Thị trường BĐS có bị “kích” quá đà?

Chỉ riêng tháng 7 vừa qua, các ngân hàng thương mại liên tục đưa ra các gói kích cầu bất động sản lên tới hàng nghìn tỷ. Liệu dòng tiền dồi dào như vậy có khiến thị trường bất động sản vốn đang èo uột quá “căng” vì no vốn?

Trước kia, ngân hàng tham gia thị trường bất động sản dưới hình thức cho chủ đầu tư vay để triển khai dự án và cho nhà đầu tư vay để tiêu thụ sản phẩm của chủ đầu tư nhưng trong giai đoạn hiện nay, ngân hàng rất hạn chế cho vay mới đối với chủ đầu tư. Các gói kích cầu bất động sản đang được triển khai là sự kết hợp của hai yếu tố: chủ đầu tư giảm giá, đưa ra các gói hỗ trợ khách hàng nhằm tiêu thụ sản phẩm và thu tiền về; ngân hàng đưa ra gói hỗ trợ khách hàng về lãi suất.

“Kích” vì cầu cao

Theo số liệu thống kê đầu năm 2012, tính riêng khu vực đô thị có khoảng 7 triệu người có nhu cầu thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp với tổng diện tích lên tới 150 triệu m2. Nhu cầu này được ước tính sẽ gia tăng hàng năm khi xu hướng dân số ngày càng chuyển dịch ra vùng đô thị. Chưa kể đến yếu tố dân số nước ta được phân loại vào nhóm dân số trẻ, độ tuổi từ 16 đến 50 tuổi chiếm hơn 50% và nhu cầu nhà ở của người dân không chỉ có thực mà còn thực sự rất lớn.

Các gói kích cầu nghìn tỷ từ hàng loạt các ngân hàng lớn như: VietinBank, Vietcombank, BIDV, VIB,… với nhiều ưu đãi đã tạo cú hích lớn cho thị trường. Đại diện VietinBank cho biết, chương trình 5.000 tỷ tín dụng cho vay nhà ở hiện đang triển khai là chương trình ưu đãi lớn nhất dành cho khách hàng cá nhân từ trước tới nay của ngân hàng này.

Sau hơn 1 tháng triển khai, tính đến nay, số lượng khách hàng của chương trình ước đạt hơn 10.000 người, với mức hỗ trợ lãi suất giảm từ 5 - 6%/năm so với trước khi triển khai chương trình.

“Trường hợp nhu cầu thị trường tăng mạnh, chúng tôi sẵn sàng gia tăng giá trị gói ưu đãi nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng hoặc cung cấp các gói ưu đãi mới với giá trị lớn hơn”, đại diện VietinBank cho hay.

“Kích” để làm tan băng nhiều ngành?

Nền kinh tế hoạt động theo nguyên lý cung cầu tạo thành một chuỗi hệ thống có quan hệ mật thiết với nhau. Bất động sản đóng băng tất yếu sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác. Chịu ảnh hưởng trực tiếp đầu tiên là các doanh nghiệp xây dựng, cùng với các doanh nghiệp sản xuất xi măng, sắt thép, gạch ốp lát. Tình trạng đình đốn lao động, thu hẹp quy mô kinh doanh, giảm lương là hiện tượng phổ biến trong các doanh nghiệp này. Khách hàng xây dựng hoạt động cầm chừng, hàng sản xuất ra không tiêu thụ được, các doanh nghiệp này đang lâm vào cảnh khốn khó trăm đường.

Trong khi đó, nhu cầu tín dụng tiêu dùng của người dân, đặc biệt là nhu cầu mua nhà đang có xu hướng tăng lên bởi lãi suất tiết kiệm giảm mạnh, các kênh đầu tư truyền thống không còn sức thu hút như trước nữa nên người dân chuyển dòng tiền sang đầu tư bất động sản hoặc mua nhà để ở. Động thái đồng loạt bơm vốn cho thị trường bất động sản của các ngân hàng đã tiếp thêm dòng tiền cho thị trường, giúp cân bằng cung - cầu và tăng tính thanh khoản của thị trường.

Kích an toàn và kích đúng đối tượng

Trong hoàn cảnh thị trường bất động sản gặp khó khăn, nguồn tín dụng của ngân hàng cho thị trường được đánh giá là yếu tố quan trọng để vực lại sức mua của người dân khi khả năng tài chính là hạn chế. Tuy nhiên, phải đánh đúng đối tượng để tránh đưa thị trường trở lại tình trạng bong bóng như trước. Quan điểm của nhiều ngân hàng hiện tại là nới lỏng van tín dụng cho khách hàng nhưng không có nghĩa là cho vay dễ dãi.

Đối tượng khách hàng cá nhân cho vay mua nhà của ngân hàng phải là những người có nhu cầu thực, tức là mua nhà để an cư lạc nghiệp thay vì đầu cơ bất động sản.

Tất cả các dự án được VietinBank ký kết hợp đồng liên kết đều được thẩm định rất chặt chẽ về năng lực tài chính của chủ đầu tư và chất lượng cũng như tính hiệu quả của dự án.

Đồng thời danh mục các dự án liên kết của chúng tôi đáp ứng nhu cầu của người có nhu cầu ở mọi phân khúc gồm cả các dự án trung, thứ cấp như Dự án nhà thu nhập thấp Kiến Hưng - Hà Đông, Dự án chung cư nhà ở BMM – Hà Đông, dự án chung cư Lê Thành tại Hồ Chí Minh hay các dự án cao cấp, có chất lượng như Times City, Vincom Village, Royal City với lãi suất ưu đãi từ 10%/năm…

“Gần đây nhất chúng tôi liên kết với Công ty Novaland Group hợp tác cho khách hàng vay mua nhà tại 2 dự án Sunrise City và Tropic Garden với lãi suất ưu đãi chỉ từ 8 - 10% trong thời hạn 5 năm”, đại diện VietinBank cho biết thêm.

Nhìn chung, chủ trương mở rộng tín dụng với một số đối tượng mua bất động sản “phù hợp” để “kích cầu” sẽ đảm bảo thị trường không bị vỡ. Tuy nhiên các gói kích cầu được triển khai đến đâu lại phụ thuộc lớn vào người mua. Chỉ khi có người mua thực sự thì các gói kích cầu của ngân hàng và chủ đầu tư mới phát huy tác dụng tối đa. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đào Vũ ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN