Thay đổi thói quen dùng tiền mặt để chống…tham nhũng
“Việc sử dụng quá nhiều tiền mặt, là nguyên nhân, trở ngại lớn cho minh bạch và chống tham nhũng”.
Đó là phát biểu của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2015 (VEPF 2015) diễn ra vào sáng 16/12. Diễn đàn với sự tham dự của gần 300 đại biểu đến từ Chính Phủ, Bộ ngành và các tổ chức trong nước và quốc tế.
Thay đổi thói quen dùng tiền mặt
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cho rằng đây là một sự kiện rất quan trọng, có ý nghĩa trong bối cảnh thương mại điện tử ở Việt Nam phát triển rất nhanh, giao dịch qua mạng hàng năm đều tăng rất lớn nhưng thanh toán tiền mặt vẫn chiếm tỷ lệ đa số, với khoảng 65% tổng phương tiện thanh toán.
“Chúng ta đã biết nhiều giao dịch giữa Chính phủ, doanh nghiệp với người dân mặc dù đã đề ra từ rất lâu nhưng chưa thực hiện được. Vấn đề đặt ra là thanh toán điện tử có ích lợi không? Cả thế giới họ đã làm rồi. Ở những quốc gia phát triển, thanh toán điện tử chiếm tới 90% tổng thanh toán thì đã giúp GDP tăng khoảng 1%”, ông Đam nhận định.
Các đại biểu thảo luận tại Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2015
Cũng theo Phó Thủ tướng, các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật đã sẵn sàng, đáp ứng mức độ thuận tiện, hiện đại, mục tiêu của Chính phủ đối với việc thúc đẩy thanh toán trực tuyến đã được đề ra từ lâu, tuy nhiên, thói quen của người tiêu dùng vẫn chưa thay đổi. Bên cạnh đó, chúng ta cần có sự phối hợp, kết nối giữa tất cả các bên, để Việt Nam có thể hướng tới giảm thanh toán bằng tiền mặt, tạo cơ chế khuyến khích để thanh toán điện tử được nhiều người dùng hơn.
“Khuyến khích này không chỉ bắt đầu bằng giải pháp công nghệ, giảm phí dịch vụ mà còn bắt đầu bằng việc tuyên truyền để người dân hiểu và quen. Làm thế nào để thói quen đó tốt diễn ra nhanh hơn. Thói quen thanh toán tiền mặt ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh, nếu thay đổi nó thì sẽ giúp đất nước phát triển nhanh hơn. Đó còn là thước đo để thấy thế giới nhìn vào có đánh giá Việt Nam là quốc gia dân chủ, công bằng, văn minh”, Phó thủ tướng nhận định.
Hiện nay, thanh toán điện tử đang được các Bộ ngành đẩy mạnh. Ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến nay đã có 90% số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam đăng ký nộp thuế điện tử, tuy nhiên số lượng giao dịch còn chưa như kỳ vọng.
Một khía cạnh khác, thanh toán điện tử vẫn còn rất thấp. Năm 2014, mua bán trực tuyến đạt doanh số 3 tỷ USD, nhưng thanh toán điện tử chỉ chiếm khoảng 5%. Số lượng POS lắp đặt đã tăng nhanh, dự kiến có thể đạt 250.000 POS cuối năm 2015, tuy nhiên số lượng thanh toán chưa nhiều.
Cụ thể về thanh toán điện tử trong lĩnh vực thuế, ông Nguyễn Đại Trí, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết hiện ngành thuế đã ký thỏa thuận với 43 ngân hàng, trong đó 27 ngân hàng trong nước và 3 ngân hàng nước ngoài đã chính thức cung cấp dịch vụ nộp thuế điện tử. Đến cuối tháng 11 đã có 92% doanh nghiệp kê khai nộp thuế điện tử nhưng việc nộp thuế thì lại chưa cao.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, các phương thức thương mại hiện đại, xu hướng tiêu dùng mới chưa thể thực sự khởi sắc và phát huy hết ưu điểm nếu người tiêu dùng vẫn phải sử dụng tiền mặt như một công cụ chính trong quá trình mua hàng. Thanh toán điện tử có vai trò thúc đẩy thương mại điện tử, hiện đại hóa ngành dịch vụ bán lẻ tại Việt Nam phát triển đúng với quy mô và tiềm năng của thị trường.
Thanh toán tiền mặt là trở ngại chống tham nhũng
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết áp dụng thu thuế trực tuyến đồng bộ sẽ góp phần vào công cuộc cải cách thủ tục hành chính hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt là Việt Nam đang tham gia hai cuộc cách mạng mang tính thời đại là FTA và công nghệ thông tin. Để hội nhập sâu rộng vào thế giới, Việt Nam cần phải đẩy mạnh việc thanh toán điện tử.
"Thanh toán tiền mặt là trở ngại cho việc tham nhũng, không minh bạch. Sử dụng tiền mặt là văn hoá của người Việt từ lâu, khi vào cuộc chơi hội nhập với hàng loạt các cường quốc công nghệ thông tin, chúng ta phải đảo ngược tình thế phải thanh toán điện tử”, ông Lộc cho biết.
“Khi chúng ta tham gia quan hệ giao dịch với các đối tác nếu sử dụng nhiều tiền, mặt, thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt, riêng việc đó đã không có niềm tin với các đối tác”, ông Lộc nhấn mạnh.
Ông Lộc cho rằng, nộp thuế điện tử cũng là động lực khiến doanh nghiệp đổi mới mô hình quản trị theo hướng minh bạch, hiện đại hơn để bắt kịp xu hướng thay đổi của quốc tế và những quy định của cơ quan quản lý Nhà nước.
Tuy nhiên, từ việc đăng ký nộp đến việc thực hiện vẫn là chặng đường khá dài, vì vậy ông Lộc đề xuất những giải pháp tháp gỡ. Thứ nhất, phải xây dựng lòng tin cho doanh nghiệp, để họ không còn cảm thấy khó khăn và “nản” khi thử nghiệm áp dụng nộp thuế không dùng tiền mặt. Thứ hai là phải đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để doanh nghiệp hiểu chính sách và vận động họ đăng ký nộp thuế điện tử.
Đồng thời, các ngân hàng, trung gian thanh toán cũng phải kết nối với nhau để hỗ trợ doanh nghiệp nộp thuế điện tử. Về phía doanh nghiệp, trình độ công nghệ thông tin cần được nâng cao.
Trước câu hỏi, việc thu thuế của 1,5 triệu hộ gia đình kinh doanh cá thể nên được thực hiện ra sao, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, không quá khó nếu tạo được sự thuận lợi cho người nộp.
"Làm thế nào để thuận lợi thì người ta sẽ tự động làm. Do đó, cơ quan quản lý cần tạo ra môi trường thanh toán minh bạch, thuận lợi. Bên cạnh việc tuyên truyền mạnh về lợi ích của hình thức này thì nên mở rộng hình thức nộp thuế theo cách đơn giản hơn", bà Cúc cho hay.
Theo bà Cúc, đối với nhưng hộ kinh doanh cá thể, cho thuê nhà, nhiều người ít hiểu về công nghệ thông tin, do đó rất khó để cập nhật công nghệ với họ. Vì vậy, bà đề xuất nên xây dựng phương án cho phép nộp thuế qua ATM, giảm thiểu các khâu phức tạp, kê khai rườm rà.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng dường như thanh toán điện tử nói chung và hình thức POS nói riêng đang bỏ quên phần rất lớn trên thị trường khi mới chỉ tập trung ở các điểm mua sắm hiện đại, ở thành phố lớn. Trong khi đó bán lẻ truyền thống chiếm tỷ lệ lớn trên thị trường nhưng rất nhiều nơi chưa có thanh toán điện tử.
Bà Loan đề xuất cần xây dựng các giải pháp kết nối và hợp tác giữa các bộ, ngành, doanh nghiệp, người tiêu dùng.
"Làm sao để tuyên truyền, động viên để thanh toán điện tử đi vào từng phân khúc bán lẻ, trong đó không chỉ mở rộng độ phủ ở thành thị mà còn cả những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa", bà Loan nói.