Thâu tóm dự án bất động sản

Làn sóng mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực bất động sản đang tăng về lượng giao dịch và giá trị; những cuộc “trao tay, đổi chủ” dự án diễn ra ngày một nhiều, nhất là dự án có tính pháp lý tốt và vị trí đẹp.

Ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đất Xanh, cho biết doanh nghiệp này  đã tiếp hàng loạt nhà đầu tư Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Hồng Kông, thậm chí từ Mỹ đến tìm hiểu thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam.

Vốn ngoại đổ vào mạnh

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 7 tháng đầu năm 2014, BĐS là lĩnh vực đứng thứ hai về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với 20 dự án đăng ký mới, tổng vốn cấp mới và tăng thêm là 1,13 tỉ USD. Nhà đầu tư nước ngoài đang rót vốn vào BĐS chủ yếu thông qua mua bán, sáp nhập (M&A). Ngay đầu năm nay, Tập đoàn Tung Sing (Hồng Kông) đã mua lại 53% cổ phần của khách sạn Movenpick Sài Gòn, Lotte Mart (Hàn Quốc) mua lại Pico Plaza để mở rộng hoạt động. Mới đây, Tập đoàn BĐS Sun Wah Việt Nam cũng cam kết đầu tư vào dự án Bay Water (TP HCM). Tại Khánh Hòa, một nhà đầu tư Israel đã cam kết rót 300 triệu USD vào dự án khu du lịch Bãi Rồng Resort và đổi tên thành Alma Resort.

Thâu tóm dự án bất động sản - 1

Tập đoàn NovaLand đã mua lại dự án Lexington Residence ở quận 2, TP HCM của một nhà đầu tư khác. Ảnh: Tấn Thạnh

Ông Marc Townsend, Tổng giám đốc điều hành Công ty Nghiên cứu thị trường CBRE Việt Nam, cho rằng trong 2 năm qua, có đến 63% số lượng giao dịch BĐS thành công là do nhà đầu tư nước ngoài thực hiện. “Dù xu hướng đi lên của thị trường BĐS chưa rõ nét nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn kỳ vọng vào Việt Nam. Trong năm nay, một số nguồn tiền đầu tư đang quay lại đổ vào BĐS, nhất là ở các công ty có dự án tốt, vị trí đẹp” - ông Marc Townsend nhận định.

Làn sóng M&A các dự án BĐS không chỉ rầm rộ ở dòng vốn ngoại mà nhiều giao dịch của doanh nghiệp (DN) trong nước cũng được chú ý. Tháng 5-2014, Hoàng Anh Gia Lai công bố rút vốn khỏi dự án Đông Nam tại TP HCM, chuyển giao cho Him Lam. Ông Lương Trí Thìn cho biết Đất Xanh đã mua lại nhiều dự án ở TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và xu hướng thâu tóm dự án qua M&A đang được tiếp tục đẩy mạnh. Trong đó, dự án căn hộ chung cư Riverside Garden (quận Thủ Đức) với tổng mức đầu tư gần 800 tỉ đồng và dự án khu nhà ở tại phường Phước Long A, quận 9 với diện tích 7,5 ha, tổng mức đầu tư dự kiến trên 1.000 tỉ đồng sẽ được Đất Xanh triển khai xây dựng và khai thác trong năm 2015. Trước đó, Công ty Xây dựng Thanh Hóa đã mua lại 95% cổ phần dự án Sky Park Residence (Hà Nội) và hàng loạt đơn vị khác như Nam Long, Hưng Thịnh, Novaland… cũng đẩy mạnh tìm kiếm dự án tốt qua M&A.

Thời “trao tay, đổi chủ”

Theo các DN BĐS, xu hướng M&A xuất hiện từ giữa năm 2013 khi giá BĐS trên thị trường bắt đầu chạm đáy và sẽ còn tiếp tục thời gian tới. Giai đoạn bùng nổ BĐS năm 2007 với những cơn sốt ảo đã qua, nay thị trường bắt đầu sàng lọc những DN chuyên nghiệp, có tài chính mạnh, chiến lược bài bản. Ông Lương Trí Thìn cho rằng DN nhỏ không chuyên nghiệp sẽ khó trụ được trong khó khăn, ngay một số DN lớn nhưng đầu tư ngoài ngành cũng phải thoái vốn khỏi BĐS, giúp làn sóng M&A tăng mạnh.

Công ty Savills Việt Nam cho biết một số chủ đầu tư BĐS quyết tâm bán dự án nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính, còn DN có nguồn tài chính mạnh lại mong có được những dự án này nhằm tận dụng sự phục hồi của thị trường nên nhiều thương vụ M&A đã diễn ra thành công. “Sự quan tâm của nhà đầu tư Nhật, Hàn Quốc - vốn chiếm phần lớn các hoạt động M&A trong 2 năm qua - dự kiến tiếp tục tăng. Chúng tôi cũng nhìn thấy nhu cầu ngày càng tăng của nhà đầu tư Singapore, Đài Loan ở phân khúc nhà ở, văn phòng” - TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc đầu tư của Savills Việt Nam, cho biết.

Trong khi các DN lớn quyết định rất mau lẹ để bán dự án thì DN nhỏ có 1-2 dự án lại chần chừ bởi họ không chấp nhận sự thật mình đang bị thị trường thanh lọc và chỉ nhìn vào giá BĐS trong quá khứ. “Bài học trong cơn khủng hoảng tài chính năm 1997-1998 ở Thái Lan, Philippines cho thấy những DN Thái thời điểm đó chấp nhận bán lỗ đến 70%, thu tiền về thì nay tồn tại; còn DN nào khư khư giữ lại lô đất, dự án của họ, phần lớn đều phá sản. Thị trường BĐS rất đơn giản, thắng nhau ở sản phẩm, vị trí và những quyết định kịp thời” - ông Nguyễn Vĩnh Trân, Tổng Giám đốc Công ty CP Nam Long, nhận xét.

Nguy cơ làm thuê trên sân nhà

Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn, ông Đoàn Chí Thanh, cho rằng thị trường BĐS vẫn còn nhiều khó khăn, cuộc chơi không còn dành cho những DN “tay không bắt giặc”. Hiện có nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhảy vào mua lại các dự án BĐS bởi họ nhìn thấy được giá rẻ, cơ hội khi thị trường hồi phục trong 2-3 năm tới. Lãi suất ở nước ngoài cũng thấp hơn nhiều so với Việt Nam nên việc đầu tư chờ cơ hội là có.

Trong khi DN nội ngày càng “teo tóp” thì nhà đầu tư ngoại lại nhảy vào “ôm” các dự án BĐS ở những vị trí đẹp, tiềm năng nên các chuyên gia cho rằng nguy cơ DN BĐS trong nước phải làm thuê trên sân nhà là rất lớn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Phương (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN