael Brainard, một thành viên FOMC, gần đây cảnh báo rằng những rủi ro của nền kinh tế toàn cầu hiện nay, trong đó có sự sụt giảm tăng trưởng tại Trung Quốc, có thể khiến FED cân nhắc kỹ hơn về quyết định tăng lãi suất. Một yếu tố khác là tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu ở Mỹ.
Theo đài CBS News, lãi suất tăng dẫn đến tăng giá trị của đồng USD, từ đó làm tổn thương các nhà xuất khẩu (hàng hóa họ kém cạnh tranh hơn trên thị trường toàn cầu) nhưng lại giúp ích cho nhà nhập khẩu ở Mỹ. Kết quả là cán cân thương mại của Mỹ sẽ càng thêm ảnh hưởng khi xuất khẩu giảm và nhập khẩu tăng. Ngoài ra, khi đồng USD tăng giá trị, những hàng hóa cơ bản được định giá bằng đồng USD, như dầu, trở nên đắt đỏ hơn đối với người sử dụng những đồng tiền khác.
Bên cạnh đó, theo báo The Straits Times (Singapore), đã xuất hiện nỗi lo quyết định tăng lãi suất của FED có thể khiến thị trường tài chính toàn cầu hỗn loạn. Vì thế, các ngân hàng trung ương ở châu Á đang theo dõi sát sao thị trường chứng khoán và tiền tệ để có bước đi phù hợp. Chẳng hạn, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cho biết sẽ nhóm họp sau khi FED đưa ra quyết định, đồng thời sẵn sàng thực hiện những biện pháp ổn định thị trường nếu cần.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Indonesia dự kiến công bố chính sách tiền tệ trong ngày 17-12, tức vài giờ sau khi cuộc họp của FED khép lại. Chuyên gia kinh tế Wellian Wiranto của Ngân hàng OCBC (Singapore) nhận định châu Á sẽ sớm phải đối mặt với một hiện thực mới - lãi suất cao hơn và đồng USD mạnh hơn - sau khi FED tăng lãi suất khiến môi trường hoạt động trở nên khó khăn hơn.
Trung Quốc gặp khó
Trong một diễn biến đáng chú ý, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc(PBOC) hôm 15-12 đã hạ tỉ giá tham chiếu đồng nhân dân tệ (NDT) xuống mức 6,4559 NDT/USD, giảm 0,1% so với một ngày trước đó và là mức thấp nhất trong 4 năm. Đây là ngày thứ 8 liên tiếp NDT giảm giá trị so với đồng USD - chuỗi ngày dài nhất kể từ tháng 6 qua.
Trái với Washington, Bắc Kinh đang cắt giảm lãi suất và tiến hành những bước đi khác nhằm nới lỏng chính sách tiền tệ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, việc FED tăng lãi suất có thể cản trở nỗ lực trên. Khi đó, đồng USD có thể mạnh hơn, buộc Trung Quốc can thiệp vào các thị trường tiền tệ để duy trì neo tỉ giá NDT/USD. Điều này đồng nghĩa Trung Quốc phải tăng mua vào NDT, qua đó rút tiền ra khỏi hệ thống tài chính vào thời điểm Bắc Kinh đang cố gắng cải thiện tính sẵn có của nguồn vốn dành cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Vào cuối tuần rồi, theo báo The Wall Street Journal, PBOC đã phát đi tín hiệu sẽ neo đồng nội tệ vào một giỏ tiền tệ (gồm USD, euro, yen và 10 đồng tiền khác), thay vì chỉ với mỗi USD như trước kia. Động thái này cho phép NDT có cơ hội giảm giá trị so với USD. Tuy nhiên, thông tin trên lập tức gây ra làn sóng bán tháo NDT tại thị trường đại lục và Hồng Kông giữa lúc giới đầu tư cho rằng bước đi trên, nếu diễn ra, đồng nghĩa NDT trở nên yếu hơn.
Để trấn an thị trường, PBOC hôm 14-12 tuyên bố rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn còn cao của Trung Quốc, cộng với lượng dự trữ ngoại hối dồi dào và nhu cầu bên ngoài đang tăng đối với tài sản Trung Quốc sẽ giúp duy trì NDT ở mức cân bằng hợp lý. Bắc Kinh cũng tìm cách giảm nhẹ ảnh hưởng từ động thái tăng lãi suất của FED khi cho rằng quyết định này, nếu có, sẽ tác động không đáng kể đến dòng vốn chảy qua biên giới nước này.