Thành triệu phú nông dân nhờ nuôi chim cút
Xã Đại Mạch, Đông Anh (Hà Nội) có hơn 100 hộ gia đình nuôi chim cút. Trong số đó, không ít người làm giàu từ loài gia cầm này, thu hàng trăm triệu mỗi năm.
Nuôi chim cút lấy trứng và thịt từ lâu đã là ngành nghề chính của các hộ nông dân Xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội. Những năm gần đây, nghề này đã mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho người nông dân, phần nào giúp xã Đại Mạch hoàn thành được các chủ trương xóa đói giảm nghèo. Trong các hộ gia đình nuôi chim cút nhiều tại xã Đại Mạch có gia đình anh Chiến ở thôn Đại Đồng. Nhà anh đang nuôi khoảng 15.000 chim cút trưởng thành, mỗi ngày gia đình thu được khoảng 13.000 trứng cút cung cấp cho các lò ấp và thị trường thực phẩm quanh Hà Nội.
Việc nuôi chim cút cũng giống như nuôi các gia cầm khác, có nhiều công đoạn khác nhau. Trứng chim cút đưa vào lò ấp khoảng 12 - 14 ngày rồi đưa một số ra bán trứng cút lộn, một số để đến 17 - 18 ngày thì nở. Sau khi chim cút nở sẽ được nuôi úm trong vòng 1 tháng rồi phân loại chim cút trống - mái và cho lên chuồng, tỷ lệ 1 trống - 2 mái. Các chim cút loại sẽ được bán làm chim thực phẩm lần một, mỗi chim được chừng 100g. Số chim này giao tới các lái buôn với giá 2.000 - 2.500 đồng/con.
Anh Chiến tiết lộ, có những thời điểm, lái buôn còn tìm đến hỏi mua những chim cút non 6 - 8 ngày tuổi với giá khoảng 1.500 đồng để giao cho các cửa hàng thực phẩm chế biến giả chim sẻ. Theo anh Chiến, chim này tuy không độc hại nhưng còn non, khách hàng không tinh ý sẽ bị lừa. Tuy nhiên, thời gian gần đây người dùng cũng cảnh giác hơn nên ít lái buôn mua loại chim này. Hơn nữa những người chăn nuôi như anh Chiến đều không muốn bán khi chim còn quá non vậy.
Chim cút nuôi chuồng từ lúc nở đến tháng thứ 2 thì cho ra trứng, tỷ lệ 8 trứng - 10 chim mỗi ngày. Giá trứng cút thay đổi theo giá thị trường, bình quân nhà anh bán với giá 500 đồng/quả, có thời điểm lên tới 750 đồng/quả nhưng cũng có những lúc chỉ 350 đồng/quả. Hiện tại, giá trứng cút đang ở mức khá cao, khoảng 700 đồng/quả. Một lứa chim cút thường kéo dài khoảng 6 tháng thì loại thành chim thực phẩm lần 2, mỗi chim được chừng 400g, bán cho các lái buôn giá 13.000 - 14.000 đồng/kg.
Một năm, gia đình anh Chiến nuôi 2 lứa chim cút, thu nhập từ chim cút sau khi trừ tất cả các chi phí thức ăn, thuốc phòng dịch, nhân công, chuồng trại, gia đình anh thu lại được chừng 500 -600 triệu đồng. Cơ ngơi này của gia đình anh Chiến có được cũng là từ nuôi chim cút, gà. Từ lúc trong tay không có một đồng vốn, anh đánh liều vay mượn ngân hàng và anh chị em bạn bè để đấu thầu đất canh tác và gây giống chăn nuôi. Thời điểm đầu kiến thức kinh nghiệm không có, thất bát nhiều, nợ nần tưởng không trả nổi, anh Chiến đã từng nghĩ đến bỏ cuộc. Nhưng được sự động viên của gia đình, bạn bè, anh chiến lại tìm cách đứng dậy làm lại. Những cái sai thì rút kinh nghiệm, lại đi học hỏi kiến thức nuôi trồng từ những hộ nuôi trồng lâu năm và những chuyên gia. Dần dần anh Chiến bắt đầu có lãi từ chăn nuôi, lại mạnh dạn đầu tư lớn hơn.
Tuy thu nhập ước tính như vậy, nhưng theo anh Chiến đó là may mắn 3 năm mới có được 1 năm thuận lợi từ chăn nuôi cho đến tiêu thụ. Thực chất chăn nuôi là nghề bấp bênh, người nông bị phụ thuộc vào sức mua thị trường, bị ảnh hưởng bởi bệnh dịch. "Có những lúc trứng cút 200 đồng/quả mà không ai thèm mua, cũng có lần gặp dịch phải tiêu hủy cả đàn, thậm chí chỉ nghe thông tin về dịch, người tiêu dùng đã quay lưng với sản phẩm thịt, trứng gia cầm, khiến người nuôi khóc ròng" , anh Chiến chia sẻ.
Ngoài ra trên mảnh đất hơn 1.000m của mình anh Chiến còn nuôi khoảng 300 con gà thịt, 200 gốc bưởi diễn và 100m2 ao cá. Nghề chăn nuôi giúp gia đình anh trở thành 1 trong số những hộ gia đình có kinh tế tốt ở Xã Đại Mạch.
Anh Chiến tâm sự, trước kia Đại Mạch có đến hơn 300 hộ chăn nuôi, trong đó có đến hơn 200 hộ nuôi chim cút. Tuy nhiên sau rất nhiều lần bệnh dịch, thất bát, con số này giảm xuống còn hơn 100 hộ. Anh Chiến cho biết, người nông dân không ngại khó, ngại khổ, nhưng cũng luôn mong nhận được sự hỗ trợ, quan tâm nhiều hơn liên quan đến vấn đề vốn vay, tập huấn kiến thức, hướng dẫn. Ngoài ra anh cũng mong sở vệ sinh phòng dịch cũng theo sát hơn với tình hình thực tế, điều tra xét nghiệm kỹ trước khi công bố dịch, khi có dịch thì khoanh vùng chặt và cụ thể hơn. Có như vậy mới giúp người chăn nuôi sống và làm giàu được từ mảnh đất của mình.