Thế chấp hàng tồn: NH khó mở hầu bao
Việc tiếp cận vốn của DN vẫn rất hạn chế sau nửa năm tăng trưởng tín dụng ở mức âm, mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo nhiều biện pháp, từ cắt giảm lãi suất, nới chính sách tiền tệ, đến các gói tín dụng ưu đãi. Vì vậy, thông tin ngân hàng đồng ý cho DN vay thế chấp bằng chính sản phẩm của DN thực sự là chiếc phao cứu sinh cho nhiều DN.
Ông Phạm Linh – Phó Tổng giám đốc Ngân Hàng Phương Đông cho biết: Đối với hoạt động tài trợ cho DN, ngoài vấn đề có những tài sản đảm bảo như bất động sản, nhà xưởng… thông thường các ngân hàng vẫn mở rộng tín dụng cho doanh nghiệp dựa trên hàng hóa tồn kho, ngay cả khoản phải thu của doanh nghiệp cũng có thể là tài sản đảm bảo để từ đó tài trợ với tài sản gọi là quyền đòi nợ. Cũng theo ông Linh, với kinh nghiệm của mình, cũng như qua những kinh nghiệm thực tế ở trên Việt Nam và trên thế giới, việc tài trợ các khoản phải thu, quyền đòi nợ sẽ giúp ích cho DN rất nhiều bên cạnh vấn đề tài trợ hàng tồn kho cho doanh nghiệp.
Thế chấp hàng tồn: Mong ngân hàng mở hầu bao
Rơi vào tình cảnh khó khăn chung của thị trường, ngành sản xuất và chế biến đồ gỗ sản xuất đình trệ, hàng tồn kho nhiều trong khi nguồn vốn ngày càng cạn kiệt.
Theo Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. HCM cho biết, năm 2011 có 55% doanh nghiệp gỗ bị lỗ trong sản xuất kinh doanh, khoảng 30% hòa vốn, chỉ khoảng 15% có lời ở mức rất thấp. Vì vậy, dù cả năm đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3,9 tỷ USD, nhưng lợi nhuận DN thu về không nhiều.
Từ đầu năm 2012 đến nay doanh nghiệp chế biến gỗ vẫn chịu áp lực từ sụt giảm đơn hàng xuất khẩu đến 30% so cùng kỳ năm 2011, giá nguyên liệu nhập khẩu tăng đến 20%, cộng với giá nhân công, chi phí vận chuyển, các lệ phí tăng, khiến doanh nghiệp trong ngành đuối sức khi cạnh tranh trên thị trường thế giới. Mặt khác, người mua hàng nước ngoài đa số chuyển sang thanh toán trả sau từ 30 đến 90 ngày. Điều này không những làm doanh nghiệp thiếu hụt vốn lưu động, mà còn chứa đựng nhiều rủi ro về khả năng thanh toán.
Theo Ông Đặng Quốc Hùng- Phó Chủ Tịch Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. HCM: Hiện nay, doanh nghiệp rất muốn ngân hàng mở rộng hơn điều kiện cho vay, dựa vào đánh giá hàng tồn kho để cho vay vốn. Đây là một trong những giải pháp cứu doanh nghiệp thoát khỏi tình hình khó khăn hiện nay.
Tuy nhiên dùng hàng tồn kho để thế chấp vay vốn thực ra rất khó triển khai trong điều kiện ngân hàng đang phải cơ cấu lại các khoản nợ xấu khổng lồ và thận trọng hơn bao giờ hết với các khoản vay mới. Rủi ro đối với các ngân hàng là không nhỏ khi thực hiện giải pháp “cứu hộ” này cho các DN.
Theo các chuyên gia kinh tế, hình thức cho vay tín chấp này hoàn toàn có thể ứng dụng và triển khai tốt trong hệ thống tín dụng. Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành: Nhiều nền kinh tế vốn đã xem đây là một nghiệp vụ bình thường của tín dụng NH và nhờ đó, DN lẫn NH đều rất phát triển. Mặt khác, nếu muốn vay vốn NH bằng tài sản đảm bảo thế chấp là hàng tồn kho, họ luôn có sẵn các công ty cung ứng dịch vụ bảo lãnh, bảo hiểm, quản lý tài sản sau khi đã định giá đầy đủ. Từ đó NH cũng dễ dàng và sẵn sàng cho DN vay vốn với một lãi suất bù đắp rủi ro, và một tỉ lệ cho sau trên mặt hàng định giá hợp lý mà các bên đều chấp nhận được” .
Rủi ro đối với các ngân hàng là không nhỏ khi thực hiện giải pháp “cứu hộ” này cho các DN. (Ảnh minh họa).
Khó triển khai
Trong cơ chế thị trường nào, chuyện DN thế chấp hàng tồn kho để vay tín dụng vẫn được khuyến khích phát triển. Nhưng điều kiện kèm theo rõ ràng là phải có bảo hiểm hàng hoá tồn kho. Phải có các tổ chức bảo hiểm, phải thực thi các nghiệp vụ định giá hàng hoá bao gồm số lượng hàng, chất lượng hàng, thị trường tiêu thụ hàng khi phát mãi hoặc xác định tỉ lệ chiết khấu khi hoán chuyển hàng qua thị trường thứ cấp.
Có được những điều kiện đó, rủi ro của NH khi nhận tài sản đảm bảo thế chấp là hàng tồn kho của DN sẽ hoàn toàn được giảm thiểu. Nhiều ý kiến cho rằng, sự chia sẻ khó khăn của ngân hàng dành cho DN chắc chắn sẽ đem lại những hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng phải đưa ra những phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, minh bạch, tạo niềm tin với thị trường. Có như thế ngân hàng và các DN mới có thể bắt tay hợp tác, thể hiện giá trị tương trợ lẫn nhau.
Việc mở rộng hình thức cho vay thế chấp bằng sản phẩm của doanh nghiệp sẽ gỡ khó cho một số ngành sản xuất đang có lượng tồn kho rất cao hiện nay, cũng giúp ngân hàng tăng trưởng chỉ tiêu tín dụng đang ở mức âm kể từ đầu năm nay. Tuy nhiên khó kỳ vọng nghiệp vụ này sẽ được đẩy mạnh do thiếu các công ty cung ứng dịch vụ bảo lãnh, bảo hiểm, quản lý tài sản sau khi đã định giá. Niềm tin giữa ngân hàng và doanh nghiệp cũng bị sứt mẻ khá nhiều và cần thời gian để được khẳng định chắc chắn hơn.