Tập đoàn, tổng công ty vung vãi tiền nhà nước

Nhiều tập đoàn, tổng công ty quản lý nợ chưa chặt chẽ dẫn đến nợ khó đòi lớn, nợ tạm ứng tồn đọng nhiều năm với số tiền lớn chưa được thu hồi, sử dụng tài sản sau đầu tư không hiệu quả gây lãng phí vốn, thua lỗ...

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa báo cáo kết quả kiểm toán các doanh nghiệp (DN) nhà nước và các tổ chức tài chính - ngân hàng.

Nhập nhằng nợ nần cả ngàn tỉ đồng

Kết quả kiểm toán cho thấy nhiều tập đoàn, tổng công ty quản lý nợ chưa chặt chẽ, dẫn đến nợ phải thu quá hạn, nợ khó đòi lớn. Như tại Mobifone, số nợ công ty mẹ là 312,8 tỉ đồng (chiếm 30,4% nợ phải thu), Công ty VNPT-Global 14,39 tỉ đồng (chiếm 10,3%). Tại Hapro, số nợ là 376,65 tỉ đồng (chiếm 25,7%). Tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty CP Vận tải dầu khí Thái Bình Dương phải thu theo Quyết định của TAND TP HCM trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm 80 tỉ đồng, Tổng Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam phải thu Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất 124,74 tỉ đồng…

Cơ quan kiểm toán cũng chỉ ra một số đơn vị xóa nợ chưa đủ điều kiện, trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi không đúng quy định, chưa ban hành quy chế quản lý các khoản nợ phải thu; nợ tạm ứng tồn đọng nhiều năm với số tiền lớn chưa được thu hồi… Một số khoản cho vay, bảo lãnh tiềm ẩn nguy cơ khó đòi, mất vốn. Công ty mẹ - Vinalines cho 3 công ty con vay theo chủ trương của Chính phủ, khó thu hồi 457,8 tỉ đồng; bảo lãnh và tiếp nhận bảo lãnh cho các đơn vị kinh doanh thua lỗ 6.204,54 tỉ đồng, 151,8 triệu USD và 69,2 triệu EUR tiềm ẩn rủi ro; công ty mẹ - Vinataba cho Công ty Thực phẩm miền Bắc vay 60 tỉ đồng từ năm 2012 và 2013 khó có khả năng thu hồi gốc và lãi 67,28 tỉ đồng…

Tập đoàn, tổng công ty vung vãi tiền nhà nước - 1

Vinalines tiếp tục có hiệu quả đầu tư thấp Ảnh: Tấn Thạnh

Trong khi đó, hoạt động kinh doanh của nhiều tập đoàn, tổng công ty chủ yếu dựa vào vốn vay của các tổ chức tín dụng, vốn chiếm dụng, dẫn đến hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao. Chẳng hạn, Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Cà Mau Vinalines có hệ số nợ phải trả cao gấp153,92 lần, Công ty CP Phát triển Hàng hải Việt Nam 55,21 lần, Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines Đông Đô 40,55 lần…

Hiệu quả đầu tư kém

Về đầu tư tài chính, Vinalines tiếp tục được nhắc đến khi hiệu quả đầu tư thấp với 51/63 đơn vị có vốn đầu tư của công ty mẹ thua lỗ hoặc hiệu quả thấp, cổ tức thu được năm 2014 bằng 0,46% vốn đầu tư. Một đơn vị khác là công ty mẹ Tổng Công ty Cơ khí xây dựng (COMA), lợi nhuận được chia năm 2014 từ các công ty con chỉ bằng 1,05% vốn đầu tư. Trong 10 công ty con của COMA thì có tới 6 công ty thua lỗ. Đáng lưu ý, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đầu tư 800 tỉ đồng vào Oceanbank và mất toàn bộ quyền, lợi ích cũng như tư cách cổ đông.

Một số tập đoàn, tổng công ty sử dụng tài sản sau đầu tư không hiệu quả gây lãng phí vốn, thua lỗ. Công ty TNHH MTV Công trình giao thông Sài Gòn năm 2014 không sử dụng hệ thống máy chuyên dùng vào bóc tái chế nguội mặt đường dù đã được đầu tư 38,79 tỉ đồng vào năm 2012...

Có trường hợp mua sắm, thanh lý tài sản không đúng quy định như tại Tổng Công ty Xây dựng số 1, công ty mẹ mua xe Toyota 4Runner 2,25 tỉ đồng, cao hơn mức tối đa cho phép 1,21 tỉ đồng; Công ty CP Xây dựng số 1 - Việt Nguyên mua xe Mercedes - Benz và thanh lý xe Audi không đúng quy chế tài chính của đơn vị.

Một số đơn vị kinh doanh xăng dầu không đúng quy định, như PV Oil Sài Gòn, Petro Mekong, PV Oil Tây Ninh mua xăng dầu của các doanh nghiệp không thuộc đầu mối Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam; một số tổng đại lý không đủ điều kiện về kho, bể; lượng hàng dự trữ quốc gia tại một số thời điểm trong năm bị thiếu hụt. Có đơn vị áp dụng tỉ lệ hao hụt định mức trong bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia đã lạc hậu, không phù hợp. Năm 2014, Tổng Công ty Dầu Việt Nam quyết toán theo định mức hao hụt quy định của Bộ Tài chính và Bộ Công Thương (đã lạc hậu), cao hơn định mức của tổng công ty là 74.217 lít xăng, 3.914 lít dầu diesel, tương đương 1,4 tỉ đồng.

KTNN cũng chỉ ra Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam trích lập và sử dụng các quỹ chưa đúng quy định: trích vượt Quỹ môi trường năm 2012 là 113,74 tỉ đồng; sử dụng quỹ để đầu tư cho các dự án, đề án không đúng quy định từ năm 2010-2014 là 238,68 tỉ đồng; sử dụng Quỹ thăm dò để đầu tư cho hoạt động khai thác khoáng sản ngoài than lớn hơn số trích lập 371,1 tỉ đồng.

Thoái vốn nhà nước chậm

Báo cáo của KTNN cũng nêu rõ việc thực hiện Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp (DN) nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015 chưa đáp ứng yêu cầu và kế hoạch đề ra về tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn; công tác chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước chậm; hiệu quả sản xuất - kinh doanh tại một số DN chưa cao.

Về các tổ chức tài chính - ngân hàng, tổng nợ xấu toàn hệ thống tại thời điểm cuối năm 2014 là 145.200 tỉ đồng (tăng 28.700 tỉ đồng, tương ứng 24,6% so với cuối năm 2013), chiếm 3,25% tổng dư nợ. Việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng chủ yếu thông qua việc bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) nhưng xử lý nợ xấu của VAMC chưa hiệu quả; các tổ chức tín dụng phân loại nợ chưa phù hợp…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Nhung (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN