Thâm hụt ngân sách, 'vá' sao cho hết thủng

Không phải ngẫu nhiên trong báo cáo trước Quốc hội, khi “liệt kê” những khó khăn chính phải đối mặt thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã xếp nợ công vào vị trí số 1 với điểm nhấn về thâm hụt ngân sách. Khó khăn này sẽ còn lớn hơn nếu “vấn nạn” chi tiêu ngân sách “vung tay” không được giải quyết.

Thâm hụt ngân sách, 'vá' sao cho hết thủng - 1

Khu nhà công vụ Hoàng Cầu không thu hồi được, ngân sách phải chi tiền mua nhà công vụ mới. Ảnh: Phạm Thanh.

Bài 1: Của công nên xài thoải mái?

Dù ngân sách nhà nước khó khăn, việc thắt chặt chi tiêu được nói tới nhiều, nhưng thực tế sự lãng phí vẫn cứ… nối dài. Doanh nghiệp nhà nước vay đầu tư không hiệu quả khiến tiền thuế của dân góp phải “gánh” trả thay.

Trong câu chuyện sử dụng nhà công vụ, thực tế hàng chục căn hộ phân cho cán bộ tại khu nhà công vụ Hoàng Cầu (Hà Nội) chưa thu hồi được, dù nhiều cán bộ không còn tiêu chuẩn sử dụng (đã về hưu, chuyển công tác...).

Sắm nhà công vụ, xe công, dự án đội vốn

Trong khi đó, Nhà nước lại tiếp tục chi số tiền lớn để mua hơn 100 căn hộ chung cư tại khu đô thị mới Mỹ Đình - Mễ Trì (Từ Liêm, Hà Nội) và khu đô thị mới Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) làm nhà công vụ, bố trí cho cán bộ các cơ quan trung ương chưa có nhà ở tại Hà Nội.

Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2015 của Kiểm toán Nhà nước công bố mới đây, hàng loạt vấn đề như mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản công cũng được chỉ ra. Trong đó, ô tô công vẫn bị sử dụng bừa bãi nhất. Như Bộ Y tế sử dụng vượt 17 ô tô so với định mức, trong đó Đại học Y Dược TPHCM vượt 5 xe, Bệnh viện Việt Đức vượt 3 xe, Bệnh viện Phong da liễu Trung ương Quỳnh Lập vượt 2 xe… Ngoài ra, Bộ Y tế cũng chưa thu hồi 6 ô tô công thuộc Dự án Đồng bằng sông Cửu Long (đã kết thúc từ năm 2013) theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Hay tại Dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 (Sân bay Nội Bài, Hà Nội), dù Chính phủ và Bộ GTVT không đồng ý trang bị xe cho nhà thầu, đơn vị tư vấn, ban quản lý dự án. Tuy nhiên, thực tế dự án đã chi tiền mua 3 ô tô, 24 xe máy cung cấp cho tư vấn, tổng chi phí mua xe và xăng dầu là hơn 9,8 triệu yên Nhật và hơn 14 tỷ đồng.

Dù Chính phủ đã yêu cầu thắt chặt chi đầu tư, hạn chế khởi công mới những dự án chưa cần thiết. Tuy nhiên, theo Kiểm toán Nhà nước, dự án khởi công mới vẫn tăng mạnh và chiếm gần một nửa số dự án có vốn nhà nước thực hiện trong năm, đặc biệt phổ biến ở cấp địa phương. Như năm 2014, có hơn 45% số dự án là khởi công mới. Những dự án khởi công mới tập trung chủ yếu ở một số địa phương như Phú Yên chiếm hơn 77% là dự án mới, TPHCM hơn 76%, Long An hơn 74%, Khánh Hòa gần 69%...

Năm 2003, số tạm ứng từ Kho bạc Nhà nước mới hơn 9.000 tỷ đồng, năm 2010 đã lên hơn 102.600 tỷ đồng và năm 2014 hơn 120.700 tỷ đồng. Tuy số dư tạm ứng tăng dần, nhưng không có quy định nào về thời hạn trả.

Cùng với đó, nhiều dự án chậm tiến độ, phải điều chỉnh, đội vốn lớn. Điển hình như dự án cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, chậm tiến độ 3 năm, công tác khảo sát, lập và phê duyệt dự án đầu tư không tuân thủ quy định, dẫn tới phải điều chỉnh. Đây là nguyên nhân khiến tổng mức đầu tư phải điều chỉnh tăng 2 lần, lần 1 tăng thêm hơn 6.000 tỷ đồng, lần 2 thêm hơn 4.700 tỷ đồng. Dù vậy, chủ đầu tư không phân tích rõ nguyên nhân để xử lý trách nhiệm các bên liên quan.

Tương tự, Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Nhật Tân - Nội Bài cũng sai sót trong lập dự án, chậm tiến độ, dẫn tới tổng mức đầu tư phải điều chỉnh tăng lên hơn 6.700 tỷ đồng (thêm gần 2.000 tỷ đồng, tăng 36%). Thậm chí, chủ đầu tư còn tính sai khối lượng, định mức, đơn giá với số tiền hơn 31 tỷ đồng.

Trong phong trào xây dựng trung tâm hành chính tập trung tại các tỉnh cũng xảy ra nhiều vấn đề. Như dự án xây dựng Trung tâm hành chính Đà Nẵng, mới đây dư luận xôn xao khi tòa nhà “ngàn tỷ” này thiết kế không hợp lý dẫn tới quá trình sử dụng gặp nhiều bất cập. Chưa kể, những sai sót này khiến vốn đầu tư dự án tăng tới 142%, từ 880 tỷ đồng lên hơn 2.100 tỷ đồng.

Điều tương tự cũng xảy ra với Dự án xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật Trung tâm Hành chính - Chính trị tỉnh Hòa Bình, khiến tổng mức đầu tư tăng tới 173%. Dự án Trung tâm hành chính Lâm Đồng điều chỉnh tăng vốn 2 lần, từ hơn 495 tỷ đồng lên hơn 1.000 tỷ đồng (tăng 105%)…

ODA - Cần lập lại trật tự

Trong phiên họp sáng 16/8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, các thành viên ủy ban bày tỏ sự “khó hiểu” với việc phân bổ vốn vay nước ngoài (ODA). Theo nhiều đại biểu, đang xảy ra thực trạng: Có nơi cần, đã hoàn thành thủ tục, có kế hoạch sử dụng thì không được bố trí vốn, có nơi chưa cần lại bố trí. Chính vì vậy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phải đề nghị Bộ KH&ĐT, Tài chính báo cáo Chính phủ để lập lại trật tự kỷ cương, thực hiện nghiêm việc quản lý sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, trong đó có vốn ODA. Tất cả chủ trương, quyết định phân bổ, điều chỉnh phải đúng thẩm quyền, đối tượng.

Kiểm toán Nhà nước cũng đánh giá, năm 2014, việc giao kế hoạch vốn ODA của Bộ KH&ĐT chưa phù hợp với đăng ký nhu cầu vốn của các bộ ngành, địa phương, khi giao thấp so với nhu cầu tới hơn 24.300 tỷ đồng. Bộ này cũng giao kế hoạch hơn 4.500 tỷ đồng vốn ODA cho 254 dự án không đăng ký, trong khi có 359 dự án đăng ký số vốn hơn 7.000 tỷ đồng lại không được giao vốn. Một số dự án hoàn thành nhiều năm trước nhưng không giao đủ vốn, nên năm 2014 vẫn phải bố trí kế hoạch chi trả… Điều này dẫn tới giải ngân ngoài dự toán lớn. Đây là nguyên nhân chính làm tăng bội chi ngân sách, phá vỡ kế hoạch ngân sách nhà nước đã được Quốc hội phê duyệt.

Không chỉ bội chi cao, theo Kiểm toán Nhà nước, số dư tạm ứng tồn ngân Kho bạc Nhà nước để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước cũng tăng dần qua từng năm. Như năm 2003, số tạm ứng từ Kho bạc Nhà nước mới hơn 9.000 tỷ đồng, năm 2010 đã lên hơn 102.600 tỷ đồng và năm 2014 hơn 120.700 tỷ đồng. Tuy số dư tạm ứng tăng dần, nhưng không có quy định nào về thời hạn trả, nên về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến thanh khoản của hệ thống Kho bạc Nhà nước, tới khả năng cân đối bền vững.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhà nước được Chính phủ bảo lãnh vay vốn chưa thực hiện các biện pháp để giảm thiểu rủi ro; nhiều dự án sử dụng vốn không hiệu quả, khó trả nợ. Tính hết năm 2014, tổng dư nợ nước ngoài quá hạn của các dự án lên tới hơn 1,29 tỷ USD. Trong đó, Vinashin (nay là SBIC) có tới 60 dự án với số nợ 281,3 triệu USD, Dự án nhà máy xi măng Thái Nguyên nợ 21,48 triệu USD, Xi măng Hạ Long nợ 10,3 triệu USD… Ngoài ra, có 10 dự án Chính phủ bảo lãnh phải ứng vốn từ Quỹ tích lũy để trả nợ với số tiền 4.703 tỷ đồng.

(Còn nữa)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Hữu Việt (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN