Giữa cuộc ly hôn nghìn tỷ, Tập đoàn Trung Nguyên lớn cỡ nào?
Xây dựng được một thương hiệu nổi tiếng với mạng lưới quán café rộng khắp, nhưng mâu thuẫn nội bộ đang khiến Trung Nguyên trở nên rối ren.
Đạt được nhiều thành tựu nhưng cũng không ít sóng gió
Theo thông tin từ trang web Trung Nguyên Legend, Tập đoàn Trung Nguyên được thành lập vào tháng 6 năm 1996 tại thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột. Năm 1998, công ty này xây dựng quán café đầu tiên của mình tại TP.HCM.
Năm 2003, Trung Nguyên cho ra đời sản phẩm café hòa tan G7. Đây cũng là dòng sản phẩm đạt được thành công lớn của Trung Nguyên, nằm trong top 3 trên thị trường café hòa tan Việt Nam, bên cạnh Vinacafe Biên Hòa và Nestle.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên
Đến năm 2010, Trung Nguyên đã xuất khẩu được sản phẩm café của mình đến hơn 60 quốc gia, bao gồm cả những thị trường khó tính như Mỹ, Canada, Anh, Đức hay Nhật Bản. Năm 2018, công ty này ra mắt thương hiệu Trung Nguyên Legend – Cà phê năng lượng, cà phê đổi đời.
Tuy nhiên, tình hình của Trung Nguyên đã có những rối ren khi cuộc hôn nhân của ông Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch HĐQT của Trung Nguyên và vợ là bà Lê Hoàng Diệp Thảo gặp sóng gió. Năm 2015, bà Thảo lần đầu đưa đơn ly hôn ra tòa. Cũng trong năm này, ông Vũ bất ngờ bãi nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc thường trực của bà Thảo tại Tập đoàn Trung Nguyên.
Kể từ đó, những tranh chấp liên quan đến hoạt động kinh doanh của Trung Nguyên và các công ty liên quan cũng đã xảy ra đồng thời với cuộc ly hôn được coi là nghìn tỷ giữa hai vợ chồng sáng lập thương hiệu cà phê này. Và đến hiện tại, mâu thuẫn giữa ông Vũ và bà Thảo vẫn chưa có hồi kết.
Quy mô của Trung Nguyên ra sao?
Tuy được thành lập từ khá sớm (1996), nhưng mãi đến năm 2006, CTCP Tập đoàn Trung Nguyên mới chính thức được đăng ký kinh doanh. Hiện tại, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đang là người đại diện theo pháp luật. Trung Nguyên hiện chưa niêm yết cổ phần trên thị trường chứng khoán.
Về tình hình kinh doanh theo chia sẻ với báo giới, doanh thu của Trung Nguyên trong giai đọan 2015-2017 đạt quanh mức 3.800 tỷ đồng, cao hơn so với đối thủ là Vinacafe Biên Hòa ( 3.000 – 3.400 tỷ trong giai đoạn 2015-2017).
Hoạt động kinh doanh của Trung Nguyên có 3 mảng chính gồm Kinh doanh - chế biến cà phê, bán lẻ và nhượng quyền thương hiệu (franchising). Theo thông tin từ Chứng khoán Bảo Việt, hiện nay Trung Nguyên cũng đã xây dựng được mạng lưới hơn 2.500 quán cà phê nhượng quyền trên cả nước và ở nước ngoài như Mỹ, Nhật, Singapore.
Về quy mô doanh nghiệp, theo bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500) của Vietnam Report năm 2016, Trung Nguyên đứng vị trí số 213, xếp trên một số cái tên nổi tiếng như Dược Hậu Giang, Ngân hàng Tiên Phong, hay đại gia bất động sản Novaland.
Vị trí của Trung Nguyên trong danh sách 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VNR500). Nguồn: Vietnam Report
Trong danh sách những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VNR500) của Vietnam Report thì Trung Nguyên đứng thứ hạng khá cao là 89 vào năm 2016. Trung Nguyên cũng đứng thứ 83 trong Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận lớn nhất Việt Nam PROFIT500 vào năm 2017, xếp trên Xây Dựng Hòa Bình, TPBank hay ngân hàng VIB.
Thêm vào đó, mới đây trong diễn biến mâu thuẫn, trên trang cá nhân facebook của mình, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã đưa ra sao kê ngân hàng, tuyên bố Trung Nguyên chi gần 1.000 tỷ để làm truyền thông, 300 tỷ đồng mua siêu xe hay 200 tỷ đồng cho chương trình “Lập chí vĩ đại - khởi nghiệp kiến quốc”…. trong khoảng thời gian từ 1/1/2015 đến 24/1/2017. Thông tin này cũng phần nào cho thấy Trung Nguyên có tiềm lực tài chính khá dồi dào.
Thương hiệu trà bí đao Wonderfarm đang phải ngày đêm “cày cuốc” để lấy lại những gì đã mất.