Thao túng lãi suất, RBS bị phạt 610 triệu USD
Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS) vừa chịu án phạt hàng trăm triệu USD do thao túng lãi suất liên ngân hàng Anh hay (lãi suất Libor).
Việc thao túng lãi suất liên ngân hàng đang được xem là một trong những vấn đề lớn tồn tại trong hệ thống ngân hàng thế giới. Trước RBS, các ngân hàng Barclays và UBS cũng đã phải chịu các án phạt lên tới hàng tỷ USD, trong khi các ngân hàng Citigroup và JP Morgan Chase đang nằm trong diện điều tra.
Lãi suất Libor được xác định dựa trên ước tính của các ngân hàng lớn về mức chi phí mà họ phải bỏ ra để đi vay từ các ngân hàng lớn khác. Theo các nhà chức trách Anh và Mỹ, RBS cùng với một loạt các ngân hàng lớn khác đã cùng thỏa thuận để bóp méo lãi suất liên ngân hàng thực sự theo hướng có lợi cho các giao dịch của mình.
Logo của ngân hàng RBS. Ảnh: Getty
Hiện RBS đã thừa nhận việc làm sai trái của mình. Án phạt họ phải nộp cho các nhà chức trách có thể lên tới 610 triệu USD. Theo chính phủ Anh - hiện đang sở hữu 80% ngân hàng RBS, số tiền phạt sẽ được lấy từ các khoản thưởng đáng lẽ dành cho lãnh đạo ngân hàng và từ các cá nhân đã trực tiếp tham gia vào vụ thao túng này.
“Yêu cầu của tôi là những ông chủ ngân hàng chứ không phải là những người đóng thuế của nước Anh phải trả khoản phạt này, họ là những người đã làm sai trái, nên sẽ phải đối mặt với sự trừng phạt của pháp luật. Đây chính là vấn đề lớn đang tồn tại của hệ thống ngân hàng. Trong năm 2013, những cải cách của chúng tôi sẽ biến sự cáu giận của người dân thành động lực để thay đổi”, ông George Osborne, Bộ trưởng Tài chính Anh nói.
Trước đó, các ngân hàng Barclays và UBS đã phải nộp phạt lần lượt 450 triệu USD và 1,3 tỷ USD cũng do thao túng lãi suất Libor. Tuy nhiên, số ngân hàng bị phạt sẽ không dừng ở đó khi mà các cuộc điều tra đang mở rộng ra những tên tuổi lớn ở Mỹ, Đức, Canada và Nhật. Morgan Stanley đã ước tính có khoảng 11 ngân hàng lớn của thế giới có thể bị phạt, với số tiền tổng cộng có thể lên đến khoảng 14 tỉ USD vì vụ việc này.