Theo gót vàng, chứng khoán "gặp Thần Tài"
Theo gót vàng, chứng khoán cũng "gặp Thần Tài" khi tăng nhẹ sau vài phiên giảm giá.
Sàn Thành phố Hồ Chí Minh
Hôm qua (9/2), ngày Thần Tài, thị trường vàng “phá băng” khi người dân đổ xô đi mua vàng cầu may. Lượng vàng giao dịch tăng vọt. Đi kèm với nó là sự gia tăng nhẹ về giá.
Hôm nay, chứng khoán theo gót vàng, "gặp Thần Tài". VN-Index tăng nhẹ sau vài phiên giảm điểm. Đà tăng đến ngay từ đầu phiên khi nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn như GAS, MSN, SSI giao dịch sôi động. Các cổ phiếu này truyền cảm hứng cho cả thị trường khiến VN-Index nhanh chóng tăng mạnh hơn.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/2, VN-Index tăng 6,14 điểm, tương ứng 1,12% và dừng ở mức 555,9 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 110.186.930 cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 1.940,83 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cuối tuần trước nhưng vẫn ở mức khá cao. Tổng khối lượng giao dịch thỏa thuận là 3.281.970 cổ phiếu, tương ứng 314,13 tỷ đồng. Toàn sàn có có 174 mã tăng giá, 66 mã đứng giá và 51 mã giảm giá.
VN30-Index có tốc độ giảm chậm hơn VN-Index. Chốt phiên giao dịch ngày 10/2, VN30-Index tăng 8,6 điểm, tương ứng 1,38% và dừng ở mức 631,42 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 41.007.880 cổ phiếu, tương ứng 1.121,84 tỷ đồng. Trong nhóm có 23 mã tăng giá, 3 mã đứng giá và 4 mã giảm giá.
Trong phiên giao dịch đầu tuần, cả blue-chip, midcap và penny đồng loạt đi lên khiến thị trường hứng khởi. Trong đó, blue-chip đóng vai trò đầu tàu, dẫn dắt thị trường. Blue-chip giúp VN30-Index có tốc độ tăng mạnh hơn VN-Index.
Đa số các cổ phiếu có vốn hóa lớn đều tăng mạnh. FPT tăng 2.000 đồng/CP lên 55.500 đồng/CP, HAG tăng 1.500 đồng/CP lên 24.300 đồng/CP, MSN tăng 1.000 đồng/CP lên 91.500 đồng/CP, OGC tăng 300 đồng/CP lên 11.500 đồng/CP, SSI tăng 1.000 đồng/CP lên 23.800 đồng/CP, VCB tăng 500 đồng/CP lên 28.300 đồng/CP, VIC tăng 1.500 đồng/CP lên 76.000 đồng/CP,…
GAS là một trong những cổ phiếu vốn hóa lớn có phiên giao dịch đáng thất vọng. Đầu phiên, GAS góp phần không nhỏ giúp VN-Index đi lên. Tuy nhiên, càng về cuối phiên, khi thị trường tăng nóng, GAS bất ngờ giảm nhiệt và đứng giá ở mức 76.000 đồng/CP.
Dù không phải là tâm điểm nhưng BID vẫn nhận được sự quan tâm lớn từ nhà đầu tư. Kể từ ngày chào sàn hôm 24/1/2014, BID liên tục suy giảm. Tuy nhiên, hôm nay, BID phục hồi, tăng 400 đồng/CP lên 17.000 đồng/CP. BID nhận được sự hỗ trợ từ nhà đầu tư nước ngoài. Hôm nay, khối này đã mua vào 841.750 đơn vị BID.
HAG cũng khiến thị trường ngạc nhiên. Trong suốt thời gian dài qua, HAG ít có sự bứt phá. Tuy nhiên, hôm nay, HAG bất ngờ tăng trần 1.500 đồng/CP lên 24.300 đồng/CP. Trước đó, có thời điểm HAG thậm chí còn giao dịch dưới mức giá tham chiếu khi giảm 100 đồng/CP xuống 22.700 đồng/CP.
Cổ phiếu bất động sản, xây dựng lại nóng lên khi hàng loạt mã tăng trần. HBC tăng 1.200 đồng/CP lên 18.700 đồng/CP, NBB tăng 1.200 đồng/cp lên 19.700 đồng/CP, NTL tăng 1.000 đồng/CP lên 16.500 đồng/CP,…
Trong nhóm VN30-Index, chỉ có 4 mã giảm giá. CTG giảm 100 đồng/CP xuống 16.600 đồng/CP, KDC giảm 1.000 đồng/CP xuống 63.000 đồng/CP, PGD giảm 600 đồng/CP xuống 47.000 đồng/CP, VSH giảm 200 đồng/CP xuống 16.100 đồng/CP.
Sàn Hà Nội
HNX có phiên cùng chiều với VN-Index. Kết thúc phiên giao dịch 10/2, HNX-Index tăng 0,78 điểm, tương ứng 1,04% và đóng cửa ở mức 75,56 điểm. Tổng khối lượng giao dịch trên sàn Hà Nội giảm khá mạnh và đạt 69.442.337 cổ phiếu, tương ứng 534,79 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch thỏa thuận đạt 862.094 cổ phiếu, tương ứng 6,2 tỷ đồng.
Toàn sàn ghi nhận 155 mã tăng giá, 65 mã đứng giá và 64 mã giảm giá.
HNX30-Index tăng mạnh hơn HNX-Index. Đóng cửa phiên 10/2, HNX30-Index tăng 2,8 điểm, tương ứng 1,91% và chốt phiên ở mức 146,53 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 29.757.100 cổ phiếu, tương ứng 328,69 tỷ đồng Trong nhóm có 17 mã tăng giá, 6 mã đứng giá và 6 mã giảm giá.
HNX30-Index tăng mạnh hơn VN30-Index dù có tới 6 mã trong nhóm giảm giá. Đó là do 24 mã còn lại có tốc độ tăng tương đối mạnh. Các mã này góp phần rất lớn đẩy sàn Hà Nội có phiên giao dịch thành công cả về giá lẫn khối lượng giao dịch.
Một số blue-chip tăng mạnh trên sàn Hà Nội có thể kể đến như AAA tăng 1.200 đồng/CP lên 24.100 đồng/CP, BVS tăng 200 đồng/CP lên 13.400 đồng/CP, DBC tăng 1.200 đồng/CP lên 25.100 đồng/CP, NTP tăng 700 đồng/CP lên 66.500 đồng/cp, PVS tăng 600 đồng/CP lên 28.500 đồng/CP, SD6 tăng 700 đồng/CP lên 13.400 đồng/CP, VND tăng 400 đồng/CP lên 13.400 đồng/CP,…
Một số mã blue-chip hiếm hoi giảm giá có thể kể đến như PGS giảm 100 đồng/CP xuống 36.100 đồng/CP, SD9 giảm 100 đồng/CP xuống 13.100 đồng/CP.
Hôm nay cổ phiếu nóng SHB lại nóng trở lại. Chốt phiên ngày 10/2, SHN tăng trần tăng 300 đồng/CP lên 4.200 đồng/CP. Dư mua trần SHN đạt 118.700 đơn vị. Tuy nhiên, đà tăng này của SHN không được đánh giá cao dù lượng dư bán bằng 0.
Công ty chứng khoán FPTS nhận định khi thanh khoản thị trường được giữ ở mức cao với sự góp mặt thường trực của dòng tiền đầu cơ thì nguy cơ sụt giảm mạnh của thị trường là chưa đáng lo ngại. Nhưng cần chú ý rằng lực mua của nhóm ngoại vẫn sẽ là lực đỡ chính cho các chỉ số do đó nhà đầu tư cần theo sát các động thái sắp tới của các quỹ ETF. Vừa qua họ đã phát hành thành công lượng lớn chứng chỉ quỹ và thu về mức lợi nhuận đáng kể nhờ sự tăng trưởng giá của danh mục.