Tập đoàn FLC của đại gia Trịnh Văn Quyết đang nợ nần ra sao?
Tổng nợ phải trả của FLC tăng nhanh chóng gần 3.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2018.
Tập đoàn FLC được biết là một doanh nghiệp có tốc độ tăng vốn thuộc hàng “khủng” trên sàn chứng khoán, chỉ sau 6 năm hoạt động, doanh nghiệp này đã tăng vốn tới 9 lần. Cụ thể, kể từ khi niêm yết lần đầu vào 2013 với vốn điều lệ là 772 tỷ đồng, hiện tại FLC đã tăng vốn lên tới 6.827 tỷ đồng.
FLC nổi lên với nhiều dự án bất động sản và du lịch nghỉ dưỡng “đình đám” như FLC Quy Nhơn, FLC Halong Bay Golf Club & Luxury Resort, hay một số dự án bất động sản nhà ở và văn phòng thương mại tầm trung như FLC Complex Phạm Hùng; FLC Landmark Tower và một số dự án đang triển khai như FLC Star Tower; FLC Complex Thanh Hóa…
Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT FLC
Tổng nợ phải trả tăng nhanh qua các năm
Theo báo cáo tài chính hợp nhất nửa đầu 2018, tính đến 30/6/2018, tổng nợ phải trả của FLC là 17.600 tỷ đồng, trong đó 14.364 tỷ đồng là vay ngắn hạn. Tổng nợ vay và thuê tài chính của FLC ở mức 4.080 tỷ đồng.
Tình hình nợ của FLC đến 30/6/2018
So với số đầu năm 2018, tổng nợ phải trả của FLC đã tăng gần 2.800 tỷ đồng, còn so với 2016 thì đã tăng 1,85 lần. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của FLC cũng tăng mạnh qua các năm, từ tỷ lệ dưới 1, hiện tại hệ số này đang là hơn 2 lần, mức cao nhất kể từ khi thành lập.
Tnh hình tăng vốn và nợ của FLC kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán. Đơn vị: tỷ đồng.
Năm |
Vốn chủ sở hữu | Tổng nợ phải trả |
2013 |
1.258 |
836 |
2014 |
3.914 |
1.488 |
2015 |
6.231 |
3.583 |
2016 |
8.403 |
9.505 |
2017 |
8.523 |
14.272 |
6T2018 |
8.651 |
17.601 |
Mới đây vào đầu tháng 7, FLC đã tiếp tục được Ngân hàng Credit Suisse AG (Thụy Sĩ) – chi nhánh Singapore đã giải ngân cho khoản vay 200 triệu USD, tương ứng khoảng 4.600 tỷ đồng. Khoản vay này được bảo đảm bằng quyền góp vốn tại công ty con, nhằm bổ sung vốn cho dự án và vốn lưu động của FLC. Thời hạn khoản vay là 2,5 năm đến 3 năm.
Kết quả kinh doanh Qúy II của FLC mặc dù tăng trưởng mạnh nhưng vẫn cho thấy sự kém hiệu quả. Cụ thể, doanh thu quý II đạt 2.988 tỷ đồng, tăng 130% so với năm ngoái, FLC báo lãi sau thuế trong quý II là 25,4 tỷ đồng. Lũy kế nửa năm, công ty ghi nhận 5.194 tỷ đồng doanh thu, tăng 110%. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại giảm 12%, đạt 120 tỷ đồng. So với kế hoạch năm 2018, 6 tháng FLC mới chỉ đạt 21,4% chỉ tiêu lợi nhuận.
Rủi ro về nợ tăng lên với Bamboo Airways
Mới đây, FLC còn gây bất ngờ khi quyết định lấn sân sang một lĩnh vực đang phát triển với tốc độ “vũ bão” là hàng không. FLC chủ trương đầu tư Dự án vận tải Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) tại cảng Phù Cát, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Dự án có tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu chiếm 100%. Mới đây, FLC còn ra nghị quyết tăng vốn cho hãng hàng không này lên 1.300 tỷ đồng.
Bamboo Airways vẫn chưa được chính thức cấp phép
Với tình nợ hiện tại, rủi ro sẽ tăng lên đáng kể đối với FLC nếu dự án mới hoạt động không hiệu quả. Bởi hàng không là một ngành đòi hỏi nguồn lực rất lớn cả về tài chính, khả năng, công sức và thời gian. Chi phí cố định của các hãng hàng không bao gồm tiền thuê, mua máy bay, chi phí nhân công hàng nghìn người, chi phí nhiên liệu, tiền trả lãi vay… đây là những chi phí rất lớn mà các hãng luôn phải trả đủ dù tình hình kinh doanh có thuận lợi hay không. Bên cạnh đó, yêu cầu khắt khe về nhân sự, an toàn bay và hạ tầng hàng không cũng là những vấn đề lớn mà một hãng bay mới phải đối mặt.
Có thể thấy ông Trịnh Văn Quyết đang rất tự tin và sốt sắng với dự án này. Dù chưa được cấp phép bay, nhưng vào tháng 3, FLC và Bamboo Airways đã ký kết thỏa thuận mua 24 chiếc máy bay A321NEO với Airbus tại Pháp và mua 20 máy bay Boeing B787-9 Dreamliner với Boeing. Tổng giá trị của thương vụ mua bán máy bay này lên tới 8,6 tỷ USD. Bamboo Airways dự kiến cất cánh chuyến đầu tiên ngày 10/10 trên đường bay Hà Nội - Quy Nhơn.
Đồng thời, vị tỷ phú cũng đánh mất danh “tỷ phú đôla” trên sàn chứng khoán Việt Nam.