“Thảm họa” Hy Lạp gây loạn Phố Wall

Nền kinh tế Mỹ có nhiều dấu hiệu tốt nhưng “thảm họa” Hy Lạp đang gây loạn Phố Wall.

Cổ phiếu đã bị lu mờ trong những giờ cuối cùng của phiên giao dịch sau thông tin khách hàng đã rút 700 triệu euro từ hệ thống ngân hàng Hy Lạp. Nỗi lo ngại bao trùm lên tất cả thị trường khi các nhà lãnh đạo của Hy Lạp không đồng ý về một chính phủ liên minh.

Nỗi sợ hãi khiến các chỉ số chứng khoán chính tại thị trường Mỹ tiếp tục chìm trong sắc đỏ. Chỉ số Dow Jones xuống mức thấp nhất tính từ tháng 1, giảm 10 phiên liên tiếp. Chỉ số S&P 500 ở mức thấp nhất tính từ ngày 02/02.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/05/2012, chỉ số Dow Jones giảm 63,35 điểm, tương ứng 0,50%, đóng cửa ở mức 12.632,00 điểm. Trong số 30 cổ phiếu đang niêm yết tại đây, cổ phiếu của hãng công nghệ HP và hãng Home Depot dẫn đầu mức giảm điểm với 2,46% và 2,43%.

Chỉ số S&P 500 giảm 7,69 điểm, tương ứng 0,57%, dừng ở mức 1.330,66 điểm. Tất cả 10 chỉ số ngành trên S&P 500 đều giảm điểm trong phiên này trong đó, cổ phiếu ngành nguyên vật liệu và năng lượng giảm mạnh nhất.

Chỉ số Nasdaq hạ 7,69 điểm, tương ứng 0,57%, chốt phiên ở mức 2.893,76 điểm. Như vậy, chỉ số này vẫn cách xa ngưỡng 3.000 điểm quan trọng. Chỉ số này hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng 3 tháng trở lại đây.

Chỉ số CBOE Volatility Index, VIX, chỉ số đo mức độ sợ hãi của các nhà đầu tư, tăng vượt mức 22 điểm lần đầu tiên trong vòng gần 3 tháng trở lại đây.

Có khoảng 7,28 tỷ cổ phiếu được giao dịch thành công trên cả 3 sàn giao dịch New York, America Exchange và Nasdaq. Khối lượng này đã cao hơn so với mức bình quân 6,78 tỷ cổ phiếu tính từ đầu năm tới nay.

Tại sàn giao dịch New York, tỷ lệ cổ phiếu giảm điểm so với số lượng cổ phiếu tăng điểm là 2/1. Trong khi đó, tại sàn giao dịch Nasdaq, tỷ lệ này là 14/11.

“Thảm họa” Hy Lạp gây loạn Phố Wall - 1

Nền kinh tế Mỹ có nhiều dấu hiệu tốt nhưng “thảm họa” Hy Lạp đang gây loạn Phố Wall.

Trong phiên giao dịch hôm qua, Bộ Thương mại Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 4 không đổi, điều này nằm trong dự báo của các chuyên gia kinh tế. Đây được xem là tín hiệu đáng lạc quan cho nền kinh tế.

Trong khi đó, doanh số bán lẻ chỉ tăng nhẹ trong tháng qua do ảnh hưởng tích cực của thời tiết. Tuy nhiên, tin xấu là lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp tăng nhẹ lên mức cao kỷ lục 1,58 nghìn tỷ USD.

Hiệp hội Bất động sản Quốc gia công bố chỉ số niềm tin của các nhà xây dựng đã tăng từ mức 24 điểm trong tháng 4 lên mức 29 điểm trong tháng 5, vượt xa mức 26 điểm – mức dự báo của các chuyên gia kinh tế và mức điểm này cũng chạm mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, Hy Lạp vẫn là yếu tố có tác động mạnh nhất tới thị trường. Các chính trị gia Hy Lạp không đồng ý thành lập chính phủ liên minh trong các cuộc đàm phán cuối cùng. Thông tin này đẩy chỉ số Athens Composite xuống mức thấp 22 năm. Một chính phủ lâm thời có thể được hình thành sau cuộc bầu cử diễn ra vào tháng sáu.

Paul Zemsky, giám đốc quản lý tài sản cho ING Investment Management nhận định: “Đó là nỗi sợ hãi thảm kịch châu Âu. Rời khỏi đồng euro chắc chắn sẽ là thảm họa cho Hy Lạp. Nền kinh tế nước này sẽ bị trả giá nhiều. Tuy nhiên, họ vẫn đang lưỡng lự giữa hai con đường. Và điều gì cũng có thể xảy ra. Chúng ta đang có nhiều dữ liệu kinh tế khả quan của Mỹ nhưng mọi người vẫn sợ hãi khi nắm cổ phiếu”.

Tin từ Hy Lạp làm lu mờ tin tốt từ Đức, đầu tàu kinh tế châu Âu. Theo báo cáo mới nhất, GDP của Đức tăng 0,5% khi xuất khẩu đã giúp nền kinh tế phục hồi trở sau một quý thất bát.

Matt Lloyd, chiến lược gia đầu tư trưởng tại Advisors Asset Management cho biết: “Cả hai thông tin này thay đổi quan điểm của tôi về thị trường. Đó chính là nguy cơ sẽ dồn tới nới khủng hoảng trở lại châu Âu và khó khăn tại Trung Quốc”.

Trong khi dự báo thị trường tiếp tục có nhiều biến động, Matt Lloyd khuyến nghị nhà đầu tư nên tận dụng lợi thế giá rẻ của thị trường, đặc biệt là các cổ phiếu ngành công nghệ, tiêu dùng và tài chính, trong đó có “đại gia” lỗ nặng JPMorgan.

Màu đỏ cũng phổ biến trên thị trường chứng khoán châu Âu. Chỉ số Stoxx Europe 600 tiếp tục giảm 0,7% đóng cửa ở mức 245,76 điểm. Như vậy, chỉ số này chỉ còn tăng 0,5% tính từ đầu năm đến nay. Chỉ số FTSEurofirst 300, chỉ số của các cổ phiếu bluechip tại khu vực châu Âu, giảm 0,7% xuống 996,85 điểm. Đây là lần đầu tiên chỉ số này để mất mốc 1.000 điểm kể từ ngày 29/12/2011.

Có tới 16 trong tổng số 18 chỉ số chứng khoán chính tại khu vực châu Âu mất điểm trong phiên này. Thị trường chứng khoán Hy Lạp tiếp tục là tâm chấn khi chỉ số chứng khoán AGI tiếp tục giảm tới 3,6%, mức giảm tồi tệ nhất trong số các chỉ số chứng khoán cùng khu vực, về mức 562,88 điểm, đánh dấu mức điểm thấp nhất kể từ tháng 11/1992.

Chỉ số FTSE của Anh giảm 0,51% chốt ở mức 5.437,62 điểm. Chỉ số DAX 30 của Đức giảm 50,91 điểm, tương đương với 0,79% chốt ở mức 6.401,06 điểm. Chỉ số chung của Pháp - CAC 40 giảm 0,61% đóng cửa ở mức 3.039,27 điểm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngân Hà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN