Thị trường bất động sản 2016: Nhà xã hội giữ ngôi đầu

Năm 2016 hứa hẹn là năm thành công của nhà ở xã hội (NƠXH). Phân khúc đất nền có khả năng tạo sóng sau nhiều năm đóng băng.

Hàng ngàn căn hộ giá rẻ sắp ra hàng

Năm 2015, thị trường Hà Nội đón thêm hơn 3.000 căn hộ NƠXH với nguồn cung tăng gấp 10 lần so với năm 2014 nhưng vẫn thiếu so với nhu cầu. Nhiều dự án NƠXH gần trung tâm tái diễn cảnh người dân xếp hàng chờ bốc thăm mua nhà và có hàng trăm người không có cơ hội mua nhà vì bốc trượt. Mặc dù gói 30.000 tỷ đồng đến tháng 6 hết hạn nhưng Ngân hàng Nhà nước đang chuẩn bị đưa ra một chương trình tín dụng mới thay thế hẳn gói hỗ trợ trên với mức lãi suất thấp hơn gói trên để người dân yên tâm mua nhà. Đón dòng tín dụng giá rẻ này, hàng chục dự án NƠXH chuẩn bị ra hàng với số lượng lên đến hàng nghìn căn hộ. Đặc biệt, nếu như trước đây, chủ đầu tư NƠXH chủ yếu là các tổng công ty nhà nước, nay xuất hiện nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia phân khúc nhà ở này.

Thị trường bất động sản 2016: Nhà xã hội giữ ngôi đầu - 1

NƠXH giữ ngôi đầu phân khúc bất động sản năm 2016 (NƠXH Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội).

Một lãnh đạo Tập đoàn Ceo Group cho hay, bên cạnh những phân khúc cao cấp, tập đoàn chủ trương làm NƠXH bởi phù hợp với nhu cầu của phần đông người dân sinh sống tại đô thị lớn. Nguồn cung ra đến đâu hết đến đó. Trong khi đó, chủ đầu tư dự án NƠXH Trung Văn cho rằng: “Yếu tố vốn vay giá rẻ cho người mua nhà góp phần tạo thành công của dự án NƠXH. Hiện dự án NƠXH Trung Văn đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục pháp lý để triển khai bán hàng trong năm 2016 với gần 500 căn hộ”.

Chị Bích Hằng (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “NƠXH rất phù hợp với gia đình trẻ như chúng tôi. Chỉ với khoảng 200 – 300 triệu đồng, tôi thanh toán lần đóng tiền đầu tiên và lần đóng thứ 2 có thể vay ngân hàng với mức lãi suất thấp. Cơ quan tôi có 70 người mà có đến 20 người ở NƠXH. Tôi nộp hồ sơ đến 3 dự án liên tiếp nhưng số lượng người nộp đơn quá đông nên lần nào cũng bốc trượt”.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch TP Hà Nội cho biết, Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thực hiện chương trình phát triển nhà ở, trong đó có phát triển NƠXH. Để thực hiện việc này, thành phố đã có quy định dành 20% quỹ đất trong các khu đô thị để phát triển nhà ở. Trong giai đoạn 2016-2020, thành phố dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trên 3,65 triệu m2 sàn xây dựng, tương đương 15.804 căn hộ. Đặc biệt, trong năm 2016 sẽ có khoảng 7.000 căn hộ tung ra thị trường tại Thủ đô.

Còn tại TPHCM, hiện có 22 dự án bằng vốn ngoài ngân sách với quy mô khoảng 29.000 căn hộ chuẩn bị chào hàng trong năm 2016. Số lượng dự án này mới đang ở giai đoạn chấp thuận chủ trương đầu tư và bước đầu giải phóng mặt bằng.

Ông Marc Townsend, Tổng GĐ CBRE Việt phân tích, Việt Nam là một quốc gia có tốc độ tăng dân số nhanh, nhiều người trẻ tuổi đang mong muốn sở hữu căn nhà đầu tiên của mình. Thời gian qua, nguồn cung nhà ở đã tăng nhiều trên khắp Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng… nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực của người dân đang có mức thu nhập trung bình. Ông Marc cho biết thêm: “Chúng ta nhận thấy xã hội đang được chi phối bởi người giàu, nhưng Chính phủ Việt Nam lại đang tập trung vào người có thu nhập thấp. Vì thế, nhiều chính sách về phát triển nhà thương mại giá rẻ, NƠXH và muốn bảo đảm người nghèo có thể tiếp cận được nguồn vốn vay mua nhà ở dễ dàng. Năm 2016, phân khúc NƠXH vẫn giữ ngôi đầu về tăng trưởng”.

Đất nền vùng ven sẽ “nóng”

Những tháng cuối năm 2015, thị trường đất nền của TPHCM bước vào đợt phát triển sôi động. Ở Hà Nội, đất nền tại trục Nhật Tân - Nội Bài ghi nhận nhiều giao dịch thành công với giá dao động từ: 15 - 25 triệu đồng/m2, Thanh Trì, Hà Đông với giá 12 - 22 triệu đồng/m2... Đây là mức giá phù hợp với nhiều người mua nhà và rẻ hơn chung cư cao cấp cùng khu vực.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, thị trường đất nền tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc luôn phát triển tốt hơn trong TPHCM. Sở dĩ có điều này do tâm lý của người Bắc vẫn chuộng có một căn nhà đất. Điều này khác biệt khá lớn so với tâm lý của người dân trong Nam.

“Tuy nhiên, thị trường có những yếu tố phân tách rõ rệt. Hiện tại, đất nền dự án trong khu vực nội đô từ vành đai 3, vành đai 3,5 trở vào khá hiếm. Và thường có mức giá đắt, ví dụ đất nền của dự án Hải Đăng Mon City có giá từ 150 triệu đồng - 170 triệu đồng/m2, hoặc tại khu vực Nam Trung Yên từ 170 triệu - 180 triệu/m2. Mỗi lô đất thường có diện tích trên 100m2. Vì thế trị giá tài sản là rất lớn, và hầu như giao dịch rất chậm” - ông Nguyễn Văn Đính cho biết.

Ông Đính phân tích thêm, ngược lại với đất nền dự án, đất với diện tích khoảng 50m2 - 60m2 tại các khu vực vùng ven, nhưng có hạ tầng cơ sở hoàn thiện như một số phường của quận Long Biên, quận Hoàng Mai, hoặc các khu vực Cổ Nhuế, Từ Liêm... luôn được săn đón từ cả phía nhà đầu tư và người dân có nhu cầu. Tính thanh khoản của sản phẩm này rất tốt, bởi nó đáp ứng được khả năng của đại đa số khách hàng.

“Nhìn vào bức tranh đất nền của Hà Nội, có thể khẳng định rằng tuy không ồn ào, không dậy sóng như TPHCM, nhưng nhu cầu của thị trường là chưa bao giờ thiếu. Tôi nhấn mạnh rằng người Hà Nội còn khát đất hơn trong Nam. Tuy nhiên, dù đất nền nói riêng hay bất kỳ sản phẩm bất động sản nào nói chung, phân khúc có giá tiền tầm trung, hoặc giá rẻ... sẽ luôn có sự ổn định, an toàn” - ông Đính nhấn mạnh. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Mai (Tiền Phong)
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN