Tập đoàn Hóa chất ngập nợ hơn 38.000 tỷ đồng

Sự kiện: Kinh Doanh

Dù hoạt động của nhiều đơn vị đã có lãi trở lại nhưng mức lợi nhuận nhỏ 47,9 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm 2017, không giúp giảm bớt những khó khăn so với tổng số tiền hơn 38.000 tỷ đồng mà Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đang phải gánh.

Báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán giữa năm vừa được Vinachem công bố cho thấy, tập đoàn này đã ghi nhận mức lãi trở lại trong 6 tháng đầu năm với tổng số tiền 47,9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. So với tổng mức lỗ lên tới 627 tỷ đồng của năm 2016, mức lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm của Vinachem ghi nhận được vẫn rất nhỏ bé.

Báo cáo tài chính của Vinachem cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, tổng số nợ phải trả của tập đoàn đã tăng thêm hơn 666,3 tỷ đồng, lên mức 38.130 tỷ đồng. Số nợ ngắn hạn cũng tăng thêm hơn 1.500 tỷ đồng, lên 18.243 tỷ đồng. Số nợ dài hạn của tập đoàn này cũng được ghi nhận ở mức 18.229 tỷ đồng. Trong các tháng đầu năm, Tập đoàn Hóa chất đã phải chi khoảng 44,7 tỷ đồng trả nợ gốc và hơn 619 tỷ đồng trả lãi vay của tập đoàn và các đơn vị thành viên.

Số liệu kiểm toán cũng cho thấy, Vinachem hiện có hơn 156,9 tỷ đồng tiền mặt và hơn 1.441 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn. Số tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn của tập đoàn này được ghi nhận ở mức hơn 706,4 tỷ đồng.

Tập đoàn Hóa chất ngập nợ hơn 38.000 tỷ đồng - 1

Đạm Hà Bắc, một trong bốn doanh nghiệp thua lỗ nghìn tỷ ngành hóa chất đang gặp nhiều khó khăn

Bản báo cáo cũng cho thấy, tình hình “sức khỏe” của 4 doanh nghiệp thua lỗ nặng nề nhất ngành hóa chất chưa được cải thiện. Các khoản nợ vay ngắn hạn đứng tên tập đoàn đều có liên quan đến các công ty thua lỗ nghìn tỷ này. Cụ thể, Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc đang vay tổng cộng hơn 558,5 tỷ đồng từ hai ngân hàng TMC Công Thương Việt Nam và Ngoại Thương Việt Nam. Đạm Ninh Bình hiện nợ tổng cộng hơn 1.177 tỷ đồng của hai chi nhánh ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam và TMCP Ngoại thương trong khi dự án DAP Vinachem vay tổng cộng 126,9 tỷ đồng từ 5 chi nhánh ngân hàng khác nhau. Công Cổ phần DAP số 2 Vinachem cũng báo nợ hơn 484 tỷ đồng tại 4 chi nhánh ngân hàng khác nhau.

Một số đơn vị khác ngành hóa chất cũng ghi nhận mức nợ lớn như Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao nợ 696,5 tỷ đồng; Công ty CP Phân bón miền Nam nợ tổng cộng hơn 413 tỷ đồng; Công ty Công nghiệp cao su Miền Nam nợ hơn 1.360 tỷ đồng; Công ty CP Pin Acquy miền Nam nợ hơn 920 tỷ đồng. Về nợ dài hạn, Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc có khoản nợ lên tới 7.480 tỷ đồng; DAP Vinachem nợ 205 tỷ đồng, Công ty CP DAP số 2 Vinachem nợ hơn 2.853 tỷ đồng trong khi Công ty mẹ-Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cũng đang nợ dài hạn hơn 6.962 tỷ đồng.

Trong báo cáo tài chính được công bố, Vinachem cho biết những rủi ro từ các khoản nợ có thể kiểm soát được, và có khả năng thanh toán khi đến hạn nhờ vào dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh, thu từ các tài sản tài chính đến kỳ đáo hạn.

Trước khó khăn do hàng loạt dự án nghìn tỷ đồng thua lỗ, đắp chiếu, mới đây Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) vừa có văn bản đề nghị Chính phủ cho phép khoanh nợ và hỗ trợ trả khoản vay 162 triệu USD từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) để triển khai dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình.

Trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về phương án tài chính cho dự án, Bộ Tài chính cho biết, dự án được triển khai với vốn tự có của Vinachem 100 triệu USD. Để vay được 250 triệu USD với lãi suất ưu đãi 4%/năm, cố định trong vòng 15 năm của Eximbank Trung Quốc, chủ đầu tư phải ký hợp đồng với nhà thầu với HQC của Trung Quốc. Dù được đưa vào vận hành từ năm 2012 nhưng nhà máy liên tục thua lỗ và phải tạm dừng chạy trong một thời gian để tìm phương án hiệu quả hơn. Tính đến cuối tháng 3/2017, Vinachem đã trả nợ gốc tổng cộng 7 lần với số tiền 87,5 triệu USD và đến nay dư nợ vay còn 162,5 triệu USD.

Tuy nhiên, về đề xuất của Vinachem, Bộ Tài chính cho biết, khoản vay của Dự án Đạm Ninh Bình thuộc nguồn tín dụng ưu đãi bên mua, không phải khoản vay ODA và có tính ưu đãi hạn chế. Theo Bộ Tài chính, qua trao đổi sơ bộ với phía China Eximbank, phía Trung Quốc cho biết, không có chính sách hỗ trợ dự án sử dụng vốn vay khó khăn và đối với phía Trung Quốc, người chịu trách nhiệm trả nợ trong mọi trường hợp không phải là doanh nghiệp, mà là Chính phủ Việt Nam.

“Nếu theo phương án đề xuất của Vinachem, từ năm 2017-2022, ngân sách nhà nước sẽ phải ứng vốn để trả nợ cho phía Trung Quốc thay Vinachem 125 triệu USD. Tuy nhiên, hiện nguồn thu của quỹ tích lũy trả nợ rất hạn chế, trong khi đang phải định kỳ trả nợ thay cho nhiều dự án, doanh nghiệp khó khăn như Giấy Phương Nam, Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (tức Vinashin trước đây, nay là SBIC). Việc Vinachem đề xuất được giãn nợ khi vẫn có khả năng tập trung nguồn lực để trả nợ nước ngoài là chưa phù hợp”, Bộ Tài chính nêu quan điểm và đề nghị Chính phủ không đặt vấn đề giãn hoãn nợ với phía ngân hàng Trung Quốc, vì sẽ gây ảnh hưởng tới uy tín của Chính phủ, cũng như ảnh hưởng tới đánh giá hệ số tín nhiệm quốc gia và phạm lỗi chéo giữa tất cả các khoản vay của Chính phủ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tuyên (Tiền phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN