Tây Ban Nha chữa lửa bằng dầu
Tại Tây Ban Nha và châu Âu, sự hân hoan sau gói giải cứu 100 tỉ euro (125 tỉ USD) đã lụi tàn trong chưa đầy 24 giờ. Sau Tây Ban Nha, nay đến lượt Ý run rẩy trước nguy cơ khủng hoảng tràn sang.
Theo báo Wall Street Journal, trong phiên giao dịch ngày 12-6 giá đồng euro giảm từ 1 euro ăn 1,26 USD của ngày hôm trước xuống chỉ còn 1,24 USD. Lãi suất trái phiếu Chính phủ Tây Ban Nha kỳ hạn 10 năm tăng vọt trở lại trên 6,5%. Một số chuyên gia dự báo lãi suất vay mà Tây Ban Nha phải trả sẽ nhanh chóng chạm ngưỡng “bất ổn” 7% so với 1,47%, mức lãi suất Đức phải trả cho trái phiếu kỳ hạn 10 năm của nước mình.
Giới truyền thông châu Âu cũng tỏ ra rất bi quan. Báo Guardian khẳng định gói giải cứu ngân hàng Tây Ban Nha “chỉ là thêm câu hỏi thay vì câu trả lời”. Tạp chí Mỹ Forbes cho rằng gói giải cứu này “có thể sẽ thất bại”. Giới quan sát dự báo Tây Ban Nha phải sớm ngửa tay xin cứu trợ thêm nhiều tỉ euro nữa, bởi chính quyền Madrid đang chữa cháy bằng cách đổ thêm dầu vào lửa.
Nợ chồng nợ
Giới đầu tư quốc tế đã mất sự lạc quan sau khi các quan chức Liên minh châu Âu (EU) tiết lộ sẽ lấy 100 tỉ euro từ quỹ giải cứu mới là Cơ chế ổn định châu Âu (ESM) thay vì từ quỹ hiện tại là Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF) để cứu các ngân hàng Tây Ban Nha. Hai quỹ này có sự khác biệt lớn. Nợ vay từ EFSF được đánh giá tương đương nợ vay từ các nguồn khác. Ngược lại, quốc gia vay từ ESM sẽ phải trả món nợ này trước các món nợ khác. Có nghĩa là Tây Ban Nha phải ưu tiên trả nợ 100 tỉ euro cho ESM. Khoản nợ 780 tỉ euro (974 tỉ USD) của Tây Ban Nha với các chủ nợ khác sẽ phải trả sau. Do vậy, các thị trường quốc tế sẽ ngần ngại khi cho chính quyền Madrid vay. Và Tây Ban Nha phải tăng cao lãi suất khi phát hành trái phiếu thì mới có thể huy động các chủ nợ khác cho vay.
Trên thực tế, thời gian qua chính quyền Tây Ban Nha phải vay nhiều tỉ euro từ chính các ngân hàng trong nước do không thể vay từ thị trường quốc tế. Ngược lại, các ngân hàng Tây Ban Nha đang khốn đốn vì bong bóng bất động sản cũng phải vay lại tiền từ chính phủ. Chính quyền Madrid không có đủ tiền và không thể in tiền. Trong khối đồng euro, chỉ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được phép in tiền. Hệ thống tài chính Tây Ban Nha đang rơi vào vòng luẩn quẩn, bế tắc.
Giới chuyên gia tài chính đặt câu hỏi liệu Tây Ban Nha nói riêng và châu Âu nói chung có thể giải quyết vấn đề nợ nần bằng cách vay thêm nợ mới? Theo Wall Street Journal, tỉ lệ nợ trên GDP của Tây Ban Nha có thể tăng từ 68,5% vào thời điểm cuối năm 2011 lên trên 90% vào cuối năm 2012. Nếu tỉ lệ này tăng lên 120% như Hi Lạp và lãi suất Tây Ban Nha phải trả được giữ ở mức trên 7%, Madrid sẽ phải ngửa tay xin cứu trợ lần nữa.
Hơn nữa, như chính quyền Tây Ban Nha ước tính, GDP năm 2012 của nước này sẽ sụt giảm 1,7%, tăng trưởng tiếp tục yếu ớt trong những năm tới do chính sách cắt giảm chi tiêu và thắt lưng buộc bụng. Không có tăng trưởng, Tây Ban Nha chẳng lấy đâu ra tiền để trả nợ, ngoài việc tiếp tục vay nợ từ nước ngoài với lãi suất cắt cổ và càng chìm sâu vào hố nợ. Thậm chí như giới quan sát dự báo, nếu Hi Lạp rời khỏi khối đồng euro thì Tây Ban Nha có thể không tiếp cận được nữa với thị trường vốn quốc tế và sẽ vỡ nợ.
Người Tây Ban Nha đổ ra đường phố thủ đô Madrid để phản đối gói cứu trợ 100 tỉ euro - Ảnh: Reuters
Ý lo sốt vó
Giới đầu tư quốc tế giờ lại lo ngại khủng hoảng Tây Ban Nha sẽ nhanh chóng lan sang Ý. Theo báo New York Times, các nhà đầu tư đang ồ ạt bán tống bán tháo trái phiếu của Chính phủ Ý. Lãi suất của trái phiếu này đang tăng lên trên 6%. “Mối nguy cơ khủng hoảng lây lan sang Ý đã đến rất gần” - Thủ tướng Ý Mario Monti thừa nhận ngay từ cuối tuần trước.
Ý đang nợ hơn 2.000 tỉ euro (2.500 tỉ USD), tương đương 120% GDP và nợ sẽ tiếp tục tăng lên khi chính quyền Rome phải đi vay với lãi suất cao. Tỉ lệ thất nghiệp của Ý hiện trên 10%. Các ngân hàng Ý hạn chế cho vay, đẩy hàng chục ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ vào bước phá sản. Giống như Tây Ban Nha, tăng trưởng của Ý cũng rất yếu ớt với GDP dự kiến sụt giảm 1,5% trong năm 2012 và chỉ tăng 0,5% trong năm 2013. Điều này có nghĩa là Ý không tăng trưởng đủ nhanh để có tiền trả nợ.
“Chắc chắn là khủng hoảng sẽ lan sang Ý” - chuyên gia Daniele Sottile thuộc Hãng tư vấn tài chính Vitale & Associati ở Milan dự báo. Giám đốc Sergio Marchionne của Hãng ôtô Fiat và Chrysler cho rằng đã đến lúc doanh nghiệp phải tự cứu lấy mình trước khi quá muộn khi nhấn mạnh: “Phải làm điều gì đó trước khi chúng ta bước đến bờ vực và không thể quay trở lại”.
Thật ra, tình hình kinh tế của Ý chưa đến mức tồi tệ như của Tây Ban Nha. Thâm hụt của Ý vào khoảng 3,9% GDP, thấp hơn nhiều so với mức 8,5% của Tây Ban Nha. Ý cũng không mắc kẹt trong bong bóng bất động sản như Tây Ban Nha. Nhưng vấn đề là niềm tin của thị trường đã quá thấp. “Thị trường cho rằng Tây Ban Nha đi đến đâu thì Ý sẽ theo đến đó” - chuyên gia nợ công Ý Nicholas Spiro chỉ rõ.
Xem ra châu Âu vẫn chưa nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm!