'Tây' được nới lỏng mua nhà Việt Nam?

Chính phủ dự định sẽ ban hành một nghị quyết về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Trong đó có việc mở rộng đối tượng và tạo thuận lợi hơn về điều kiện mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Theo dự thảo nghị quyết, Chính phủ sẽ tổng kết Nghị quyết 19/2008/NQ-QH12 về thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam để bổ sung vào Luật Nhà ở sửa đổi hoặc trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 19/2008/NQ-QH12 theo hướng mở rộng đối tượng và tạo thuận lợi hơn về điều kiện mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Trong đó, Chính phủ sẽ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Xây dựng thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc mở rộng đối tượng và điều kiện mua và sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam quy định tại Nghị quyết số 19/2008/NQ-QH12 ngày 3/6/2008.

Một số chuyên gia trong và ngoài nước đã bày tỏ sự ủng hộ đối với chính sách này.

Ông David Lim, luật sư thuộc ZICOLaw và là trưởng nhóm công tác đất đai thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cho rằng ông “happy” với các chính sách mới. Theo chuyên gia này, Việt Nam hiện đang có những điều kiện chặt chẽ hơn so với hầu hết các nước ASEAN khác trong vấn đề sở hữu nhà ở của người nước ngoài.

Tuy nhiên, điều quan trọng là Việt Nam cần xem xét cho phép nước ngoài tham gia vào thị trường bất động sản để cho phép khu vực bất động sản Việt Nam để duy trì khả năng cạnh tranh. “Lĩnh vực bất động sản cạnh tranh và sôi động hơn là mang lại lợi ích không chỉ cho các nhà phát triển bất động sản và chủ sở hữu bất động sản mà còn tác động tích cực tới thị trường nói chung. Bởi vì thị trường bất động sản sẽ tạo ra nhiều việc làm và sẽ kích thích kinh doanh khác để phát triển tốt hơn”, ông David Lim phân tích.

Trước đó, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2012, ông David Lim cũng đã đưa ra thông điệp về việc nới lỏng các hạn chế về sở hữu nhà của các tổ chức và cá nhân người nước ngoài.

'Tây' được nới lỏng mua nhà Việt Nam? - 1
Việt Nam hiện đang có những điều kiện chặt chẽ hơn so với hầu hết các nước ASEAN khác trong vấn đề sở hữu nhà ở của người nước ngoài.

Luật Kinh doanh bất động sản hiện tại cấm các cá nhân và tổ chức nước ngoài sử dụng bất động sản cho bất kỳ mục đích gì ngoài mục đích để ở. Điều này có nghĩa là cá nhân và tổ chức nước ngoài không thể mua bất động sản cho mục đích kinh doanh, chẳng hạn như để cho thuê lại. Các cá nhân và tổ chức nước ngoài và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thành lập tại Việt Nam về thực tế cũng không được phép mua các tòa nhà hoàn chỉnh.

Chính vì vậy, Nhóm công tác đất đai cho rằng việc xem xét lại quy định trong lĩnh vực này là sẽ rất có ích nếu một công ty xây dựng bất động sản có thể bán một số lượng lớn các căn hộ trong một tòa nhà cho một nhà đầu tư nước ngoài rồi sau đó nhà đầu tư nước ngoài có thể bán lại các bất động sản đó trên thị trường thứ cấp hoặc cho thuê lại.

Trong khi đó, ông Alan Phạm, kinh tế gia trưởng của tập đoàn VinaCapital cho rằng thị trường bất động sản đã bị đóng băng do cầu yếu và các căn hộ hoặc nhà ở vượt quá sức mua của người dân.

Ông cho rằng những chính sách mới sẽ có tác dụng tốt trong việc tăng cầu cho lĩnh vực này. Nhiều người mua nước ngoài, bao gồm cả người Việt Nam định cư ở nước ngoài, có thu nhập cao và đủ khả năng để mua các loại nhà ở cao cấp của thị trường. Điều này có thể giúp kích thích làn sóng mua các bất động sản cao cấp. Sau đó, thị trường có thể trở nên ấm lên với nhiều người dân địa phương mua các bất động sản thấp và trung cấp.

Ông cũng nhấn mạnh rằng một cú hích như vậy là quan trọng vì nó sẽ giúp chấm dứt thái độ chờ đợi và xem xét của nhiều người mua, vốn đang tiếp tục chờ đợi cho giá xuống thấp hơn nữa. Khi một số giao dịch mua bán được tiến hành, tâm lý của người dân sẽ thay đổi theo hướng cho rằng nếu bây giờ họ không mua thì có thể bỏ lỡ một cơ hội tốt để sở hữu tài sản.

Một chuyên gia khác, ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý và Khai thác tòa nhà PMC thì cho rằng với hoàn cảnh hiện tại, mở rộng các chính sách ưu đãi cho người nước ngoài cũng như tạo điều kiện cho người dân trong nước có nhu cầu thật chính là hai phương án mà chúng tôi xin được góp ý kiến nhằm tháo gỡ một phần tình hình cho thị trường bất động sản.

Việc tháo ngòi cho thị trường, theo ông Minh, sẽ giúp khơi thông nguồn vốn từ bên ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam theo hướng cho phép người nước ngoài mua không hạn chế các căn hộ chung cư cao cấp tại Việt Nam không hạn chế về số lượng.

“Theo dự báo của chúng tôi, nếu những quy định trên được thông qua, trong vài năm tới sẽ có hàng chục nghìn căn hộ chung cư cao cấp tại Việt Nam được bán cho người nước ngoài, bao gồm trước hết những người nước ngoài đang sinh sống, kinh doanh, làm việc tại Việt Nam, thân nhân và bạn bè của họ. Đối tượng mua có thể từ Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Nhật Bản và nhiều nước khác. Vốn thu hồi từ việc bán căn hộ chung cư cho người nước ngoài chắc chắn sẽ tạo cú hích để phục hồi nhanh chóng ngành kinh doanh bất động sản tại Việt Nam, qua đó giảm bớt được khó khăn cho ngân hàng và một số ngành kinh tế khác”, ông Minh phân tích.

Nhìn ra nước ngoài, “Tây Ban Nha đã công bố về kế hoạch cấp cho người nước ngoài giấy phép cư trú dài hạn nếu mua bất động sản có giá tối thiểu khoảng 200.000 USD. Bồ Đào Nha và Ireland đã thực hiện các chương trình tương tự trong năm nay để kích hoạt lại thị trường nhà đất trong nước. Gần Việt Nam, Malaysia đã có chương trình tương tự dành cho người nước ngoài muốn ở tại Malaysia. Đây là một biện pháp thay thế hấp dẫn và nên được áp dụng nếu không thể hoàn toàn cho phép cá nhân và tổ chức nước ngoài được quyền mua bất động sản tại Việt Nam”, trích báo cáo của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2012. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Minh (Vneconomy)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN