Thế giới mất trắng hơn 3.000 tỷ USD vì Brexit
Kết quả cuộc trưng cầu ý dân việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu đã khiến các thị trường tài chính trên toàn thế giới “bốc hơi” hơn 3.000 tỷ USD trong hai ngày 24 và 27/6, theo dữ liệu của S&P Global.
Khi không còn nằm trong EU, không được hưởng những đặc quyền của khối, giới đầu tư cũng không còn hứng thú đổ tiền vào Anh nữa. Ảnh minh họa
Chuyên gia phân tích đến từ S&P Global Howard Silverblatt nhận định, con số này còn khủng khiếp hơn tổn thất do cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 gây ra, trong đó, Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 1.300 tỷ USD.
Ngày 27/6, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm hơn 260 điểm, khoảng 1,5%. Tuy nhiên, tình trạng này còn chưa thấm vào đâu so với thị trường chứng khoán London khi chỉ số FTSE giảm gần 7%. Tồi tệ hơn cả phải kể đến đồng bảng Anh, kết thúc phiên giao dịch ở mức thấp nhất trong 31 năm.
Julian Jessop, một nhà phân tích tại Capital Economics, khẳng định dù biến động có xu hướng tăng nhưng “sẽ sai lầm khi kết luận thế giới đang trên đỉnh của một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trên thực tế, mức sụt giảm của bảng Anh còn chưa đáng kể so với USD”.
Ngay cả những người giàu có cũng không tránh khỏi “cơn thịnh nộ” của thị trường biến động. Theo Bloomberg's Billionaires Index, 400 nhà đầu tư giàu nhất thế giới mất đi tổng cộng 127 tỷ USD trong suy thoái thị trường hôm 24/6, và thêm 53 tỷ USD vào ngày 27/6.
Sau khi người dân Anh bỏ phiếu đồng ý tách khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 24/6, các chuyên gia bắt đầu đánh giá những ảnh hưởng của sự kiện này tới nền kinh tế.
“Brexit là cú sốc tiền tệ toàn cầu lớn nhất kể từ năm 2008. Đây có thể là điểm giới hạn đẩy kinh tế toàn cầu vào cuộc suy thoái mới”, David Beckworth, học giả tại Mercatus Center thuộc Đại học George Mason (Mỹ), nhận xét.
Cũng theo học giả này, nhu cầu lớn đối với tài sản an toàn đang vượt xa nguồn cung, có nghĩa những loại tiền tệ như đồng yên, USD hay trái phiếu chính phủ và vàng có khả năng bùng nổ.
Hậu Brexit, các nhà đầu tư đua nhau bán tống bán tháo các tài sản rủi ro cao vì lo ngại ôm nợ, mặc dù các nhà phân tích khẳng định thị trường Anh có đủ sức mạnh để đối phó với những thách thức còn lớn hơn.