Tăng tỷ giá USD 1%, nợ nước ngoài tăng 10.000 tỷ đồng

Trước quan điểm tỷ giá USD đang “căng” và cần điều chỉnh, lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng, tăng tỷ giá ngoại hối lúc này sẽ khiến nợ nước ngoài của Việt Nam tăng mạnh.

Phát biểu này được ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế dịch vụ (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) đưa ra tại cuộc họp giao ban 3 tháng đầu năm với các bộ, ngành sáng 25/3.

Theo ông Nguyễn Quốc Anh, thời gian vừa qua đồng đô la Mỹ tăng giá mạnh so với các đồng tiền khác, tính đến 19/3 USD đã tăng giá 12% so với EURO. Một số quốc gia khác đang chủ động giảm giá dòng tiền để kích thích xuất khẩu. Hiện đồng tiền Việt Nam đang giữ biên độ 1-2% so với USD, đồng  nghĩa tiền Việt Nam đang tăng giá so với các đồng tiền khác.

Trước nhiều ý kiến đề xuất tiếp tục nới thêm tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu, dù đợt điều chỉnh mới đây nhất cuối tháng 1/2015, NHNN đã điều chỉnh tăng 1%, nhưng Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế dịch vụ lại có quan điểm trái ngược.

“Phá giá VND không giúp tăng xuất khẩu nhiều” – ông Quốc Anh khẳng định.

Tăng tỷ giá USD 1%, nợ nước ngoài tăng 10.000 tỷ đồng - 1

 Giá đô la Mỹ đến chiều 25/3 đã giảm 40 đồng/USD so với hôm qua.

Theo tính toán của các chuyên gia, nếu phá giá 1% có thể kích thích tăng xuất khẩu trong nước khoảng 0,2%, nhưng với Việt Nam, cơ cấu doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vẫn chủ yếu thuộc về khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nên nếu phá giá VND thì chưa chắc đã hỗ trợ được xuất khẩu.

Cũng đồng tình với quan điểm xuất khẩu trong nước hiện đang phần lớn phụ thuộc vào DN FDI, đại diện Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho biết, hiện xuất khẩu thì đến 70% là doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm tỷ lệ 30%. 

Bóc tách cụ thể, vị này phân tích thêm, hiện xuất khẩu trong nước chủ yếu là doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, với tỷ lệ chỉ 30% nói trên cho thấy khả năng tiếp cận thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp Việt là khá khó khăn.

“Sắp tới hàng loạt các hiệp định thương mại quan trọng sẽ có hiệu lực, nếu các doanh nghiệp trong nước chuẩn bị không kỹ càng thì là điều rất đáng lo ngại”- vị này nói.

Trở lại với việc tác động của tỷ giá ngoại hối tới nợ quốc gia, ông Quốc Anh nhấn mạnh: “Nếu tăng tỷ giá 1% thì chỉ làm xuất khẩu tăng hơn 0,27%, còn nhập khẩu thì lại tăng lên, từ đó ảnh hưởng tới tình hình trong nước. Ngoài ra còn ảnh hưởng tới niềm tin của người dân và vay nợ của Việt Nam. Tăng tỷ giá 1% thì dư nợ nước ngoài tăng lên 10.000 tỷ”.

Chia sẻ với Infonet chiều qua, ngày 24/3, Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại tại Hà Nội cũng nhìn nhận, việc tỷ giá ngoại hối nóng lên trong hệ thống ngân hàng những ngày qua phần nhiều là do tâm lý. Ông cũng cho rằng, việc nới thêm tỷ giá vào thời điểm này như nhiều quan điểm đưa ra là chưa đủ cơ sở và cần quan sát thêm dữ liệu mới có thể kết luận chuẩn xác. “NHNN sẽ có tính toán chính sách của riêng mình, nhưng một thông điệp đưa ra trấn an tâm lý sẽ giúp tỷ giá ổn định trở lại” – ông nói.

Trong một diễn biến mới nhất, tới chiều 25/3, tỷ giá USD trong ngân hàng đã "dịu" trở lại. Bảng niêm yết tỷ giá VND/USD trong các ngân hàng đã giảm, như Vietcombank giảm 40 đồng/USD so với buổi sáng, ở mức 21.465 - 21.525 đồng/USD.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hoài (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN