Thanh toán không dùng tiền mặt: Không dễ!

Việc thanh toán không dùng tiền mặt đem lại nhiều lợi ích cho quốc gia cũng như cho doanh nghiệp và cá nhân về mặt thời gian, tiền bạc… Nhưng còn quá nhiều yếu tố kìm hãm khiến Việt Nam phát triển chậm nhất các nước Đông Nam Á về lĩnh vực này.

Chính phủ vừa phê duyệt đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Từ năm 2016 đến năm 2020 mục tiêu 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt. 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. 50% cá nhân, hộ gia đình ở các TP lớn sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Ban cố vấn Chính phủ, thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng tất yếu của sự phát triển. Việc thanh toán không dùng tiền mặt đem lại nhiều lợi ích cho quốc gia cũng như cho doanh nghiệp và cá nhân về mặt thời gian, tiền bạc…

Tham nhũng, rửa tiền... không thích thanh toán không tiền mặt

Thanh toán không dùng tiền mặt: Không dễ! - 1

TS Lê Xuân Nghĩa

Phóng viên: Ai cũng rõ lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt, vậy tại sao đến nay việc này vẫn trì trệ, thưa ông?

+ TS Lê Xuân Nghĩa: Việt Nam vẫn là một nước đang phát triển, môi trường, trình độ, văn hóa… là các yếu tố khiến chúng ta vẫn sử dụng tiền mặt nhiều hơn là thanh toán qua thẻ, qua ngân hàng (NH).

Có một nghiên cứu cho thấy cứ có ba người trưởng thành ở Việt Nam thì chỉ có một người mở tài khoản ở NH. Mà tài khoản này không phải là tài khoản ATM hay tài khoản thanh toán mà là tài khoản tiết kiệm. Mở ra bỏ tiền vào đó cất đi để dành. Việt Nam là quốc gia có số lượng thanh toán không dùng tiền mặt thấp nhất khu vực Đông Nam Á.

Đấy là con số những người trưởng thành và lợi ích nói chung về thanh toán không dùng tiền mặt. Nhưng với những người có thu nhập thấp lương 3-4 triệu đồng/tháng, sau khi nhận lương xong họ đem về trả tiền điện, nước… rồi ra chợ “cóc” mua thức ăn thì việc không dùng tiền mặt chẳng đem lại lợi ích gì cho họ.

Còn đối với một số đơn vị thì việc người dân thanh toán qua NH không đem lại ưu đãi hay lợi lộc gì cho họ cả.

Cũng không loại trừ một số quan chức tham nhũng… chuyển khoản thì rất dễ bị lộ nên nhận tiền mặt sẽ an toàn hơn. Và đặc biệt dùng tiền mặt cũng khiến đối tượng buôn bán ngầm, xã hội đen, ma túy, mại dâm… rửa tiền một cách dễ dàng hơn. Tất cả yếu tố trên khiến lộ trình thanh toán không dùng tiền mặt phát triển chậm.

Ông nói rằng một số đơn vị không được lợi gì từ việc chấp nhận người dân thanh toán qua NH, cụ thể thế nào?

+ Chẳng hạn các dịch vụ thu tiền điện, nước… Rõ ràng họ có một số lượng nhân viên hằng ngày đi gõ cửa từng nhà để thu tiền nay cũng chẳng thể cho nghỉ làm. Bởi vậy người ta vẫn muốn đi thu trực tiếp hơn là muốn người dân đóng qua NH. Chưa kể một số đơn vị họ còn yêu cầu nếu thanh toán qua NH phải là NH quốc doanh chứ NH thương mại là không chịu. Trong khi rất nhiều NH thương mại có dịch vụ tốt, phần mềm tốt và muốn làm.

Thanh toán không dùng tiền mặt: Không dễ! - 2

Việc thanh toán không dùng tiền mặt là chủ trương hoàn toàn đúng và nên làm sớm.

NHNN phải thành lập một trung tâm thanh toán bù trừ tự động

Như vậy với việc triển khai đề án này của Chính phủ, theo ông thì cần các điều kiện gì để phát triển một cách triệt để và hiệu quả của đề án?

+ Trước hết chúng ta phải thừa nhận chủ trương này hoàn toàn rất đúng và nên làm sớm. Vậy muốn làm thì điều kiện đầu tiên NH Nhà nước (NHNN) phải đứng ra thành lập một trung tâm thanh toán bù trừ tự động. Hiện nay chúng ta có trung tâm thanh toán liên NH rồi, nghĩa là giữa các NH với nhau. Còn trung tâm này là giữa người dân-doanh nghiệp mới là điều quan trọng. Trung tâm này điều phối giữa các bên. Chẳng hạn, một khách hàng mua một chiếc xe hơi 1 tỉ đồng, bản thân anh ta có tiền ở NH hay đi vay không quan trọng nhưng trung tâm thanh toán tự động này kết nối được hết với đơn vị bán xe, với NH thương mại cho khách hàng vay hay là nơi khách hàng đang mở thẻ. Khách hàng chỉ cần xác nhận là mua xe và tiền chuyển về đơn vị bán xe thì trung tâm này tự động sẽ xử lý. Đây chỉ là vấn đề của phần mềm thông minh mà thôi.

Việc kết nối tài khoản các NH của khách hàng với nhau có làm mất đi tính bảo mật của khách hàng và doanh nghiệp, hay việc này có làm các đơn vị sợ bị ăn cắp khách hàng của mình không, thưa ông?

+ Đúng, vấn đề bảo mật cực kỳ quan trọng. Bởi vậy NHNN phải đứng ra thành lập trung tâm này, phải có Bộ Công an cùng giám sát và cam kết của các đơn vị liên quan. Xin lưu ý trung tâm này không chỉ kết nối đồng bộ giữa các NH với nhau, mà là các đơn vị doanh nghiệp và hàng triệu khách hàng, người dân. Chẳng hạn như anh thanh toán cho siêu thị hay anh thanh toán cho doanh nghiệp mua vật tư… thì đều qua trung tâm thanh toán bù trừ này.

Trung tâm thanh toán bù trừ này có khó không khi Việt Nam vẫn đang còn là một nước trên đà phát triển?

+ Hoàn toàn không khó và không tốn kém chút nào. Một trung tâm hoàn thiện mất khoảng 3-4 năm. Cách đây tầm 15 năm Mỹ đã từng qua Việt Nam đặt vấn đề thành lập một trung tâm thanh toán tự động như vậy nhưng không hiểu vì lý do gì mà cuối cùng vấn đề không còn được đề cập nữa. Các nước gần Việt Nam như Singapore, Malaysia, Hong Kong hay như Thái Lan… họ đều đã có trung tâm này từ lâu rồi.

Tại Mỹ còn có những hai trung tâm thanh toán. Một trung tâm do NH trung ương đứng ra làm đầu mối và một đơn vị do tập đoàn tư nhân đứng ra làm đầu mối. Tuy nhiên, dù NH đứng ra hay tư nhân đứng ra thì đều bị quản lý, kiểm soát bởi NH trung ương và cơ quan an ninh. Chẳng hạn NH trung ương Mỹ đứng ra thành lập trung tâm nhưng vốn của họ chỉ bỏ ra 40% và quản lý dưới dạng kiểm soát. Hay tập đoàn kia đứng ra thành lập trung tâm nhưng vẫn chịu sự giám sát của an ninh để đảm bảo tính tuyệt mật của khách hàng, người dân.

Xin cám ơn ông.

Cần đưa môn tài chính vào trường phổ thông

Tôi cho rằng nên đưa vào trường học phổ thông vài tiết về môn tài chính. Học sinh cấp II ở nước ngoài hay từ nhỏ đã được dạy về việc giao dịch ở NH, hiểu được cơ bản các khái niệm về cung cầu, thậm chí là kinh tế. Trước mắt chúng ta cứ đẩy mạnh việc thanh toán ở các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ… Và hãy khuyến khích dân chúng là những người trưởng thành mở tài khoản ở NH…

Song song đó NH phải tạo điều kiện để khách hàng mở và thực hiện các giao dịch thuận tiện nhất. Sao cho hướng đến mục tiêu khi đã có trung tâm thanh toán bù trừ rồi khách hàng không cần đến NH viết sec hay làm ủy nhiệm thu/chi mà chỉ cần dùng điện thoại di động, iPad, máy tính xử lý tất cả thủ tục một cách bảo mật và an toàn nhất.

TS Lê Xuân Nghĩa

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yên Trang (Pháp luật TPHCM)
Tiền tệ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN