Thị trường chung cư cuối năm: Cung nhiều, giá giảm, vẫn… khó mua!
Theo báo cáo vừa được Bộ phận nghiên cứu, tư vấn, định giá và quản lý tài sản CBRE Việt Nam cập nhật, thời điểm cuối năm, thị trường chung cư Hà Nội tiếp tục chứng kiến nguồn cung đang gia tăng nhanh chóng, gây áp lực giảm giá cho toàn thị trường.
Nhà nhiều, giá giảm
Theo nhận định của CBRE Việt Nam, giá bán nhà có chiều hướng giảm nhẹ. Giá trung bình có xu hướng giảm, nhất là tại các dự án đã hoàn thiện với mức giảm 3% theo quý, tương đương 12% theo năm.
“Trên thị trường thứ cấp cũng xuất hiện tình trạng giảm giá tương tự. Điều này tương đối khác so với thị trường cách đây vài năm. Chúng tôi đã nhìn thấy xu hướng này tại TP.HCM và giờ là Hà Nội”, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu, tư vấn, định giá và quản lý tài sản CBRE Việt Nam chia sẻ.
Ghi nhận cho thấy quý III/2017, thị trường Hà Nội có thêm gần 8.300 căn hộ mới mở bán từ 38 dự án trên toàn thành phố. Trong đó, khu vực phía Tây và Tây Nam chiếm đến 60% nguồn cung mới. Cũng trong khoảng thời gian nói trên, có 5.440 căn đã bán. Đó là những giao dịch đến từ nguồn cung mới và nguồn cung hiện hữu trên thị trường. Nếu tính từ đầu năm đến nay, số căn hộ bán được đạt 16.200 căn, doanh số bằng 79% năm 2016. Do đó, có thể kỳ vọng doanh số trong giai đoạn nước rút một tháng rưỡi cuối năm 2017 sẽ tiếp tục khả quan.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đúng như nhận định của CBRE, đó là cùng với giá chung cư đang có xu hướng giảm, nguồn cung chung cư vẫn ồ ạt bung hàng. Năm 2017, nguồn cung chung cư Hà Nội đạt mức kỷ lục với 35.000 căn, cao gấp 3 lần so với cách đó 4 năm.
Việc nhiều dự án mở bán, thậm chí đi vào sử dụng ngay từ thời điểm này tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường, khiến các chủ đầu tư phải tung ra nhiều chương trình ưu đãi, chiết khấu để hút khách.
Hiện nay, phần lớn người mua đã không còn đầu tư theo kiểu lướt sóng nữa, mà hầu hết nhà đầu tư đang kỳ vọng khả năng cho thuê. Chính vì thế, trên thị trường hiện đang hình thành một phân khúc căn hộ chung cư cho thuê khá sôi động.
Đặc biệt, với phân khúc nhà ở thấp tầng, trong quý III/2017, thị trường có thêm 1.055 căn, trong đó 84% số căn là nhà liền kề. Hết quý III/2017, toàn thị trường nhà ở gắn liền với đất đã bán được hơn 2.900 căn, trong đó khu vực phía Tây chiếm tỷ trọng cao nhất, với 63%. Sản phẩm chào bán mới trong quý từ hai dự án Park City và Gamuda, cùng với các sản phẩm đã chào bán từ các quý trước như Vinhomes Gardenia, Ciputra, Vinhomes The Harmony. Giá bán ở phân khúc này ổn định ở mức 3.700 USD/m2 trên thị trường sơ cấp, tuy nhiên, trên thị trường thứ cấp, giá bán đã giảm 3,3% so với quý trước, đạt mức 3.790 USD/m2.
Giá nhà có chiều hướng giảm nhưng người mua nhà vẫn khó tiếp cận vì lãi suất vay cao. Ảnh: HP
Chờ gói hỗ trợ mua nhà
Cuối năm là thời điểm giao dịch nhà đất thường sôi động, kéo theo nhu cầu vay vốn của cá nhân mua nhà đất cũng gia tăng. Anh Hồ Quang Bình, Giám đốc công ty TNHH Khởi Nguyên (Kim Giang, quận Hoàng Mai) cho biết: “Không phải bây giờ mà từ tháng 9/2017, tôi đã có ý định mua một căn hộ Roman Plaza (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) bởi ở đây có 3 ưu đãi từ Viet Capital Bank. Ngân hàng này áp dụng lãi suất từ 7,9%/năm cho các khách hàng có nhu cầu mua căn hộ Roman Plaza với thời gian lên đến 25 năm. Tuy nhiên, vấn đề khiến tôi chưa quyết mua là bởi lãi suất vay còn cao. Chờ nguồn vay nào thấp hơn có thể có vào những dịp cuối năm”.
Không chỉ Capial Bank mà khá nhiều ngân hàng đã liên kết với chủ đầu tư cho vay với điều kiện thanh toán trước tối thiểu 10% giá trị căn hộ, Ngân hàng sẽ giải ngân tối đa 90% giá trị còn lại theo tiến độ thanh toán được ký kết trong hợp đồng mua bán. Đơn cử khác, OCB hỗ trợ 70% vốn cho khách hàng mua căn hộ dự án Royal Park, thời hạn vay lên đến 20 năm, lãi suất ưu đãi cố định 8,5%/năm trong 12 tháng đầu.
Thủ tục mua, vay được nới lỏng đến mức có thể. Vấn đề là lãi suất vẫn cao hơn nhiều so với các gói hỗ trợ bất động sản trước đây của nhà nước, đã hạn chế sức mua rất nhiều.
Đầu tháng 8, Bộ Xây dựng cho hay thời điểm đó Bộ này đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn về việc bố trí nguồn vốn ngân sách để triển khai những chương trình nhà ở xã hội trọng điểm. Trong đó có gói 2.000 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội khẩn trương tiếp nhận nguồn vốn, triển khai ngay việc cho vay trong năm nay. Tuy nhiên, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2017, nhưng gói vay này vẫn chưa được triển khai, khiến nhiều người buồn lòng, mặc dù họ có nhu cầu cũng không thể sở hữu nhà vì bị hạn chế về vốn
Thực tế, nếu không được hỗ trợ tín dụng, người thu nhập thấp, thu nhập chưa cao sẽ rất khó mua được nhà, nếu phải vay ngân hàng với lãi suất thương mại, người mua nhà cũng khó có thể mua nổi. Đây cũng là một bài toán nan giải trong việc giải quyết nhà ở cho người có thu nhập thấp giai đoạn cuối năm.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Trần Nam: “Những ai theo dõi thị trường có thể nhận thấy tồn kho bất động sản ở tất cả các phân khúc đều giảm liên tục trong khoảng 3 năm trở lại đây. Lượng bất động sản tồn kho trên cả nước hiện nay còn khoảng hơn 20.000 tỷ đồng, giảm gần 80% so với thời điểm quý I/2013 (hơn 101.000 tỷ đồng). Trong bối cảnh các dự án mới tiếp tục được tung ra, thì lượng tồn kho bất động sản đã giảm gần 80% so với thời điểm đầu năm 2013, chứng tỏ sức cầu của thị trường vẫn rất mạnh mẽ. Diễn biến trong từng phân khúc cụ thể có sự khác nhau, nhưng có thể nói, những dự án bất động sản có thể “ở được” đều đã được đưa vào sử dụng. Chỉ có một số ít dự án không có hạ tầng tối thiểu, định vị nhầm phân khúc khách hàng hoặc quy hoạch tại vị trí không phù hợp mới tiếp tục tồn kho”. |